Đất nước ta có một địa hình giàu tính biểu tượng, vừa mềm mại phóng khoáng lại vừa kiên cường như một thi sĩ đã ví: “Đất nước giống như nàng tiên múa/Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong".
Đất nước ta có một địa hình giàu tính biểu tượng, vừa mềm mại phóng khoáng lại vừa kiên cường như một thi sĩ đã ví: “Đất nước giống như nàng tiên múa/Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong". Đối diện với Biển Đông bao đời, dải đất hình chữ S đã gánh chịu bao nhiêu sóng gió thiên nhiên, bao cuộc xâm lăng đến từ biển. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã nói hộ hàng triệu trái tim những người yêu nước: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa”. Tên các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa cũng mang dáng dấp quê nhà, cũng nao nao bao nỗi nhớ. Có đảo mang tên “Thị Tứ”, lại có đảo “Tiên Nữ”, “Vành Khăn”, “Sơn Ca”… Tất cả đều “Sinh Tồn” trong khát vọng sống với lòng yêu thiên nhiên thiết tha. Tổ quốc thật cụ thể, huyết mạch như nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/ Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”.
Tổ quốc nơi đầu sóng là dân tộc Việt Nam ta nghìn đời luôn đối đầu với cuồng phong. Tôi đã có dịp lên địa đầu Tổ quốc gặp lá cờ bay trên cột cờ Lũng Cú. Lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, phần phật bay trên đồi cao lộng gió. Tôi đã vào đất mũi Cà Mau gặp lá cờ đỏ sao vàng trên cột buồm con thuyền đất nước. Ở Trường Sa có một lá cờ khổng lồ không phải may bằng vải mà được gắn kết từ gốm sứ, từ đất đai Tổ quốc được nung qua nghìn độ lửa. Đó là hồn dân tộc mà chẳng có bão gió nào có thể làm rách, làm rạn vỡ và mài mòn được. Lá cờ ấy trên đảo Trường Sa là lá cờ thấm máu anh hùng Trần Văn Phương lấy thân mình che chắn bằng trái tim đỏ giữ đảo. Những người lính trên đảo Thuyền Chài, một hòn đảo chìm mà nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” đã ngân lên tiếng vọng thiết tha với một tình yêu Tổ quốc lớn lao và cụ thể vô cùng: “Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài”.
Tổ quốc nơi đầu sóng, ở đây trên những hòn đảo thân thương này ta bắt gặp mái chùa cong bên rặng tre ngà và tiếng trẻ học bài ở ngôi trường dựng bên bờ sóng. Đó cũng chính là những cột mốc chủ quyền bền vững và vĩnh cửu. Tổ quốc mới mẻ sinh ra ở nơi này:“Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão/ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” (Nguyễn Việt Chiến). Tôi nhớ một nữ phóng viên ra đảo, công việc đầu tiên của cô lúc chuẩn bị xa đất liền là dùng những đồng tiền tiết kiệm của mình tìm mua những loại hạt giống rau có sức chịu đựng gió cát, có sức sống mãnh liệt nhất. Đó là sự chăm bón gieo trồng, sự hồi sinh để phồn sinh luôn là trực cảm đau đáu trong mỗi người mẹ.
Tổ quốc nơi đầu sóng là nơi mà cả nước hướng về, cả nước dõi theo, cả nước cùng thức một nhịp đập trái tim. Ở đây có đền thờ Bác Hồ, có tượng Trần Hưng Đạo, có công viên mang tên Võ Nguyên Giáp, những người anh hùng của dân tộc luôn đồng hành như một thành trì vững chãi. Dân tộc ta nghìn đời nay yêu chuộng hòa bình, thiết tha dựng xây Tổ quốc không chỉ bằng những công trình hiện đại mà xây cả nền móng nhân nghĩa từ bậc thềm “Lục địa văn hóa”. Nhưng dân tộc ấy sẵn sàng đánh trả những ngọn sóng ngoại xâm, xắn tay áo gồng lưng bảo vệ đất đai Tổ quốc.
NGUYỄN NGỌC