Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 84/2019/QH14 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Báo điện tử Hải Dương trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.
Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 7 với các nội dung được xem xét, quyết định như sau:
Thông qua 7 luật: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thông qua 10 nghị quyết: Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết bổ sung một điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24.11.2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Xem xét báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và các báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan theo nội dung, chương trình kỳ họp.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ; tinh thần phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và đạt được những kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2019.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tế để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Quy hoạch, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Giải quyết kịp thời các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy ở các địa phương, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quyết liệt kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý có hiệu quả các vấn đề gây bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.
Giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.
Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương năm 2018 số tiền 2.433 tỷ đồng theo danh mục kèm theo Tờ trình số 09/TTr-CP ngày 13.5.2019 của Chính phủ. Số kinh phí chưa giải ngân trong năm 2018 được sử dụng hết niên độ ngân sách năm 2019.
Cho phép giải ngân đến hết niên độ ngân sách năm 2019 đối với số kinh phí 196,45 tỷ đồng còn dư đến ngày 31 tháng 01 năm 2018 của dự án đóng mới và sửa chữa nâng cấp tàu kiểm ngư theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 ngày 9.6.2014 của Quốc hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) năm 2019 cho tỉnh Hà Tĩnh số tiền 817.346.230 đồng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Canada để thực hiện dự án “Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh.”
Quốc hội đã xem xét việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương; một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.
Giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền (riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội) và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có); bảo đảm quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội (số 26/2016/QH14 ngày 10.11.2016, số71/2018/QH14 ngày 12.11.2018), các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư công, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại các văn bản: số 88/UBTVQH14-TCNS ngày 3.3.2017, số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26.4.2017, số 2167/TTKQH-TCNS ngày 16.8.2018, số 2712/TB-TTKQH ngày 24.4.2019, số 2740/TB-TTKQH ngày 15.5.2019, số 2850/TB-TTKQH ngày 31.5.2019); khắc phục những hạn chế, bất cập được nêu trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn trả nợ cho các dự án, công trình đã hoàn thành, các dự án đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 đang dở dang còn thiếu vốn, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, số còn lại phân bổ cho các dự án mới. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020).
Giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc thực hiện quy định tại điểm a khoản này và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống. Nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến. Khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.