Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về thiệt hại do bão lũ, ngập lụt trên các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng để có cơ sở đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 3.11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2, đợt 2 theo hình thức tập trung tại nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Các báo cáo về cơ bản đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, nhiều ý kiến đánh giá, năm 2020 có nhiều thách thức như dịch COVID-19, thiên tai liên tục xảy ra như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ xảy ra tại miền Trung trong thời gian gần đây nhưng đất nước vẫn đạt được những kết quả tích cực và là một trong số ít các nước đạt mức tăng trưởng dương.
Các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế; do đó kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về thiệt hại do bão lũ, ngập lụt trên các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng để có cơ sở đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về cơ cấu nền kinh tế; thu, chi ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng; vấn đề chậm tiến độ các dự án giao thông đường sắt đô thị; phát triển hệ thống giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất nông nghiệp; chính sách bảo vệ và phát triển rừng; quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc đổi mới sách giáo khoa; công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh trực tuyến; hoạt động tín dụng đen; an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập, phát triển điện lực, trong đó cần tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, thủy điện, thủy lợi và các dự án thủy điện vừa và nhỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi; gắn vấn đề an ninh nguồn nước với phòng, chống thiên tai, an ninh năng lượng...
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, thiên tai gây nhiều thiệt hại, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra vấn đề về thủy điện và bảo vệ, phát triển rừng.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có những trao đổi, phân tích liên quan.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay nước ta có tổng diện tích 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng đạt 4,3 triệu ha.
"Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, trong vòng 30 năm với một đất nước GDP còn thấp, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường. Đến hôm nay, chúng ta đã có tới 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ rừng 42%, thế giới bình quân 29%," Bộ trưởng thông tin.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặt trái của vấn đề, trong 30 năm, phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ban đầu bởi thời gian quá ngắn. Thiệt hại về rừng tự nhiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rất lớn. Vì vậy, việc phục hồi rừng phải từng bước.
Giải trình tại phiên thảo luận, liên quan đến đường sắt đô thị, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đây là loại hình giao thông hiện đại, là hướng đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn và việc này cần sự ủng hộ của Chính phủ, của Quốc hội để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Bộ Giao thông vận tải, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
"Chính phủ đã chỉ đạo họp rất nhiều và các thành phố cùng với Bộ Giao thông vận tải cũng họp rất nhiều. Qua các dự án hiện nay, chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc liên quan đến vấn đề quy hoạch làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, chúng ta cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm để lựa chọn được những công nghệ, nhà thầu tốt," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ tốt hơn, để những dự án khởi công mới có giải pháp rõ ràng, từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá.
Từ 16 giờ 40, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành xem xét về công tác nhân sự. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu có 467 đại biểu đồng ý (bằng 96,80% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không đồng ý (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức điện tử. Kết quả có 431 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,42% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó 429 đại biểu tán thành (bằng 89 % tổng số đại biểu Quốc hội), 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ngày 4.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Theo TTXVN