Có những đứa trẻ phải chịu cảnh bơ vơ khi vừa cất tiếng khóc chào đời nhưng mắn thay, lại có những tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng dang tay đón nhận...
Những đứa trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng không kém phần nghịch ngợm
"Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa"Trong khuôn viên ngôi chùa nhỏ nằm sát cánh đồng của thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), câu chuyện giữa chúng tôi với Đại đức Thích Minh Đức, trụ trì chùa Trúc Lâm liên tục bị ngắt quãng bởi thầy còn lo chỉ đạo đội thợ xây dựng điện thờ thần linh - nơi phật tử gần xa gửi gắm người thân nương nhờ cửa Phật sau khi qua đời. Bằng chất giọng đặc trưng xứ Huế, sư thầy nhẹ nhàng phân trần với vẻ ái ngại: "Bác thông cảm nhé! Chùa đang xây dựng, công việc còn rất bừa bộn. Tôi lại ít khi ở nhà nên tranh thủ cho anh em thợ làm nốt điện thờ và một số hạng mục khác"...
Tôi vẫn luôn sẵn sàng đón nhận những trường hợp bất hạnh vì trách nhiệm của một con người với đồng loại, thương yêu những thân phận bị bỏ rơi.
|
|
Chùa Trúc Lâm hay còn được gọi là chùa Trắm được xây dựng từ thời Lý. Trải qua chiến tranh, chùa đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại, chùa đang trong thời gian tôn tạo nên ngoài gian thờ chính đã được xây dựng hoàn chỉnh thì những phần việc khác vẫn còn dang dở. Điều ấn tượng nhất khi bước chân vào chùa là khoảnh sân phía sau rất rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Trên khoảnh sân đó, gần chục đứa trẻ đang chơi đùa, trêu chọc nhau. Đồ chơi vứt lung tung, xe ngựa nằm chỏng chơ, giấy gấp máy bay la liệt khắp sân. Thấy người lạ, chúng đồng loạt ngừng chơi, khoanh tay chào rất lễ phép. Ngồi trên chiếc ghế tre gần đó, sư thầy Thích Minh Đức nhìn chúng bằng ánh mắt vui vẻ. "Niềm vui của tôi đấy! Mỗi lần đi đâu xa, tôi chỉ mong nhanh chóng về với các cháu. Nhìn thấy các cháu nô đùa vui vẻ, bao mệt mỏi trong tôi lại tan biến!". "Tại sao thầy lại nhận nuôi những đứa trẻ này?", tôi hỏi. Sư thầy cười hiền, nhẹ nhàng kể lại câu chuyện về đứa trẻ đầu tiên bị bỏ lại trước cổng chùa: "Lúc đó khoảng 12 giờ trưa ngày 27 Tết năm 2014, các phật tử vào làm lễ phát hiện một chiếc bọc đặt trước cổng chùa, bên trong là một đứa trẻ khoảng chưa đầy 2 ngày tuổi. Ngoài một ít quần áo, mẹ đứa trẻ đã để lại mảnh giấy ghi dòng chữ: "Gia đình khó khăn, nhờ nhà chùa nuôi giúp. Sau này có điều kiện sẽ về xin lại cháu". Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là phải mở lòng thiện để cháu có nơi nương tựa. Vừa mới ra đời, cháu đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Nếu nhà chùa không dang tay đón, không biết rồi cuộc đời của cháu sẽ đi về đâu? Liệu cháu có thành người được hay không?". Từ thời điểm đó, trong vòng 4 tháng đã có thêm 5 cháu bị bỏ lại chùa. Mỗi cháu bị bỏ lại trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là tờ giấy ghi dòng chữ: "Gia đình khó khăn nhờ nhà chùa nuôi giúp" cùng thông tin về ngày sinh, tháng đẻ. Ngoài ra không còn bất cứ thông tin gì khác. "Đúng là những sinh linh bất hạnh. Nếu tôi không nhận không biết các cháu sẽ đi về đâu? Nếu không nhận, tôi sẽ không làm đúng với điều răn của Đức Phật: Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa", sư thầy Thích Minh Đức cho biết về lý do sẵn sàng mở lòng đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi. Từ cậu bé đầu tiên được sư thầy đặt cho pháp danh Trí Siêu, những cậu bé tiếp theo đều có những pháp danh rất ý nghĩa, mang theo niềm hy vọng lớn lao của sư thầy: Trí Nghiêm, Trí Thủ, Trí Quang, Trí Độ, Trí Đức.
Trong số những cậu bé bị bỏ lại đây, Trí Đức là cậu bé vào chùa muộn nhất và việc nuôi nấng cháu cũng vất vả nhất. Chị Phương, một phật tử gắn bó với những đứa trẻ ở đây ngay từ những ngày đầu cho biết Trí Đức bị bỏ lại chùa khi chưa đầy 3 ngày tuổi. Lúc đó, Tiểu Khôi (tên thường gọi Trí Đức) chưa rụng rốn, người vẫn chưa được lau rửa và có biểu hiện sốt cao. Sau khi đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc khám, các bác sĩ kết luận cháu bị sởi. Từ lúc nhập viện, bệnh tình của cháu vẫn không hề thuyên giảm, có lẽ do sức đề kháng của cháu quá yếu. Các bác sĩ rất lo lắng, khuyên chị Phương đưa cháu lên Hà Nội khám. Lên đến Hà Nội, chị đưa cháu nhỏ đi hết viện nọ đến viện kia nhưng bệnh cũng không khỏi. Lúc đó con gái của chị khuyên chị đưa cháu ra một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. "Thời điểm đó, có những lúc cháu sốt li bì, tôi và con gái phải túc trực cả đêm bên giường bệnh. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra đối với cháu. Tuy nhiên, Đức Phật từ bi đã giữ cháu lại, để cháu tiếp tục sống cùng nhà chùa đến hôm nay. Cháu đã nhận con gái tôi làm mẹ nuôi, gọi tôi là bà ngoại", chị Phương kể.
Lặng lẽ làm việc thiện
Sư thầy Thích Minh Đức cùng với một trong những đứa trẻ bị bỏ lại chùa
Chăm sóc 1 đứa trẻ đã khó, chăm sóc một lúc 6 đứa trẻ khó bội phần, nhất là đối với những người chưa một lần làm cha, làm mẹ như Đại đức Thích Minh Đức. Một mình sư thầy vừa chăm sóc vừa phải lo kiếm tiền để các cháu có cơm ăn, áo mặc. Thời kỳ đầu, thầy phải thuê thêm người để chăm sóc các cháu. "Tôi thì bận rất nhiều việc, thời gian ở nhà không nhiều nên tự thân nhà chùa chỉ lo được một nửa nhu cầu của các cháu. Phần còn lại do lòng hảo tâm của các phật tử trợ giúp. Mấy năm gần đây, một phật tử ở Hà Nội tình nguyện ở lại chùa, trực tiếp chăm sóc cho các cháu. Nếu không có chị, nhà chùa không biết xoay xở như thế nào nữa", sư thầy Thích Minh Đức rưng rưng. "Khi nhận nuôi các cháu, thầy có thấy khó khăn gì không?", tôi hỏi thêm. Trầm ngâm một lát, sư thầy bảo: "Khó khăn về vật chất, công sức thì có thể vượt qua được vì nhà chùa nhận được sự trợ giúp rất nhiều của các phật tử. Điều khó khăn nhất là dư luận xã hội nghĩ không tốt về nhà chùa. Đã có nhiều điều tiếng về việc tôi nhận nuôi các cháu. Thậm chí, có người còn ác miệng khi cho rằng đó là con của tôi nữa. Tôi thì không sao, nhưng tôi sợ những suy nghĩ không hay này đến tai các cháu, khiến các cháu có cái nhìn không tốt về xã hội". Khi thấy tôi còn ngạc nhiên về những gì nhà chùa đã vượt qua để cưu mang các cháu bé, sư thầy nhẹ nhàng: "Mình chẳng thể giải thích được với tất cả mọi người. Trước những lời đàm tiếu không hay, tôi chỉ biết im lặng làm những việc mình cho là đúng. Chưa bao giờ nhà chùa đứng ra vận động, kêu gọi sự trợ giúp của xã hội để tránh mọi người hiểu lầm nhà chùa lợi dụng các cháu. Tôi tâm nguyện nuôi dưỡng các cháu trở thành người có ích cho xã hội, có trách nhiệm với bản thân. Tôi luôn làm đúng theo quan niệm của nhà Phật: cho đi là nhận lại. Vì vậy, tôi vẫn luôn sẵn sàng đón nhận những trường hợp bất hạnh vì trách nhiệm của một con người với đồng loại, thương yêu những thân phận bị bỏ rơi".
Nhìn các cháu quấn quýt bên sư thầy, tôi biết đó chỉ có thể xuất phát từ lòng yêu thương không vụ lợi. Trong câu chuyện của mình, sư thầy không quên nhắc đến tấm lòng thơm thảo của chị Phương, một phật tử đến từ Hà Nội đã cùng thầy chăm lo cho các cháu ngay từ những ngày đầu mới tiếp nhận. Sở dĩ tôi không ghi được đầy đủ họ tên chị vì chị không muốn câu chuyện của mình được mọi người biết đến. Chị Phương người Hà Nội, làm dâu ở thôn Trúc Lâm vì chồng chị quê gốc ở đây. Dường như duyên nợ đã khiến chị gắn bó với các cháu. Chồng chị mất khi chị ngoài 50 tuổi. Trong một lần về lo việc cho chồng, chị Phương đến thắp hương tại chùa Trúc Lâm. Nhìn thấy các cháu gầy gò, ốm yếu do không được chăm sóc đúng cách, chị đã rất cảm thương. Chị Phương trải lòng: "Nhìn các cháu gầy gò, ốm yếu tôi vô cùng đau xót. Từ lúc đưa Trí Đức lên Hà Nội chữa bệnh, trong tôi thôi thúc mình phải làm gì đó để lo cho các cháu. Thời gian đầu, tôi vẫn phải chạy đi, chạy lại giữa Hà Nội và Hải Dương để trông coi cửa hàng. Sau này, tôi quyết định ngừng kinh doanh để có thời gian chăm lo cho các cháu". Thật may là 2 cô con gái của chị hiểu và thông cảm cho mẹ. Những đứa trẻ ở đây đã nhận con gái chị làm mẹ nuôi, chị trở thành bà ngoại của chúng. Sau nhiều năm làm ăn buôn bán, chị không còn phải lo về kinh tế. Các con chị cũng đã trưởng thành, tự lo được cho bản thân. Chị lấy việc chăm sóc các cháu làm niềm vui với suy nghĩ làm việc thiện để tích đức cho con cháu. Từ bữa ăn, giấc ngủ của các cháu đều do chị đảm nhiệm. Chị hiểu tính nết, sở thích của các cháu. Đứa nào hay thức khuya, hay tè dầm, thích uống sữa nửa đêm... chị đều rõ hết. "Có khi tôi còn hiểu bọn trẻ hơn các cháu ngoại của mình. Nhiều lúc mệt mỏi quá tôi định nghỉ, nhưng cứ nghĩ đến việc sư thầy là đàn ông mà còn có tấm lòng lo cho các cháu là tôi lại cố gắng. Có lần thấy tôi vất vả quá, sư thầy định gửi các cháu đi nhà trẻ, nhưng vì tốn kém quá tôi lại cố", chị Phương chia sẻ.
Nhìn những đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, tôi hiểu rằng chúng đã được chăm sóc với tình thương vô bến bờ của những người xa lạ nhưng mang tấm lòng bao dung của người cha, người mẹ. Mầm thiện ở nơi này đang được nhân rộng để những mảnh đời bất hạnh được an ủi, tin yêu vào cuộc đời rồi một ngày sẽ chắp cánh bay cao!
VỊ THỦY