Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhóm lên chiếc lò được cháy bằng ngọn lửa của lương tâm và công lý, quyết thiêu hủy cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền.
Có lẽ bây giờ, người dân Việt Nam đã không còn mấy xa lạ với cách nói tu từ “nhóm lửa”, “đốt lò”, “củi khô”, “củi tươi”… nữa - khi nó được dùng để nói về cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động và chỉ đạo ráo riết suốt 3 năm qua.
Cuộc đấu tranh mà ban đầu cũng có những hoài nghi, nhưng càng ngày, động cơ, mục đích và tín hiệu càng sáng rõ. Đó là cuộc đấu tranh một mất một còn bằng tất cả tâm huyết của toàn Đảng toàn dân để tiêu diệt cho bằng hết ‘"giặc nội xâm”, vì mục tiêu làm cho Đảng sạch, nước mạnh.
Có thể nói chưa bao giờ chuyện đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nói nhiều như lúc này. Bởi ai cũng hiểu tham nhũng là “giặc nội xâm” - là mối đại họa làm hao mòn nguồn lực, làm suy sụp rường cột quốc gia, làm băng hoại đạo đức đảng viên - những người vốn được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, quên mình vì dân, vì nước.
Hơn ai hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và sự tính toán chu đáo, đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được nạn tham nhũng lộng quyền.
Ai đó có thể thích hay không thích với cách nói của một vài tờ báo về “Người đốt lò vĩ đại - Nguyễn Phú Trọng”, có thể ai đó lúc đầu còn không ít lời bàn ra tán vào, còn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của nó, nhưng rõ ràng, cái lò thiêu tham nhũng do người đứng đầu Đảng nhóm lên, sau 3 năm ra tay quyết liệt, cùng với sự chung tay của toàn dân, đã có câu trả lời thỏa đáng.
Tin tức từ hội nghị Trung ương 9 vào những ngày cuối cùng của năm 2018 làm nức lòng người dân. Phó Bbí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng thứ 5 đương nhiệm bị xử lý kỷ luật và là người thứ 3 trong số đó bị đưa ra khỏi Trung ương.
Từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật - con số chưa từng có, minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng , chống tham nhũng của Đảng.
40 vụ án và 500 bị cáo trong tổng số gần 60 vụ việc tham nhũng đã được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc làm thỏa lòng người. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xét xử sơ thẩm 21 vụ với 263 bị can, trong đó 3 bị cáo bị kết án tử hình, 9 bị cáo án chung thân.
Phạm Công Danh, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Trầm Bê, Trần Phương Bình, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân… Rồi những cái tên từng đình đám một thời vừa bị bắt giam như Trần Bắc Hà... Danh sách bầy sâu tham nhũng liên quan đến ngân hàng, đất đai bị lộ sáng, cứ càng ngày càng dài thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều đó cho thấy công cuộc đốt lò của người đứng đầu Đảng thật cam go và quyết liệt, nhưng không thể vì những khó khăn nhất thời mà lùi bước. Kẻ phạm tội phải bị pháp luật trừng trị, tài sản tham nhũng phải được thu hồi cho nước cho dân.
Mới quá nửa nhiệm kỳ mà số vụ án tham nhũng đưa ra xét xử đã nhiều gấp 3 lần và số tiền thu lại được, nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây.
Người đứngg đầu Đảng, Nhà nước đã nhóm lên chiếc lò được cháy bằng ngọn lửa của lương tâm và công lý, quyết thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền. Tinh thần đấu tranh quyết liệt đó đã dần lấy lại niềm tin với dân về một đảng cầm quyền trong sạch, không tham nhũng, hết lòng vì nước vì dân.
Dẫu biết rằng phải kỷ luật, phải truy tố những người từng là đồng chí là điều hết sức khó khăn, đau đớn, nhưng vì một cơ thể khỏe mạnh, không thể không cắt bỏ những gì đã là ung nhọt.
Không chỉ nguyên lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng lớn mà cả một số người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thậm chí là ở những lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như công an, quân đội, hễ dính đến tham nhũng thì đều đã và đang đối mặt với pháp luật.
Rõ ràng, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất kể ai, một khi tay đã nhúng chàm thì phải bị xét xử nghiêm minh.
Thật khó kỳ vọng vào một nhà nước hoàn toàn không có tham nhũng. Chỉ là hạn chế đến hết mức có thể mà thôi. Bởi lẽ thường, quyền lực và lạm dụng quyền lực luôn đi liền với nhau. Mà lạm dụng quyền lực để tham nhũng là hành vi phổ biến nhất của những người có chức quyền trong bộ máy lãnh đạo.
Chiến dịch bàn tay sạch mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo, cái lò thiêu tham nhũng cần phải được tiếp tục cháy rực lên bằng ngọn lửa từ chính trái tim yêu nước của mỗi người. Và phải làm sao ngăn chặn tình trạng “củi hóa” cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.
Theo Vietnamnet