Thông báo về việc bãi bỏ đơn vị này được đưa ra một ngày sau khi ông Montazeri cho biết "cả Quốc hội và cơ quan tư pháp đều đang thảo luận" về vấn đề liệu có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.
Tổng thống Ebrahim Raisi ngày 3.12 nói rằng nền cộng hòa và nền tảng Hồi giáo của Iran đã được củng cố theo hiến pháp "nhưng có những cách thực thi hiến pháp linh hoạt".
Cảnh sát đạo đức, được gọi là Gasht-e Ershad, là một lực lượng của Iran được thành lập nhằm giám sát công chúng tuân thủ các giá trị Hồi giáo. Họ bắt đầu tuần tra từ năm 2006 để thực thi quy định về trang phục, trong đó yêu cầu phụ nữ phải đội khăn trùm đầu, mặc quần áo dài và cấm mặc quần đùi, quần bò rách hay những loại quần áo khác bị coi là không đứng đắn.
Các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát đạo đức ở Iran bùng lên sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái người Kurd 22 tuổi, ngày 16.9. Ba ngày trước đó, Amini bị cảnh sát đạo đức bắt với cáo buộc mang khăn trùm hijab không phù hợp với luật Hồi giáo.
Phong trào biểu tình khởi đầu với thông điệp đòi quyền tự do và bình đẳng cho phụ nữ, nhưng dần mở rộng thành yêu cầu cải cách xã hội và chính trị, thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia. Chính phủ Iran gọi các cuộc biểu tình là hành vi "bạo loạn", do phương Tây xúi giục. Giới chức nước này đã bắt hàng nghìn người tham gia phong trào.
Theo VnExpress