Theo Zing
Huấn luyện viên Guillaume Graechen tiết lộ ông từng đề nghị bầu Đức cho lứa Công Phượng đá hạng nhất, tích lũy kinh nghiệm trước khi lên V.League ở mùa giải 2015.
7 năm trước, một đội tuyển U19 Việt Nam từng tạo nên cơn sốt bóng đá chưa từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một đội bóng trẻ được yêu, được kỳ vọng và thực sự đã lập không ít chiến tích. Những câu chuyện, những tranh cãi xoay quanh lứa cầu thủ ấy vẫn luôn là chủ đề được quan tâm cho tới ngày hôm nay.
7 năm sau cơn sốt ấy, phóng viên có cuộc gặp với huấn luyện viên (HLV_ Guillaume Graechen, người thầy của U19 Việt Nam năm nào.
- Tôi từng nói chuyện với Trần Hữu Đông Triều, một trong những người học trò cũ của ông ở U19 Việt Nam. Triều bảo tiếc nuối lớn nhất của cậu ấy là đội bóng không có được một danh hiệu lớn. Trăn trở ấy có phải chỉ thuộc về một mình Đông Triều?
- Là một HLV, tôi hiểu điều Triều nói. Hãy nhìn ông Park Hang-seo và thành công của tuyển Việt Nam vừa qua. Tôi nghĩ ông ấy là người may mắn, ông ấy có danh hiệu, có tất cả mọi thứ với chính những cầu thủ mà tôi từng dẫn dắt.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn lưu giữ những tấm ảnh chụp bản thân ngày xưa với bóng dáng một người thất bại. Chúng tôi đã có bốn trận chung kết và chỉ một lần chiến thắng (U19 Hoàng Anh Gia Lai vô địch U21 quốc tế 2014 - PV). Nói như Đông Triều, chúng tôi là những kẻ thiếu may mắn. Nếu có một danh hiệu, mọi thứ sẽ khác rất nhiều. Đó là tiếc nuối lớn với chúng tôi. Nhưng ở khía cạnh khác, đó cũng là điều tốt.
Có thất bại, chúng ta mới không ngừng học hỏi và rút kinh nghiệm. Sau mỗi thất bại, chúng ta sẽ tìm ra sai lầm và cố gắng khắc phục ở lần sau. Nếu cứ thắng mãi, chúng ta sẽ nuông chiều bản thân và không cố gắng làm việc chăm chỉ.
Tôi muốn gửi một lời cảm ơn tới người hâm mộ Việt Nam vì đã đến xem chúng tôi ở những giải đấu đó. Tại Pháp, người ta không đến sân vì đội U19 hay U21 đâu, họ chỉ quan tâm tới đội tuyển, tới đội một của các câu lạc bộ (CLB). Khi đội trẻ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hay U19 Việt Nam thi đấu, sân bóng luôn đầy ắp khán giả. Nhờ đó, những cậu bé của tôi học được cách sống chung với áp lực khi còn rất trẻ.
- Ông muốn nói tới trận chung kết U19 Đông Nam Á giữa Việt Nam và Nhật Bản hồi năm 2014 đúng không? Hơn 40.000 người đã tới sân ngày hôm đó.
- Tôi nhớ chứ, nhớ tất cả những điều đó. Tôi cũng nhớ cả cái lần lần hai bên gặp nhau tại sân Thống Nhất (1.2014 - PV). Khi đó, chúng tôi thua U19 Nhật Bản 0-7. Đó là lần đầu trong đời, một đội bóng do tôi dẫn dắt thua đậm đến thế. Sau này, chúng tôi đã hòa, hoặc thua không quá đậm trước Nhật Bản. Nghĩa là sau một hay hai năm, trình độ U19 Việt Nam với Nhật Bản không còn cách biệt quá lớn.
Bạn phải luôn nhớ Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền bóng đá lớn tại châu Á. Khi gặp Việt Nam, vài người trong số họ đã chơi ở châu Âu. Họ ghi 3 hay 4 bàn vào lưới chúng tôi chỉ sau 20 phút.
- May mắn có vẻ là khác biệt lớn giữa ông và HLV Hoàng Anh Tuấn, người đã đưa U19 Việt Nam tới U20 World Cup sau này?
- Tôi nghĩ chúng tôi đã không may lúc bốc thăm. U19 Việt Nam ở một bảng đấu có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều cầu thủ ở châu Âu, Hàn Quốc là đương kim vô địch còn Nhật Bản đã thắng Việt Nam nhiều lần. Rất khó cho chúng tôi cạnh tranh ở giải năm ấy. Trong khi ấy, người Myanmar có những đối thủ vừa sức hơn và họ đã giành vé đi World Cup. Tôi không trách học trò của mình. Họ đã cố gắng hết sức và học được nhiều sau thất bại.
Khi lứa U19 sau đó giành vé đi World Cup trẻ, tôi vẫn rất vui và tự hào vì lứa ấy có ba cầu thủ HAGL JMG là Lương Hoàng Nam, Đinh Thanh Bình và Phan Thanh Hậu. Tôi nghĩ nói U19 của ông Hoàng Anh Tuấn may mắn hơn cũng không sai. Nếu U19 của tôi bốc được Myanmar hay Bahrain, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội đi U20 World Cup hơn.
- Sau những thất bại, U19 Việt Nam của ông vẫn nhận được nhiều tình yêu thương?
- Những năm tháng dẫn dắt U19 Việt Nam là kỷ niệm không thể nào quên của tôi. Tôi nhớ khi cùng đội trở về từ giải Đông Nam Á ở Indonesia hồi 2013, hàng trăm người hâm mộ đã chờ chúng tôi tại sân bay. Tôi tự hỏi: “Tại sao đội thua mà họ lại ở đây?”
Nếu chúng tôi thắng, họ tới đây là điều hợp lý. Nhưng U19 Việt Nam thua ở chung kết. Tôi đã không tài nào hiểu nổi. Khi tôi ra đường, người ta vồ lấy tôi để chúc mừng, xin chụp ảnh cùng. Họ nói sẽ không bao giờ quên tôi.
Tôi tự hào về những cầu thủ U19 Việt Nam năm ấy.
- Tôi thấy ông nói về họ như người cha nói về những đứa con?
- Điều đó là đương nhiên, tôi đã sống với họ rất nhiều năm. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện hồi nhỏ. Năm ấy, tôi và các cậu bé đi du đấu ở những cơ sở JMG toàn cầu. Các em đã được chứng kiến nhiều đội bóng, nhiều phong cách chơi khác nhau. Khi chúng tôi xem các cầu thủ tới từ Nam Mỹ chơi bóng, những cậu bé thích lắm. Bạn biết người Nam Mỹ đá bóng thế nào rồi đấy. (Ông Giôm giơ tay múa máy, mắt mơ màng - PV), họ như đang nhảy múa với trái bóng. Ở Việt Nam, có ai biết nhảy múa như thế không, nhất là trong các tình huống một đối một?
Những cậu bé của tôi bắt đầu thử làm điều đó. Họ cứ thế học hỏi lẫn nhau. Một em nói với tôi: “Con có thể làm được như vậy”.
Nói tới đây, tôi phải cảm ơn bầu Đức. Cảm ơn vì ông đã tạo điều kiện cho lứa một được bước ra thế giới, được giao lưu, học hỏi. Tôi hiểu hoàn cảnh ngày nay khó khăn hơn vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, các bài học năm xưa đều rất bổ ích, rất đáng giá trong thành công sau này của lứa cầu thủ ấy.
- Nếu được thay đổi điều gì đó ở lứa U19 Việt Nam xưa, ông sẽ chọn điều gì?
- Nếu có thể làm lại một chuyện, tôi sẽ dành nhiều thời gian tập thể chất hơn cho các em. Nói thật, tôi tiếc lắm vì mãi tới năm các em 18 tuổi, tôi mới cho họ được tập thể hình. Năm 2014, chúng tôi gặp U19 Nhật Bản. Nhìn họ, tôi biết chúng tôi đã muộn rồi. Mà khi ấy, họ chỉ mang sang Việt Nam những cầu thủ 17 tuổi nhé. Đấy là sai lầm đáng tiếc nhất của cuộc đời tôi.
Ở những lứa sau, chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Những cậu bé 14 tuổi đã tập thể hình ở mức độ vừa phải. Xem lứa Tuấn Anh ngày xưa đá, bạn có cảm giác họ sẽ ngã ngay sau mỗi cú va chạm. Bây giờ, bạn xem lứa 2001, bạn sẽ thấy khác biệt. Những chàng trai trẻ của HAGL giờ không ngại va chạm với bất kỳ ai.
- Năm 2015, ông và lứa Công Phượng lên V.League. Các ông có bao nhiêu thời gian chuẩn bị cho thử thách mới ấy?
- Tôi biết chuyện này từ tháng 11.2014. Khi chúng tôi trở về từ Giải U19 châu Á, bầu Đức bảo tôi về dẫn dắt đội một Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Trước đó, tôi chưa biết gì nhiều về tình hình đội một. Công việc không quá gấp vì tháng 1 năm sau, V.League mới diễn ra.
- Ông có lo lắng trước nhiệm vụ mới ấy?
- Tôi hơi bất ngờ nhưng sau đó, thậm chí cảm thấy hào hứng với đề nghị của bầu Đức. Tôi và học trò đều muốn thử sức, muốn cạnh tranh đúng nghĩa. Ở Pháp, các lứa U13, U15, U17 và U19 đều thi đấu vào mỗi dịp cuối tuần. Bóng đá Việt Nam không có nhiều giải trẻ. Lứa U19 của các CLB chỉ đá 2 tháng rồi quay lại tập chay suốt 10 tháng. Như thế thì chán lắm.
Tôi không hề sợ hãi hay lo lắng.
Tuy nhiên, bạn biết tôi nói gì với bầu Đức không? Tôi bảo ông ấy là có thể cho chúng tôi đá hạng Nhất trước rồi lên V.League sau được không? Nếu ông ấy muốn những cậu bé của tôi lên V.League ngay, ông ấy phải chấp nhận thất bại ban đầu. Bởi khi đó, họ mới 18-19 tuổi. Họ chưa sẵn sàng cho sân chơi chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt, nơi toàn những cầu thủ sung mãn 24, 25 tuổi, chưa kể các ngoại binh.
- Trận đầu tiên của mùa giải 2014, HAGL thắng Khánh Hòa 4-2. Lúc đó, ông cảm thấy thế nào?
- Tôi nhớ mọi thứ về trận đấu đó. Ai ghi bàn, phút bao nhiêu, diễn biến thế nào. Tôi nhớ mà chẳng cần mở máy tính ra. Tuấn Anh là người mở tỷ số trận đấu. Tôi rất bất ngờ vì ngay cả trong các buổi tập, cậu ấy chẳng bao giờ sút như vậy. Thế mà Tuấn Anh đã thử và ghi một bàn từ cự ly 25 m. Lúc tập, cậu ấy toàn bắn chim thôi.
Tuấn Anh rất tự tin. Các cầu thủ khác cũng vậy. Họ đã chơi trận đó với tinh thần và triết lý của tôi. Như tôi đã nói, những chàng trai ấy chỉ chơi tốt nhất khi họ được ở cạnh nhau. Họ đã gắn bó với nhau suốt 7 năm tại học viện.
- Nhưng sau đó, mọi thứ đã trở nên u ám...
- Chuyện này phức tạp lắm. Chúng tôi đã thua vì nhiều lý do ngoài sân cỏ. Tôi cũng là một phần nguyên nhân. Một vài trận, tôi đã quá tự tin. Tôi không chịu thay đổi cách tiếp cận trận đấu.
Trận đá với CLB Hà Nội (vòng 11 mùa 2014 - PV) là ví dụ. Chúng tôi kiểm soát bóng tới 70%, khiến đối phương gần như không có bóng để chơi. Đội hình HAGL trận ấy còn không có ngoại binh. Chúng tôi toàn cầu thủ nội, đều chỉ ở độ tuổi 18, 19.
Nhưng nói gì thì nói, khoảng cách giữa đôi bên vẫn lớn. Đội Hà Nội chẳng cần kiểm soát bóng nhiều. Họ chỉ cần khỏe hơn là đủ. Họ đã thắng chúng tôi 4 bàn (HAGL gỡ lại 3-4 vào cuối trận - PV). Cầu thủ của họ vừa giàu kinh nghiệm, vừa mạnh mẽ thể chất. Đội tôi thì toàn trẻ, cân nặng chỉ từ 55 tới 60 kg.
- Nhiều người nói ông chỉ thi đấu ở giải hạng ba Pháp nên không có kinh nghiệm đỉnh cao để chia sẻ với học trò. Ông đối diện thế nào với những bình luận ác ý ấy?
- Họ chẳng biết gì về tôi cả. Họ nói gì cũng được. Làm HLV bây giờ thật là dễ. Họ cứ vào một quán bar, gọi một cái bánh pizza rồi bật vô tuyến lên là có thể trở thành HLV. Họ xem bóng đá và bắt đầu chỉ đạo HLV là phải làm thế này, thế kia, sao không dùng người này, người nọ.
Ở Việt Nam, có 90 triệu người xem bóng đá. Ở Pháp, con số tương tự là 65 triệu người. Ai cũng có thể trở thành HLV. Nhưng rốt cuộc, họ chẳng hiểu gì về bóng đá hết.
- 5 năm rồi, phong độ của HAGL vẫn không cải thiện nhiều. Theo ông, đâu là vấn đề của HAGL ngày ấy và cả bây giờ?
- Tại sao HAGL chơi tệ ư? Rất ít đội bóng thành công mà thay nhiều HLV đến thế. Mỗi HLV mới đến đều sẽ thay đổi chiến thuật và giáo án huấn luyện cho phù hợp với họ. Với 6 tháng hay một năm, rất khó để cầu thủ kịp thích nghi.
Tôi biết bầu Đức không quan trọng chuyện tiền bạc. Nhưng đó không chỉ là tiền. Đó là công sức và tâm huyết ông ấy đầu tư cho lứa cầu thủ này, là những người mà tôi đã huấn luyện suốt 7 năm trời.
Bây giờ, những cậu bé ấy ở đâu?
- Nhiều người nói “Bóng đá lãng mạn phải chết” vì V.League quá thực dụng. Có phải như vậy không?
- Việc này phải tùy vào định nghĩa của mỗi người. Chơi bóng ngắn hay bóng dài đều là những cách làm. Về phần mình, tôi cho rằng những cầu thủ thông minh, sáng tạo, khéo léo, sử dụng các đường chuyền ngắn để ban bật, phối hợp mới là “chơi” bóng. Với tôi, bóng đá là môn thể thao cho những cầu thủ kỹ thuật, không phải cho những lực sỹ.
Một đội bóng toàn cầu thủ kỹ thuật sẽ rất khó thành công. Nhưng tương tự, một đội toàn cầu thủ to cao mà không khéo léo cũng khó làm nên chuyện. Thể hình chỉ là một phần của thành công thôi.
- Tấm hình này được chụp sau một thất bại của HAGL ở mùa giải 2014. Ông đang nghĩ gì lúc ấy?
- Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ tại sao đội bóng cứ thua suốt như vậy. Tôi nhìn nhận được vấn đề nằm ở cách huấn luyện. Tuy nhiên, tôi không làm thất bại dừng lại được. Về sau, tôi hiểu chuyện không hoàn toàn là lỗi của mình. Chúng tôi phải đối diện các vấn đề ngoài sân cỏ. Điều đó đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý của những chàng trai trẻ.
Bình thường, Công Phượng và đồng đội làm tốt trong các buổi tập. Khi vào trận, họ lại chơi dưới sức. Mọi thứ cứ xấu dần đi theo thời gian. Một trận, hai trận thua thì chưa sao. Khi thua quá nhiều, tinh thần, hành vi của các em đều bị ảnh hưởng. Có thời điểm, họ mất đi niềm tin mình có thể chiến thắng. Họ không còn tự tin như những ngày đầu. Tôi cảm thấy các em sợ sệt, run rẩy với quả bóng dưới chân.
- 5 năm đã trôi qua kể từ khi ông dẫn dắt một CLB V.League. Ông có nghĩ tới việc trở lại giải đấu này một lần nữa?
- Chắc là khi về già, tầm 60-70 tuổi, tôi sẽ thử một lần nữa (bật cười). Tôi chỉ dẫn dắt một CLB khi thật sự thoải mái vì tôi còn gia đình. Các con tôi còn nhỏ.
Tôi gắn bó với JMG bởi hợp đồng này an toàn, không rủi ro như việc làm HLV trưởng các đội V.League. Nếu làm V.League, trường hợp đạt thành tích tốt, tôi có thể ở lại 1-2 năm. Khi thành tích không tốt, tôi có thể bị sa thải lúc nào không biết. Còn hợp đồng của tôi với JMG, không có điều khoản sa thải, kể cả trong 6 hay 7 năm.
Hồi huấn luyện HAGL đá V.League, tôi không có nhiều thời gian cho gia đình. Thỉnh thoảng tôi về nhà, con gái còn chẳng chào tôi. Nó không nhận ra bố mình. Nó không nói “papa”, “father” như những đứa trẻ khác vì tôi đi quá nhiều.
Tôi không muốn làm vậy với bé trai nhỏ hiện tại. Thế nên, tôi chọn huấn luyện ở JMG thay vì làm V.League. Sau này, khi các con tôi lớn hẳn, tầm 17-18 tuổi, tôi trở lại V.League cũng không muộn.
- Chúng ta đã nói quá nhiều về “thầy Giôm” của U19 Việt Nam và HAGL. Nhưng tôi chợt nhận ra, mình chẳng biết gì nhiều về Graechen với tư cách một con người, một cầu thủ.
- Tôi có chơi bóng nhưng cho một đội nhỏ thôi. Tôi chơi cho U15, U17 Cercle Dijon rồi lên đội một năm 17 tuổi. Tiếp đó, tôi chơi cho Anders ở Ligue 2, rồi cho Sedan, sau đó là 8 năm tại Romorantin và Imphy-Decize (các đội này đều thuộc hạng dưới Pháp - PV). Năm 29 tuổi, tôi giải nghệ. Đó là lúc tôi nghe nói về dự án JMG. Nếu tiếp tục thi đấu, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội tham gia dự án này. Tôi có 6 tháng đầu làm ở Học viện JMG Thái Lan trước khi tới Việt Nam.
Người đứng đầu hệ thống JMG là thầy cũ của tôi. Lúc mở thêm chi nhánh Việt Nam, ông ấy cần một người có đủ kinh nghiệm làm HLV, ông ấy liền nghĩ tới tôi. Khi nhận được tin, tôi thấy đó là một cơ hội lớn. Tôi không thể từ chối và lập tức xách vali tới Gia Lai.
Tôi tự tin với trình độ của mình vì trước đó, tôi đã nhiều năm tham gia công tác đào tạo trẻ. Tôi là cầu thủ chuyên nghiệp và cũng đã học các chứng chỉ huấn luyện UEFA cấp C, B, A. Khi còn ở Pháp, tôi đã huấn luyện các đội U7, U9 và U12.
- Có nhiều học viện JMG trên thế giới, tại sao ông chọn Việt Nam?
- Đơn giản vì các chi nhánh khác đều đã ổn định nhân sự. Dự án Việt Nam còn mới mẻ nên tôi quyết định đến đây. Tới Việt Nam đã đưa cuộc đời tôi đi sang một hướng khác.
- Ấn tượng đầu tiên của ông về Pleiku là gì?
- Đó là sự lạ lẫm. Bây giờ, mọi người có thể thấy nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Pleiku. Lúc đó, tôi gần như là của hiếm nên tôi cảm thấy rất cô đơn. Người ta cứ nhìn chằm chằm vào tôi. Có người sờ vào tay, vào mũi vì nhìn tôi lạ quá. Điều này cũng rất đỗi lạ lùng vì đó là lần đầu tôi tới đây.
Ngày đó, tôi sống ở một căn hộ bầu Đức cấp cho tại Hàm Rồng. Nó chỉ cách văn phòng 50 m và cũng rất gần nơi tập luyện của các cầu thủ nên tôi không có nhiều thời gian thăm thú Pleiku. Tôi gần như dành trọn thời gian cho công việc.
Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy và đi làm. Tôi không quen biết được nhiều người Việt Nam như bây giờ. Thứ 7, chủ nhật, tôi dành cả ngày chơi bóng với bọn trẻ. Chúng tôi đã có những kỷ niệm rất đẹp với nhau.
- Nói về HAGL là không thể quên bầu Đức. Ông gặp bầu Đức lần đầu như thế nào?
- Lần đầu gặp nhau, tôi và ông ấy không nói gì nhiều. Tôi chủ yếu làm việc với ông Nguyễn Tấn Anh. Có vấn đề to nhỏ gì, tôi đều nói với Tấn Anh. Bầu Đức là người bận bịu nhiều công việc to lớn hơn ở bên ngoài. Ông ấy là người có nhiều đóng góp và ảnh hưởng tới bóng đá Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ mình đã nói cảm ơn khi lần đầu gặp bầu Đức. Nếu không có đề nghị từ Việt Nam, tôi có thể sẽ chơi bóng chuyên nghiệp vài năm nữa. Không có bầu Đức, tôi sẽ không có cuộc sống như bây giờ. Tôi đổi đời là nhờ ông ấy.
- Ông và học trò trở nên rất nổi tiếng cùng U19 Việt Nam từ năm 2013. Nhưng trước đó, các ông sống thế nào phía sau những bức tường của Học viện HAGL JMG?
- Bảy năm ấy, tôi và các em tập kín ở học viện. Chúng tôi tập đối kháng 2vs2, 4vs4... Chúng tôi không hề có một trận chính thức nào với bên ngoài. Nhiều người đã viết về HAGL, nhưng họ hầu như không kể hết được nỗi vất vả của chúng tôi trong những năm tháng ấy.
Về cơ bản, đó vẫn là những năm tháng tuyệt vời đối với tôi. Tôi không thể thi đấu chuyên nghiệp được nữa nên thời gian mà tôi có, tôi dành toàn bộ cho việc áp dụng triết lý chơi bóng của mình vào các học trò. Tôi cho các em tập chạy chỗ, chuyền bóng, dứt điểm... trong 7 năm trời ở học viện, không giao du nhiều với bên ngoài. Tôi cảm ơn bầu Đức đã hiểu và chấp nhận quy trình huấn luyện khác biệt ấy.
- Vậy còn cuộc sống gia đình của ông thì sao? Tôi được biết ông đã cưới một cô gái Việt.
- Cuộc sống gia đình của tôi cũng bình yên như bao gia đình người Việt ở đây thôi. Vợ là người mang năng lượng cho tôi, cũng là một người mẹ tuyệt vời của các con tôi (8 tuổi, 6 tuổi và đứa út hơn 1 tuổi). Cô ấy đang đi dạy ở một trường Pháp - Việt. Nếu ông chủ giúp sự nghiệp bóng đá của tôi thay đổi thì vợ là người mang tôi đến với trang mới của cuộc sống gia đình.
- Ông quen cô Ngô Thị Loan như thế nào?
- Khi tôi quen Loan, cô ấy là quản lý nhà hàng ở học viện. Thế nên, trong thời gian cưa cẩm, tôi chẳng cần đi xa. Ngày nào, tôi cũng gặp cô ấy, từ bữa sáng, bữa trưa tới bữa tối. Thật tuyệt vời khi cô ấy có thể nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
- Nhiều người bảo ông cưới cô Loan bởi mê tài nấu nướng?
- Đúng là vợ tôi nấu ăn rất ngon, tôi có thể nói cô ấy là người nấu ăn ngon nhất đất Pleiku, một đầu bếp giỏi nhất. Nhưng đấy không phải lý do mà hồi đầu tôi thích cô ấy. Đó cũng không phải lý do tôi cưới cô ấy làm vợ. Có nhiều lý do lắm mà tôi ngại, không tiện nói ra.
Cô ấy có thể nấu đồ ăn Thái, Việt, Pháp... rất nhiều món ăn ngon. Tôi thích nhất món tôm nấu nước cốt dừa kiểu Thái Lan.
- Ông đã ở Pleiku 13 năm nhỉ? Tôi đoán nơi này giờ đã trở thành mảnh đất nhiều ý nghĩa với ông?
- Tôi vẫn còn 2 năm hợp đồng với JMG ở đây. Nếu họ tiếp tục gia hạn, tôi sẽ còn ở đây. Ngược lại, nếu họ không gia hạn thì cuộc sống của tôi ở đây chấm hết. Tôi sẽ đi đến một cơ sở khác của JMG, chưa biết là ở đâu. Nếu tôi đi, tôi sẽ đưa gia đình đi theo.
Nói vậy thôi chứ tôi rất yêu công việc ở Việt Nam và xác định sẽ gắn bó với hệ thống JMG. Tôi gặp ông chủ cách đây vài tháng trong lần ông ấy đến Việt Nam dự một cuộc họp. Ông chủ nói tôi là người quan trọng với cơ sở này tại Việt Nam.
Tôi cũng là người tôn trọng hợp đồng nên không có chuyện tôi rời Việt Nam khi hợp đồng chưa kết thúc. Kể cả có đi làm ở cơ sở khác tại quốc gia khác thì đến khi già (khoảng 60 tuổi), tôi sẽ về hưu và trở lại Việt Nam dưỡng già.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.
Theo Zing