Cuối năm 1990,“Mái nhà tôi chụm giữa dốc Bồ Hòn”, được UBND thị xã Hồng Gai bồi thường và cho di chuyển để mở rộng diện tích, tôi được mua một ô đất cạnh đường 18 ở cuối phố Hạ Long, cách bến phà Hòn Gai 350 mét, cũng là nơi tôi ở hiện nay. Bà xã tôi lại nghỉ chữa bệnh, nên có mở trước cửa nhà ống mới xây một quán nước, để có việc làm cho vui và thêm thu nhập. Vì trên đường huyết mạch của cả tỉnh, nên ngày nào cái quán nước của bà xã tôi (và cháu gái ngồi thay những ngày chủ nhật) cũng có dăm ba vị hành khất qua lại xin tiền. Điều ấy là bình thường. Tôi có dặn vợ con rằng, bất cứ người nào đã chìa tay ra xin tiền thì nhất thiết phải cho người ta để người ta không tủi thân, cũng chỉ từ 200 đến 500 đồng một lần mà thôi. Mình cố bớt ra một chút để giúp người khác. Lúc đó còn tiêu tiền trăm, nên 500 đồng đã là sang rồi.
Ngày 13-11-1991, tôi ngồi quán để tiếp mấy bạn thơ qua
Dặn con
Chẳng ai muốn làm hành khất Tội trời đày ở nhân gian Con không được cười giễu họ Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến Có cho thì có là bao Con không bao giờ được hỏi Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư Cứ thấy ăn mày là cắn Con phải răn dạy nó đi Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm Ai biết cơ trời vần xoay Lòng tốt gửi vào thiên hạ Biết đâu nuôi bố sau này... Cửa Lục Thủy 13-11-1991
|
chơi, thì có một người hành khất đến, người này nói tiếng miền Trung, trạc 60 tuổi, quần áo bạc cũ nhưng không vá và cũng không đến nỗi “hôi hám úa tàn” như nhiều người hành khất khác. Tôi tặng ông 500 đồng và mời ông chén nước trà Thái như thường lệ. Các bạn tôi cũng tặng ông, người 200, người 500 đồng. Tôi mời đến lần thứ hai, thứ ba, ông mới uống chén trà. Bỗng ông hỏi tôi, rằng ông từ xa đến lần đầu, chưa biết thị xã này thế nào. Ông nhờ tôi chỉ cho ông chỗ nào có đông người và có lòng hảo tâm thì mách ông, để ông tìm đến cho nhanh hơn. Tôi nói ở đây, chỗ nào cũng có người hảo tâm, nhưng đông người thì ở những chỗ này, chỗ này… Ông bảo cho ông xin mảnh giấy và mượn cái bút để ghi. Tôi xé luôn 1 trang trong sổ nhận hàng của bà vợ tôi và đưa ông cái bút đã kẹp sẵn trong sổ. Ông ghi theo lời tôi và điều tôi rất ngạc nhiên là ông ghi bằng chữ Hán, nét chữ khá đẹp và phóng khoáng. Tôi sợ quá, vì biết ông này có thể là bậc thầy mình. Bởi cả làng tôi chỉ có 1 người biết chữ Hán. Tôi mời ông vào hẳn trong nhà uống nước, ông từ chối, tôi bèn rót ra 1 chén rượu trắng mời ông. Rụt rè mãi ông mới uống và uống, cũng như chén trà, ông uống cũng không cạn hết, tôi biết đây là phong thái của con nhà nòi rồi. Ông cảm ơn cả bà xã tôi, chào cả quán, rồi đi. Tôi xin tiễn ông một đoạn đường, chừng dăm chục mét, đến chỗ khuất, là gốc cây xà cừ phải hai người ôm cạnh nhà tù cũ của Pháp, tôi dúi cho ông tờ 5.000 đồng mà không nói gì. Ông nhìn tôi một lúc rồi cho tiền vào túi cũng không nói gì. Bỗng ông cúi xuống vái tôi một vái và thế là tôi bật khóc… “Ai biết cơ trời vần xoay"… Câu thơ ấy đã đến với tôi ngay lúc ấy, là câu thơ xuất hiện sớm nhất. Tôi lặng lẽ về nhà, các bạn tôi thấy tôi đi, cũng đã đi ra bến phà cả rồi.
Tôi lên gác ghi luôn bài thơ đó, dường như đã có sẵn ở trong lòng mình, chỉ chừng non 10 phút là xong. Cho đến bây giờ, bài thơ vẫn “nguyên xi” như bản thảo ban đầu, không hề chữa một chữ nào. Bài thơ được biết đến rộng rãi là khi nó được chọn là 1 trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX và lại được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
TRẦN NHUẬN MINH