Hành vi của bị cáo Phùng Anh Lê gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra nên cần phải xử lý nghiêm.
Sau một ngày làm việc, gần 20 giờ tối 20.4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) trong vụ tha người trái pháp luật.
Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm 7 năm 6 tháng tù với bị cáo Phùng Anh Lê về tội nhận hối lộ.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo gây ra hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trật tự, trị an, an toàn hành chính của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra.
"Hành vi của bị cáo Lê gây bức xúc, bất bình trong xã hội, nên cần phải xử lý nghiêm tương ứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo", tòa nhận định.
Hội đồng xét xử xác định, từ tháng 9.2016, Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thụ lý vụ việc anh Nguyễn Công Thành tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích.
Nghi phạm của vụ việc, Nguyễn Hữu Tài, đã đến công an đầu thú và được đưa vào nhà tạm giữ.
Tuy nhiên, người nhà của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê) "bắt mối" với trưởng Công an quận Tây Hồ nhờ giúp đỡ.
Ông Phùng Anh Lê thông báo gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Người quen của gia đình Tài đã mang 110 triệu đồng đến phòng làm việc đưa cho ông Lê, đặt lên bàn làm việc và nhờ giúp hòa giải.
Sau khi nhận tiền, bị cáo Lê khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ đã chỉ đạo các thuộc cấp gồm Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng cảnh sát hình sự, Vũ Công Ngọc - cựu Đội Phó cảnh sát hình sự và Lê Đình Trung - cựu Đội Phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - tha cho Tài về nhà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Theo Tuổi trẻ