Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn

08/10/2010 06:48

Chỉ có 2/142 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có tổ chức đảng. Hoạt động của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.


Công ty Xi-măng Phúc Sơn công suất 3,6 triệu tấn xi-măng/năm, tạo việc làm cho 1.200 lao động, mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Cảng xuất xi-măng của công ty. Ảnh: Thành Chung

Toàn tỉnh hiện có 202 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và đã có 142 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập được tổ chức đảng là: Công ty Xi-măng Phúc Sơn và Công ty Chế tác Kim Cương, với tổng số 21 đảng viên.

Việc giữ vai trò hạt nhân chính trị, hoạt động, sinh hoạt bảo đảm đúng Điều lệ Đảng; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của tổ chức đảng trong 2 doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực hiện đầy đủ quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổ chức đảng trong doanh nghiệp không được biết, hoặc không được bàn về việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, về công tác tổ chức, cán bộ... Ngoài ra, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp một số khó khăn khác như: Hạn chế về thời gian hoạt động (chủ yếu sinh hoạt ngoài giờ), điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động thiếu; khó bố trí thời gian cho quần chúng tham gia học lớp tìm hiểu về Đảng và tổ chức các lớp học lý luận cho đảng viên. Một số chủ doanh nghiệp chưa hiểu và không muốn có tổ chức đảng trong doanh nghiệp nên không tạo điều kiện để tổ chức đảng thành lập và hoạt động. Người lao động thường tự ti, thiếu động cơ phấn đấu vào Đảng (cá biệt có trường hợp khi nộp hồ sơ xin tuyển dụng không khai mình là đảng viên vì sợ không được tiếp nhận). Sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp...

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng: “Phải dồn sức xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng… Chú trọng các loại hình mới như tổ chức cơ sở đảng trong các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" nên ngay sau khi được thành lập, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh đã coi nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của đảng bộ. Mặc dù mới thành lập, nhưng cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác bồi dưỡng cho quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên mới. Trong 9 tháng đầu năm 2010, Đảng ủy đã mở 4 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 369 quần chúng ưu tú từ các doanh nghiệp trực thuộc đảng bộ (trong đó, chi bộ Công ty Chế tác Kim Cương và chi bộ Công ty Xi-măng Phúc Sơn có 19 quần chúng tham gia).

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 07 của Bộ Chính trị (khoá VIII) và các Kết luận, Quy định của Ban Bí thư về công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong các luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn…, đưa quy định việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào luật; quy định các chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian cho tổ chức đảng hoạt động.

Đề nghị Trung ương nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đưa đảng viên vào trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng (nơi chưa có đảng viên) để là hạt nhân trong việc phát triển Đảng (Cán bộ này nên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không hưởng lương của doanh nghiệp). Cùng với đó, đề nghị tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ; tập trung kiện toàn tổ chức đảng đã thành lập ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng về củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp; tăng cường giáo dục đảng viên, phát huy tính tiền phong gương mẫu trong sản xuất, trong đạo đức, lối sống làm gương sáng cho quần chúng noi theo; thuyết phục chủ doanh nghiệp thấy được vai trò tích cực của đảng viên, của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp.

Đề nghị tỉnh nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, để các tổ chức này giữ vai trò nòng cốt trong việc vận động đoàn viên, hội viên phấn đấu vào Đảng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thành lập tổ chức đảng khi có đủ điều kiện ngay từ khi thành lập doanh nghiệp.

LÊ VĂN BẰNG- Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh

(0) Bình luận
Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn