Với vai trò người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng toàn thể cán bộ vượt mọi khó khăn, hình thành các nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng của một quốc gia độc lập...
Sắc lệnh số 16-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng giữ chức
Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Trong những năm tháng sống và hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả của người cộng sản, được anh em tin yêu quý mến đặt cho biệt danh là Sao Đỏ.
Phẩm chất này của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bộc lộ từ rất sớm nên ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, khi Đảng ta còn phải hoạt động trong vòng bí mật, các đồng chí lãnh đạo đã phân công đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhiệm cho công tác tài chính của Đảng. Và đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách xuất sắc với nhiều sáng kiến, giúp Đảng có thêm tiền bạc cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cho tới thời điểm bùng nổ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã là người phụ trách công tác tài chính của Tổng bộ Việt Minh.
Sau Ngày độc lập 2-9-1945, theo lẽ thường, những cán bộ cốt cán như đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoàn toàn có thể giữ những cương vị chủ chốt trong chính quyền mới, nhưng đồng chí đã tự xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ ngoài Đảng, thực hiện đúng phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra: Chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là phải đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không để lên "ông nọ, bà kia".
Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không lâu, dân tộc ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ: Chính quyền non trẻ, kinh tế kiệt quệ, nạn đói hoành hành. Đi đôi với chống phá ta về quân sự, thực dân Pháp còn dùng thủ đoạn tàn bạo và thâm độc để triệt phá kinh tế của ta, như dùng xăng dầu đốt thóc lúa, cho xe bọc thép nghiền nát hoa màu, đốt phá công cụ sản xuất, bắn chết trâu bò, phá các công trình thuỷ lợi và đê điều, dồn làng, tập trung dân, hạ giá đồng bạc Đông Dương, khủng bố những người giữ và tiêu tiền Việt Nam.
Đứng trước tình hình trên, Đảng ta đã vạch rõ, nắm vững chính sách chung là tăng gia sản xuất, bảo đảm cung cấp, tăng thu giảm chi, đấu tranh kinh tế với địch, mở mang mậu dịch đối ngoại. Chính sách cụ thể là đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực hành giảm chi bằng cách giảm biên chế, tiết kiệm, sửa đổi các chế độ thuế khóa cho hợp lý, định ra thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, phát triển mậu dịch quốc doanh, thành lập ngân hàng. Giai đoạn này, Chính phủ chủ trương phát hành tiền Việt Nam (tiền tài chính) nhằm tạo nền tiền tệ độc lập. Hoạt động ngân hàng đã bắt đầu manh nha với tổ chức tín dụng đầu tiên là Nha Tín dụng sản xuất, nhằm hỗ trợ vốn giúp nhân dân lao động phát triển sản xuất, phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; đồng thời tìm cách chiếm lĩnh thị trường tiền tệ và phản công, đấu tranh thắng lợi với địch trên mặt trận kinh tế, tiền tệ.
Thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của ngân hàng trong xây dựng và phát triển kinh tế, ngày 6-5-1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, ngân hàng đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao: đấu tranh trên mặt trận kinh tế, tiền tệ với địch bằng việc phát hành tiền, quản lý lưu thông tiền tệ, quản lý ngân khố quốc gia, quản lý kim dung bằng thể lệ hành chính, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, quản lý ngoại hối... Ngày 12-5-1951, giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam loại 20 đồng và 50 đồng lần đầu tiên ra đời thay tiền tài chính. Việc phát hành tiền Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể nhân dân. Trong giai đoạn này, người lãnh đạo và toàn thể cán bộ ngân hàng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ để đấu tranh có hiệu quả với địch trên mặt trận kinh tế và bước đầu xây dựng, hình thành các nghiệp vụ tiền tệ tín dụng ngân hàng kiểu mới của một quốc gia độc lập.
Đến nay trải qua gần 63 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống ngân hàng nước ta đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu của cách mạng Việt Nam qua những chặng đường chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thắng lợi vẻ vang, góp phần củng cố nền độc lập, tự chủ, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của vị Tổng Giám đốc Ngân hàng đầu tiên - Nguyễn Lương Bằng.
Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, từ năm 1925 đến năm 1979, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bất khuất, kiên trung, tận tuỵ, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ một thanh niên yêu nước, sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh giác ngộ, đồng chí đã trở thành một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một đảng viên kiên cường, mẫu mực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc sống, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người khiêm tốn, thanh liêm, giản dị, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân, cái tên "Anh Cả" mọi người thường gọi là biểu tượng của những phẩm chất mẫu mực. Trong lễ truy điệu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đọc lời điếu có đoạn: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta rất tự hào về Anh, về đồng chí Sao Đỏ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng... Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt".
THS. NGUYỄN THỊ GIANG