Để chọn được tôm bảo đảm chất lượng không quá khó. Nhưng nếu không để ý có thể không nhận ra các dấu hiệu này, ăn vào vừa tốn tiền lại hại thân.
Tôm là thực phẩm quen thuộc và là món ăn được nhiều gia đình yêu thích. Tuy nhiên làm thế nào để lựa chọn được tôm tươi, tránh mua phải tôm kém chất lượng.
Ưu tiên hàng đầu là loại tôm còn còn sống, nhảy mạnh hoặc đang bơi; chân, càng không bị gãy, đầu không bị bong, vỏ tôm sáng bóng, thớ thịt trong và gắn chặt với vỏ.
Nên mua tại các cơ sở uy tín, hàng quen bởi đây là cách mà bạn dù không có kinh nghiệm lựa chọn tôm vẫn có thể yên tâm về chất lượng.
Còn nếu mua ở chợ cóc hoặc các cơ sở không có tên tuổi, cần phải tinh ý và biết cách để chọn được tôm tươi sạch.
Khi chọn tôm sú, tôm sắt, không chọn loại có vỏ đã chuyển sang màu hồng hoặc hồng đậm vì đó là tôm đã bị ươn. nếu là tôm he cần chọn loại tôm còn sống, vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen.
Tôm sắt có lớp vỏ cứng và các viền đen đậm quanh thân, khi nấu lên thì các viền đen này sẽ có màu đỏ rất đẹp mắt, ăn rất chắc thịt.
1. Đầu tôm đổi màu
Tôm tươi thường trong suốt, cứng cáp, mình săn chắc, đầu và chân tôm chắc. Nếu chân và đầu tôm lỏng lẻo hoặc rời hẳn ra khỏi mình tôm thì không nên mua.
Ngoài ra nếu phần đầu tôm có màu đen, nghĩa là tôm đã để lâu, không tươi, thậm chí còn bị biến chất.
2. Thân uốn cong, chảy nhớt
Những con tôm còn tươi sẽ có dáng duỗi thẳng hoặc hơi cong, còn những con hỏng, đã bị ươn sẽ uốn cong thành hình tròn mà không thể duỗi thẳng. Những con tôm này thường cũng đã bị chảy nhớt, không nên mua.
Những con tôm còn tươi sẽ có dáng duỗi thẳng hoặc hơi cong.
Muốn biết tôm còn tươi hay ươn hãy đưa ra ánh sáng, kéo dài con tôm và quan sát độ rộng giữa các khớp trên lớp vỏ và thịt tôm.
Nếu các khớp này giãn rộng, lỏng lẻo nghĩa là tôm đã bị để quá lâu. Còn nếu khớp tôm hẹp, kết cấu chắc chắn nghĩa là tôm còn tươi.
3. Phình to bất thường
Tôm bị nhiễm hóa chất hoặc tạp chất thường có 2 dạng, bị bơm tạp chất để tăng trọng hoặc ngâm urê để bảo quản được lâu.
Để tăng trọng lượng, người ta thường bơm nước muối, thậm chí là bơm glixerin – chất từ thủy phân chất béo, agar (bột rau câu) và một số hóa chất, tôm sẽ phình to, bóng mượt, nặng cân hơn.
4. Đuôi tòe ra
Nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.
Tôm bị bơm tạp chất, đuôi thường tòe ra. Thân tôm căng mập bất thường, đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
Urê là một loại phân bón hóa học được dùng trong nông nghiệp giúp cây xanh tốt. Hóa chất này cũng có tác dụng làm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Nhiều người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã bất chấp sức khoẻ khách hàng, sử dụng phân đạm urê ướp cùng nước đá hoặc đá để bảo quản tôm cá tươi lâu hơn, trông tươi ngon, hấp dẫn trong 4 - 5 ngày, thậm chí cả tuần.
Ngoài ra, còn có thể nhận biết tôm ươn hoặc bơm hoá chất bằng cách nhìn: Màu sắc tôm khác thường, thân tôm uốn cong thành hình tròn, bề mặt trơn dính, mùi bất thường...
Lúc mua tôm cần chạm vào thân xem thử nó có cứng và dính tay hay không. Tôm ươn thường có nhiều chất nhờn trên thân, đừng nghĩ rằng chỉ cần rửa sạch là sẽ ổn.
Đa phần những loại tôm này không còn tươi, sắp bị ươn, mua về ăn chỉ thêm hại cho cơ thể.
Với những con tôm chết, thân thường uốn cong thành hình tròn, không nên mua bởi chúng đã bị ươn, không còn đảm bảo chất lượng.
Khi nấu lên, loại tôm này sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm teo lại, có thể ngửi thấy mùi lạ, ăn không thấy vị ngon ngọt.
Theo Vietnamnet