Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại 3 miền là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ biến chủng này có tại cộng đồng là rất cao.
Hành khách ngồi chờ kết quả xét nghiệm
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Bên cạnh đó, số ca mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Omicron xuất hiện tại 3 miền
Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến chủng mới Omicron, đến nay biến chủng này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại 3 miền. Đây đều là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời.
Cụ thể, Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam là tại Thủ đô Hà Nội đã được ra viện ngày 2.1 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng. Đến nay ca nhiễm tại Hải Dương cũng đã được ra viện.
14 ca tại Quảng Nam, đều không có triệu chứng lâm sàng. Các ca tại TP Hồ Chí Minh sức khỏe ổn định hiện đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Theo tiến sỹ Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các ca nhiễm Omicron này đều là người đã tiêm vaccine. Bình thường người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Điều này cũng tương tự ở các nước khác như Mỹ, Nhật...
Hiện các ca mắc ghi nhận đã tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh nên bệnh có vẻ nhẹ. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh thì có thể ảnh hưởng đến nhóm chưa được tiêm vaccine, dẫn tới bệnh nặng. Bằng chứng là đã xuất hiện các ca tử vong do nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Y tế chỉ rõ: "Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch."
WHO khẳng định tất cả các biến thể của COVID-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, do đó việc phòng ngừa luôn là chìa khóa. Bằng chứng ban đầu cho thấy đối với hầu hết mọi người, ít nhất là đối với những người đã tiêm vaccine đầy đủ, Omicron có vẻ chỉ gây bệnh nhẹ giống như cảm lạnh thông thường.
Nguy cơ Omicron ra cộng đồng rất lớn
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Sự xâm nhập của biến chủng Omicron có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.
Do đó, Bộ Y tế đã có công điện gửi Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trước biến chủng Omicron.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định. Đặc biệt, các địa phương tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.
Khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, các địa phương thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống biến chủng Omicron; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tỉnh nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác của người dân trước biến chủng Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm 5K, tham gia tiêm vaccine đầy đủ. Đặc biệt, những người nhập cảnh và gia đình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú, xét nghiệm SARS-CoV-2 khi mới nhập cảnh theo quy định.
Theo Vietnam+