Tình yêu của những người già thật đơn giản. Đó là những sớm mai thức giấc họ được nhìn thấy nhau mạnh khỏe, được nấu cho nhau những món ăn ngon, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và đi cùng nhau đến trọn cuộc đời.
Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng vợ chồng cụ Lê Xuân Thọ và Phạm Thị Ký ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) vẫn dành cho nhau những tình cảm yêu thương
Giản dị
"Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi/ Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi/ Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh/ Trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh…". Anh Phạm Văn Hải đang công tác tại Công ty TNHH Shints BVT (TP Hải Dương) cho biết tình yêu của ông bà nội anh (hiện đang sống ở xã Nhật Tân, Gia Lộc) đúng như những lời bài hát trên. Tình yêu của ông bà đã trở thành hình mẫu cho con cháu trong gia đình học tập. Dù năm nay ông bà nội anh đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn rất tình cảm. Sáng sớm, ông thường ngồi chải tóc cho bà, bà đấm lưng cho ông. "Trải qua bao vất vả khó khăn, xa nhau vì chiến tranh, về già được ở bên nhau, ông bà tôi thực sự mới dành trọn vẹn tình yêu cho nhau. Ông tôi thường bảo tình yêu của người già giản dị lắm, đó có thể chỉ là những bữa ăn ngon, những câu hỏi han chân tình những lúc ốm đau”, anh Hải nói.
Ở phố Tam Giang, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) ai cũng ngưỡng mộ vợ chồng cụ Lê Xuân Thọ và Phạm Thị Ký bởi sự gắn kết, yêu thương của họ dù tuổi đã "gần đất xa trời". Hai cụ năm nay ngoài 90 tuổi những vẫn khá minh mẫn. Hai cụ kết hôn khi đều ngoài 20 tuổi. Cụ Thọ khi đó là cán bộ kháng chiến nên không có nhiều thời gian dành cho gia đình. “Vậy mà chúng tôi hiểu nhau và thương nhau lắm. Tôi thương bà ấy một mình vất vả nuôi con, lo cuộc sống cho gia đình nhà chồng. Trải qua bao khó khăn, nhiều khi đối diện với cái chết tôi nhận ra tình cảm với vợ, với gia đình thật đáng quý. Vì thế, khi may mắn được trở về với gia đình tôi luôn dặn lòng sẽ dành hết thời gian còn lại để yêu thương bà ấy”- cụ Thọ cho biết.
Trao đổi với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, người thường xuyên tư vấn tâm lý trong chương trình "Cửa sổ tình yêu" của Đài Tiếng nói Việt Nam qua điện thoại, anh cho rằng, tình yêu của những người lớn tuổi có thể sẽ không còn được lãng mạn như các bạn trẻ mà giản dị, gần gũi. Đôi khi tình yêu ấy chỉ được thể hiện bằng những cử chỉ nhỏ như gấp quần áo cùng nhau, đi thể dục với nhau mỗi buổi sớm, cùng chăm sóc con cháu. Người lớn tuổi thường có tâm lý ngại biểu lộ tình cảm với nhau nên rất cần con cháu thấu hiểu và tạo điều kiện cho họ được ở bên nhau mọi lúc, mọi nơi.
Luôn thấu hiểu
Đó là triết lý mà ông Ngô Văn Hanh ở phố Chương Dương (TP Hải Dương) đưa ra khi chúng tôi hỏi về tình yêu của những người cao tuổi. Nhiều người trong xóm thường ví vợ chồng ông Hanh như đôi sam vì ông bà gắn bó, yêu thương, đi đâu cũng có nhau. Bà Lưu Thị Tiến, vợ ông Hanh bị liệt nửa người, gắn bó với chiếc xe lăn hơn 15 năm qua nhưng với ông Hanh tình yêu dành cho bà vẫn như ngày đầu. Ông Hanh khẳng định: “Dù bà ấy có ra sao thì tôi vẫn yêu thương và sẽ luôn bên bà ấy đến khi nhắm mắt xuôi tay”. Ông Hanh hiểu những khó khăn, bất lực mà vợ đã và đang phải trải qua khi không thể đi lại sinh hoạt như người bình thường. “Những lúc rảnh rỗi, để động viên tôi vượt qua những đau đớn của bệnh tật, ông ấy thường làm đủ trò, khi thì hát chèo, khi thì diễn kịch, đọc thơ. Ông ấy giúp tôi vui vẻ, yêu đời. Vì thế, tôi không bị mặc cảm vì bệnh tật”, bà Tiến nói.
Khi chia sẻ về tình yêu của mình lúc tuổi xế chiều, nhiều người cao tuổi thường đúc kết rằng đó là sự cảm thông và thấu hiểu. Cụ Lê Xuân Thọ nói vui với chúng tôi rằng để giữ ấm cho ngôi nhà hạnh phúc thì “cái gì đã qua thì cho qua, nhất định không được nhắc lại”. Vì quan điểm sống đó mà suốt hơn 70 năm qua hai vợ chồng cụ không mấy khi to tiếng với nhau. Tình yêu mẫu mực của hai cụ là gương sáng cho con cháu, thậm chí cho cả hàng xóm láng giềng học tập.
Chị Đỗ Thị Thu Hằng ở gần nhà vợ chồng cụ Thọ cho biết tình yêu của các cụ thật đáng khâm phục. Đi đâu hai cụ cũng có nhau. Cụ ông đi khám bệnh cụ bà đi cùng. Cụ bà ốm cụ ông vẫn đút cho vợ từng thìa cháo. “Tôi nghĩ người cao tuổi có sự từng trải nên họ biết trân trọng những yêu thương dù là nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày. Người trẻ chúng ta vì bận rộn, áp lực công việc, gia đình, con cái mà thường quên đi hoặc bỏ qua những điều tưởng như nhỏ bé, giản dị ấy. Nhờ hai cụ mà những thành viên trong gia đình chúng tôi nhìn nhận lại mình, biết quan tâm, chia sẻ để giúp gia đình luôn hòa thuận, ấm êm”, chị Hằng nói.
Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời trẻ tuổi mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và cảm thông. “Tình yêu là thứ tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho con người. Chính những rung cảm từ sâu thẳm trái tim khiến cho con người gần nhau hơn. Vì vậy chúng ta nên trân trọng nó, dù ở độ tuổi nào. Tuổi già nhưng tình còn trẻ mãi. Những người trẻ hãy nhìn tình yêu của những người cao tuổi để học tập, rút kinh nghiệm và vun đắp cho tình yêu hay cuộc hôn nhân của mình”, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.
HẢI MINH