Mỗi lần đến thăm, ông chẳng những kể chuyện về bệnh tình của mình mà còn nhắc đến cả thái độ của thầy thuốc nơi ông đến. Khen có, chê có.
Ông bạn tôi mắc một chứng bệnh kinh niên nên mỗi năm có đến mấy tháng đi nằm viện. Từ huyện đến tỉnh, rồi các bệnh viện chuyên ngành ở Trung ương, ông đều có mặt. Mỗi lần đến thăm, ông chẳng những kể chuyện về bệnh tình của mình mà còn nhắc đến cả thái độ của thầy thuốc nơi ông đến. Khen có, chê có.
- Y đức là đạo đức của người thầy thuốc. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã nêu những điều thầy thuốc nên làm và nên tránh, ai phạm là mắc tội - ông bạn tôi nói.
- Còn giờ ta đã có Quy tắc ứng xử ngành y tế - Tôi góp chuyện.
- Đúng. Thế nhưng không phải mọi người trong ngành đều có thái độ ứng xử tốt với người bệnh. Tôi chỉ nói riêng chuyện bác sĩ (BS) khám và điều trị thôi cũng khác nhau và thái độ của bệnh nhân (BN) cũng khác nhau.
- Ông có thể dẫn chứng?
- Một BS thấy BN không tuân thủ nội quy trong bệnh viện như còn hút thuốc lá, bỏ phòng bệnh ra ngoài vào giờ tiêm, uống thuốc, không chịu hợp tác làm thủ thuật... mà nổi cáu, lo lắng cho BN; thế thì cái nóng giận ấy là có đạo đức chứ? Cho nên có BN trong kỳ họp hội đồng người bệnh cứ phê BS A, BS B về thái độ thế này thế khác, nhưng lại quên là mình đã không chấp hành tốt nội quy bệnh viện.
- Còn ông đánh giá như thế nào?
- Tôi cho là thái độ đó còn tốt hơn, văn hóa hơn hành vi khác. Chẳng hạn, BN đến, BS niềm nở đón tiếp (thái độ này là tốt - cần có). Thế nhưng, BS sau đó lại khuyên BN làm đủ các xét nghiệm không cần thiết đến mức dù kiến thức của BN kém cỏi đến đâu cũng nhận là những xét nghiệm "vô bổ" ấy chả liên quan gì đến bệnh của mình. Chưa hết, BS còn kê cho những đơn thuốc đắt tiền và không quên chỉ cho địa chỉ nơi bán thuốc...
- Làm xét nghiệm nhiều để thu nhanh vốn đầu tư trang thiết bị máy móc mới, kê đơn thuốc giá cao để nhận "hoa hồng"... Chuyện ấy là cũng có, nhưng chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh" thôi ông ạ!
- Thì tôi có bảo là phổ biến đâu. Nhưng hình như việc thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành y vẫn còn những khoảng trống cần phải làm thường xuyên; chứ không chỉ đợi đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam mới khơi dậy.
- Không chỉ trong ngành y cần có quy tắc ứng xử mà cả BN và người nhà BN cũng phải có hiểu biết để phân biệt được cái đúng - sai, tốt - xấu của BS mà ứng xử, ông ạ!
- Phải, làm được như vậy là đã tôn vinh y đức ngành y một cách văn hóa, chứ không chỉ từ cái... phong bì.
THẾ NGUYỄN