Nhà tôi ở phố, trước cửa là con đường liên tỉnh, xe cộ nhộn nhịp quanh năm. Gần Tết, người người đi lại càng tấp nập. Xung quanh đều là nhà ống cao tầng, khép kín nên bà nội cứ chép miệng, ao ước:
Nhà tôi ở phố, trước cửa là con đường liên tỉnh, xe cộ nhộn nhịp quanh năm. Gần Tết, người người đi lại càng tấp nập. Xung quanh đều là nhà ống cao tầng, khép kín nên bà nội cứ chép miệng, ao ước:
- Giá mà có tí khoảng trống, bà sẽ gói bánh chưng như ngày xưa ở quê rồi ninh bếp củi một ngày là xong.
Bà kể hơn chục năm nay, từ ngày chuyển nhà lên phố, bà không gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến vì không biết đặt bếp củi ở đâu. Ông nội và bố tôi cũng không cho bà gói bánh nữa vì bây giờ ra đầu phố là có thể mua được ngay, rất tiện lợi.
Nhưng từ ngày về làm dâu, mẹ tôi luôn nhận nhiệm vụ chuẩn bị bánh chưng. Mẹ về quê ngoại, cùng ông bà ngoại gói bánh. Ông ngoại vui vẻ lắm. Ông bảo: “Đã là thông gia thì hai nhà như một” nên ninh bánh xong, vớt ra cái nia, để ráo nước, ông chia bánh làm đôi, một nửa để mẹ tôi mang về bên nội. Vậy mà bà nội vẫn không thích bằng tự tay bà gói bánh chưng như ngày xưa. Bà bảo: “Không được gói bánh thì không khí chuẩn bị Tết đã giảm đi mất rồi”.
Hôm trước, mẹ nhắc tôi: “Con lớn rồi, năm nay phải học gói bánh chưng kẻo sau này chỉ biết ăn sẵn thôi”. Tôi hồ hởi khoe với bà nội:
- Bà ơi! Năm nay ông ngoại hứa sẽ dạy con gói bánh chưng, bà ạ!
Bà ngạc nhiên, vui mừng:
- Thật thế à? Phải đấy! Phải học chứ. Nhất định con phải biết gói bánh chưng nhé. Đó là một truyền thống đẹp của người Việt, không thể để mai một.
Tôi khấp khởi trong lòng, nhìn quyển lịch trên tường, đếm từng ngày để mong đến lúc được nghỉ Tết, theo mẹ về bên ngoại học gói bánh chưng.
Công việc chuẩn bị gói bánh chưng thật là thú vị. Cả nhà quây quần ngoài sân, mỗi người một việc. Bà ngoại ngâm gạo nếp, những hạt gạo trắng, mẩy đều rồi vớt ra rá, để ráo, chuẩn bị trộn với nước lá riềng để bánh chưng khi bóc ra sẽ có màu xanh nhạt. Mẹ tôi rửa lá dong thật sạch, giao cho tôi lấy khăn lau khô từng tàu lá rồi mẹ đi nấu đỗ xanh. Ông ngoại chẻ cây giang thành những sợi lạt mềm rồi ông thái thịt lợn ba chỉ thành từng miếng hình chữ nhật, ướp gia vị. Công đoạn chuẩn bị đâu vào đấy, ông để cái nia to ra giữa sân và bắt đầu hướng dẫn tôi cách gói bánh chưng. Ông có thể gói bằng tay, không cần khuôn nhưng ông cho phép tôi dùng khuôn để bánh vuông vức, đẹp mắt. Gói mỗi chiếc bánh phải mất bốn lá dong đã rọc sống lá, cắt hai đầu đúng kích thước và đặt vào trong khuôn. Dưới khuôn là bốn chiếc lạt xếp thành hình chữ thập. Ông dạy tôi lấy bát con đong gạo nếp, rải đều xuống đáy khuôn rồi xếp đỗ xanh, thịt lợn lên trên, sau đó lại đong một bát gạo nếp rải lên trên, gập lá lại và dùng lạt xoắn chặt. Thế là hoàn thành một chiếc bánh vuông vức. Lúc đầu tôi còn lóng ngóng, phải có sự trợ giúp của ông nhưng đến cái bánh thứ năm thì tôi đã bắt đầu quen tay.
Tôi thích thú khi ông bảo tôi gói những chiếc bánh nhỏ cho tôi và các em. Tự tay gói được bánh chưng, tôi cảm thấy rất vui. Khi bánh đã được xếp vào chiếc nồi gang to, đổ nước ngập bánh, bếp củi được chất lên sáng rực là tôi sà vào ngồi sưởi ấm giữa thời tiết giá lạnh và nướng khoai lang.
Khi bánh chưng đã được vớt ra, nhìn thành quả có sự góp sức của tôi, tôi vui lắm. Mẹ con tôi mang bánh về bên nội, bà nội phấn khởi, khen ngợi:
- Cháu trai bà giỏi quá! Thế là biết gói bánh chưng rồi nhé!
Tôi thầm cảm ơn mẹ vì mẹ đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa của việc gói bánh chưng vào dịp Tết cổ truyền và cảm ơn ông ngoại đã dạy tôi biết gói bánh, để tôi được cảm nhận không khí của ngày Tết, của sum vầy.
VƯƠNG TUẤN KHANH(Lớp 7C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)