Thỉnh thoảng ăn rau thủy sinh sống ở hàng quán, chị T. không nghĩ có ngày lại phải đi viện vì tắc mật, tổn thương gan do loại sán có trong loại rau này.
Tổn thương gan, mật vì thói quen ăn uống
Đầu tháng 5, chị D.T.T (24 tuổi quê Hưng Yên) thấy đau tức thượng vị lan sang vùng hạ sườn phải.
Hai ngày sau, người nhà hốt hoảng khi da chị chuyển màu vàng như nghệ, củng mạc mắt vàng, đại tiện bạc màu. Dù không sốt nhưng nữ bệnh nhân ngứa liên hồi.
“Tôi ngứa đến mức không ngủ nổi, phải gãi liên tục”, chị T. chia sẻ. Ăn uống kém, ngủ kém khiến chị sút 3kg trong thời gian ngắn.
Đi khám tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, chị nhận kết quả nghi ngờ sỏi đường mật. Chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân có tổn thương gan do sán lá gan lớn.
“Bình thường thỉnh thoảng tôi có ăn rau thủy sinh sống ngoài hàng quán, không ngờ lại có thể nhiễm bệnh”, chị nói.
Bệnh nhân nhiễm sán đang được bác sĩ thăm khám.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) - nơi chuyên điều trị các bệnh lý do ký sinh trùng, bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh sán lá gan lớn, tăng men gan, ấu trùng di chuyển nội tạng (nhiễm giun đũa chó).
Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng đau của chị thuyên giảm. Bác sĩ nói tình trạng vàng mắt, vàng da của chị do tắc mật. Đây là trường hợp thể nặng của bệnh lý này.
Cùng nhập viện tại Khoa Điều trị như chị T là ông N.C.N (51 tuổi, ở Thái Bình). Trước kỳ nghỉ lễ, ông N. bỗng thấy đau dữ dội như thúc cuộn vùng hạ sườn phải. Cơn đau cấp thoái lui nhưng ông vẫn thấy âm ỉ.
Trước đó, dù ăn uống bình thường nhưng ông ngạc nhiên khi bị sút cân rõ rệt, người gầy. Toàn thân ông cũng ngứa ngáy khó chịu, bứt rứt. Đi khám tại địa phương, ông nhận kết quả nghi có khối u ở gan. Bác sĩ ở đó khuyên ông tốt nhất đi khám ung thư.
“Nghe nói đến u gan tôi đã nghĩ đó là án tử hình, rất sốc”, ông N. nhớ lại.
Lên Bệnh viện Bạch Mai khám, ông N. nhận kết quả tổn thương gan do sán lá gan, chuyển Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.
Chỉ mới nửa đầu tháng 5 nhưng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận điều trị tới 30 bệnh nhân mắc sán lá gan lớn, nhiều hơn cả tháng 4 (chỉ 22 ca). Bệnh nhân ở các lứa tuổi khác nhau, có bé mới chỉ 12 tháng tuổi, vừa chập chững biết đi đã mắc sán lá gan.
“Hầu hết bệnh nhân sán lá gan lớn nói riêng và nhiễm ký sinh trùng nói chung tới khám và điều trị tại đây đều đã đi 4-5 cơ sở y tế các tuyến rất lòng vòng”, TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nói.
Nhiều người vì lo lắng nên đi khám chuyên khoa ung thư do nghi ngờ u gan, áp xe gan hoặc đi khám, điều trị bệnh lý về lao, phổi do có triệu chứng ho, tràn dịch màng phổi, sốt cao dài ngày…
Vỡ gan vì sán lá gan lớn
Theo các bác sĩ, triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng, chỉ khi khám sức khỏe mới phát hiện tổn thương.
Ở thể nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu. Tuy nhiên, ở thể trung bình, 80% ca bệnh đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức. Tình trạng đau có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức.
Bệnh nhân có thể bị sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài. Nhiều người khi bị nhiễm bệnh kéo dài sẽ bị thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt. Người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.
Đặc biệt, khi diễn tiến thể nặng, một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của biến chứng tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa... Bệnh nhân cũng bị đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da do phản ứng viêm. Khoảng 30% người bệnh bị mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu.
Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, một số người còn bị ho, khó thở, sốt, thậm chí tràn dịch màng phổi. Việt Nam cũng từng ghi nhận trường hợp vỡ gan do sán lá gan lớn.
Việc điều trị sán lá gan lớn không phức tạp, được tiến hành bằng thuốc đặc hiệu để diệt sán. Bệnh nhân được dùng thuốc lợi mật, nhuận tràng trước và sau điều trị thuốc đặc hiệu…
Bệnh nhân cũng được nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi điều trị bệnh nền.
Thông thường, trung bình một liệu trình điều trị kéo dài khoảng 10 ngày. Nếu bệnh nhân còn nhiễm bệnh sán lá gan lớn thì tiếp tục điều trị nhắc lại. Người bệnh cần tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả.
TS Thọ cho hay nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề quan trọng và cần thiết.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước; không uống nước lã.
Bốn yếu tố cảnh báo sán lá gan lớn
- Chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu, đôi khi đau thượng vị.
- Có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài.
- Một số trường hợp kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, sẩn ngứa/mề đay.
- Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn...
Theo Vietnamnet