Tồn tại nhiều bãi kinh doanh than không phép: Lỗ hổng trong quản lý

19/08/2018 06:28

Mặc dù chưa được cấp phép nhưng nhiều bãi kinh doanh than vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp những quy định về bảo đảm an toàn đê điều, nhất là trong mùa mưa bão.

Bãi kinh doanh than do ông Nguyễn Văn Công làm chủ ở bãi đê tả sông Lai Vu (Kim Thành) chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Hoạt động công khai 

Về mặt pháp lý, bãi than do ông Nguyễn Văn Công làm chủ ở ngoài bãi đê tả sông Lai Vu, thuộc xã Thượng Vũ (Kim Thành) đang hoạt động chui, nhưng thực tế diễn ra tại đây cho thấy cơ sở này không hề lo sợ về việc hoạt động không phép. Hằng ngày, tàu thuyền, xe tải chở than qua khu vực này tấp nập. Hoạt động sàng, rửa, bốc, xúc than diễn ra thường xuyên, liên tục, như thách thức chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Khi vào mùa mưa bão, chủ bến bãi không giải tỏa, thanh thải lượng than tồn đọng trên bãi mà còn chất tải cao. Khi lực lượng quản lý tới làm việc, người đại diện bãi than này viện ra nhiều lý do để trì hoãn việc chấp hành quy định. Qua nhiều lần kiểm tra, chủ cơ sở bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện cấp phép nhưng lại chậm trễ trong việc hoàn tất hồ sơ thủ tục và tranh thủ hoạt động trong thời gian chờ chủ trương của tỉnh.

Ngoài hoạt động không phép, khu vực kinh doanh than của Công ty TNHH một thành viên Tiến Hoàng ở bãi đê hữu sông Đá Vách, thuộc thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) còn có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Để phục vụ kinh doanh, công ty đã chôn 7 cột điện ly tâm trong hành lang bảo vệ đê phía đồng và tự ý xây dựng 2 nhà lán với tổng diện tích gần 100 m2 ngoài bãi sông. Công ty này còn lắp đặt nhiều máy sàng, rửa than, mố cẩu để sơ chế và bốc xếp than thuận lợi. Đang trong mùa mưa bão nhưng công ty vẫn chất tải cao từ 3-5 m tại nhiều vị trí trong và ngoài hành lang đê. Trong khi bãi sông ở đây hẹp, nguy cơ sạt lở bờ sông là rất lớn.

Toàn tỉnh hiện có 77 điểm kinh doanh than, hoạt động chủ yếu ngoài bãi sông, tập trung tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách và thị xã Chí Linh. Trong đó chỉ có 32 điểm được UBND tỉnh chấp thuận theo quy hoạch mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức lập biên bản, phạt hành chính nên nhiều chủ kinh doanh than “nhờn luật”, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. 

Chưa đủ điều kiện cấp phép

Bến bãi than ở xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) hoạt động không phép

Đối với các điểm kinh doanh than ngoài bãi sông, bên cạnh việc bảo đảm các điều kiện kinh doanh thì phải được cấp phép hoạt động bến bãi. Các chủ kinh doanh than thường không chấp hành đầy đủ quy định một phần do những bất cập trong công tác quản lý.

Năm 2010, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch tổng thể mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đến năm 2017, mạng lưới kinh doanh than của tỉnh được điều chỉnh, bổ sung với định hướng phát triển đến năm 2025.

Theo đại diện ngành công thương, các điểm kinh doanh than phát sinh tự phát do quy định về quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở. Năm 2016, Bộ Công thương ban hành Thông tư 27/2016/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó có kinh doanh than mà chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó, các chủ cơ sở kinh doanh than cho rằng có thể tự do hoạt động kinh doanh than mà không cần các điều kiện ràng buộc. Mặt khác, kinh doanh than chưa nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện phải thẩm định nên không thể kiểm soát chặt ngay từ đầu.

Đại diện Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết để bến bãi được cấp phép hoạt động, các chủ bến bãi phải bảo đảm các điều kiện về thủ tục thuê đất; vị trí hoạt động nằm trong quy hoạch, không ảnh hưởng tới an toàn đê điều; điểm xây bến để vận chuyển, bốc dỡ hàng phải thực hiện theo quy định của giao thông đường thủy... Vì vậy, nhiều điểm kinh doanh than hiện nay không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp phép. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ trong quản lý của các ngành liên quan đã dẫn tới tình trạng nhiều bãi than hoạt động không phép và làm phát sinh nhiều bãi kinh doanh than ngoài quy hoạch.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 79 điểm kinh doanh than nhưng hiện đã có 77 điểm kinh doanh than, nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu. Việc hình thành nhiều điểm kinh doanh ngoài quy hoạch sẽ tạo điều kiện phát sinh tình trạng tiêu thụ than không có nguồn gốc, làm phức tạp thêm hoạt động kinh doanh than và gây khó khăn trong quản lý.

Để xử lý những bãi kinh doanh than không phép, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn nên có sự thống nhất chung trong quản lý. Kiên quyết dừng hoạt động, giải tỏa các bãi than vi phạm. Tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tình trạng các chủ bến bãi tự ý chuyển mục đích kinh doanh từ vật liệu xây dựng sang kinh doanh than hoặc cho thuê mặt bằng bãi để sử dụng sai mục đích...

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tồn tại nhiều bãi kinh doanh than không phép: Lỗ hổng trong quản lý