Trước phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc Kỳ hop thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Mặc dù trong nội dung luật sửa đổi không quy định Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng hay nêu rõ do ai sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo, nhưng qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng; bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Đề xuất của đại biểu về thành lập cơ quan điều tra độc lập phòng, chống tham nhũng có một số thẩm quyền điều tra đặc biệt không được bổ sung vào luật sửa đổi lần này với lý do: hiện tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đã quy định: “Khi xét thấy cần thiết Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”. Hơn nữa, nội dung này đang được Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu trong việc chuẩn bị dự án luật Tổ chức điều tra hình sự trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới, đồng thời với việc Quốc hội cho ý kiến về dự án bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, cũng như cần có quy định để kiểm soát được thu nhập của toàn dân, trên cơ sở đó mới kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự luật.
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.
Nguyệt Minh(TN)