Câu 3: Việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã được thực hiện và đưa ra đánh giá như thế nào về nội dung và việc thi hành Hiến pháp năm 1992?
1. Việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, công phu. Báo cáo tổng kết đã bám sát thực tiễn, nêu được những thành tựu nổi bật, những hạn chế, bất cập của Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp; phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, bất cập.
2. Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta trong thời kỳ mới.
Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng ta, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới ở nước ta.
3. Hiến pháp năm 1992 tạo cơ sở hiến định cho đất nước ta giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong hơn 20 năm qua.
4. Tuy nhiên, nội dung của Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn,... Ví dụ, Hiến pháp năm 1992 chú trọng đến việc thiết lập cơ sở hiến định để đổi mới kinh tế, nhưng chưa có sự hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới bộ máy nhà nước; quyền làm chủ của nhân dân chủ yếu được thể hiện dưới hình thức dân chủ đại diện; cơ chế bảo vệ Hiến pháp còn phân tán, giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành, chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý vi phạm Hiến pháp khi cần thiết...
Trong Hiến pháp có nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn hiện nay và giai đoạn tới như: Mối quan hệ giữa các cơ quan trong thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn chưa thật rõ ràng; còn sự trùng lặp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước. Các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có một số điểm chưa phù hợp. Quy định của Hiến pháp tại một số điểm còn mang tính "giải pháp", "chính sách", chưa bảo đảm tính cơ bản, lâu dài,...
5. Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 còn nhiều bất cập, cần sửa đổi Hiến pháp để hạn chế, khắc phục.
- Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp còn có những điểm chưa bảo đảm tính đồng bộ; có những nội dung quan trọng của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa thành luật. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân còn có trường hợp chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật quốc gia.
- Trong thực tiễn thi hành Hiến pháp một số nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có mặt còn chuyển biến chậm... Có những chủ trương đổi mới chưa thực hiện được hoặc thực hiện còn chậm trên thực tế.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)