Việc tổ chức mừng thọ là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng hiếu với ông, bà, cha, mẹ.
Việc mừng thọ còn mang thêm ý nghĩa "Kính già, già để tuổi cho". Lễ mừng thọ là một nét đẹp văn hoá không chỉ đối với gia đình, họ mạc mà đã được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quan tâm. Những dịp này mang lại cho người già tình cảm ấm áp của thế hệ các con, cháu, của làng, xã, giúp họ vơi đi nỗi cô đơn khi tuổi già sức yếu. Nhưng điều đáng nói, ngoài sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể thì chính những người cao tuổi lại biết tự tạo ra những sinh hoạt bổ ích cho xã hội. Những nghi lễ mừng thọ, những lời chúc, những tấm áo lụa đỏ, khăn xếp đỏ, rượu mừng là nét đẹp gắn với tấm lòng biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, nhất là khi cuộc sống no đủ.
Tuy nhiên hiện nay ở nhiều gia đình, nhất là những gia đình có kinh tế khá giả việc tổ chức mừng thọ cho bố mẹ rất phô trương, lãng phí. Nhiều gia đình còn "thương mại hóa" lễ mừng thọ bằng cách tổ chức cỗ bàn linh đình. Việc làm này gây rất nhiều phiền hà cho khách được mời. Bởi lẽ nếu không đến thì sợ mang tiếng ăn ở không có trước có sau. Nếu đến lại phải phong bì vài ba trăm nghìn...
Thiết nghĩ, trong khi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn như hiện nay thì việc tổ chức mừng thọ cũng cần tiết kiệm. Cấp uỷ đảng, chính quyền, hội người cao tuổi các cấp cần tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ việc tổ chức mừng thọ theo lối phô trương, lãng phí mà nên tổ chức gọn nhẹ, có ý nghĩa, tiết kiệm. Quan trọng hơn là cách đối xử giữa con cháu với ông bà, cha mẹ, sự tôn vinh của xã hội đối với người cao tuổi thì không hạnh phúc nào bằng. Cần tổ chức mừng thọ đúng ý nghĩa sao cho đây là nét văn hóa trong sáng, nhân văn, là bản sắc văn hóa Việt Nam có từ hàng ngàn đời nay.
Nguyễn Thị Thanh (Thanh Miện)