Tình yêu nơi chiến trận

30/04/2019 15:43

Bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh, nhiều mối tình giữa những người đồng chí đã nảy nở, đơm hoa, tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính vượt qua gian khó.

Trong gian khổ, ác liệt, tiệc cưới đơn sơ chỉ trà nước, bánh kẹo mà đã gắn kết những mối tình đồng chí đến suốt đời. Ảnh tư liệu

Nảy nở như lẽ tự nhiên

Cuối năm 1970, khi chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ở vào giai đoạn khói lửa khốc liệt, cô gái Nguyễn Thị Anh Sơn (quê ở xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) hòa vào đoàn cán bộ y tế của Hải Dương tăng cường cho chiến trường. Tuổi 20 đang phơi phới ước mơ, gặp gian khổ, hy sinh ác liệt của cuộc chiến nhưng vẫn tràn đầy hoài bão. Lấy tiếng hát át tiếng bom, những bước chân con gái thoăn thoắt đi bộ qua những địa danh bom đạn găm dày như: Tà Rụt, Tà Long, A Pao, Gio Linh, Hướng Hóa... Thời gian đã xóa nhòa nhiều ký ức, nhưng bà Sơn năm nay đã ngoài 70 tuổi vẫn nhớ như in một buổi sáng, sau khi bà và đồng đội đi gùi thuốc trở về đã không thể tìm thấy đơn vị vì toàn bộ cơ quan Ban Dân y Quảng Trị (đóng trong rừng), nơi bà công tác đã bị bom giặc san phẳng.

Gian khó, ác liệt là thế, nhưng tình yêu đôi lứa vẫn nảy nở như lẽ tự nhiên. Bà Sơn và nhiều đồng đội nữ đã tìm thấy người bạn đời gắn bó từ trong chiến trường khốc liệt. Năm 1974, trong một lần nhờ xe đơn vị bạn đi lấy thuốc cho cơ quan, bà quen với một người lính lái xe. Tình yêu đến tự nhiên bất chấp khoảng cách đơn vị ở xa nhau, số lần gặp nhau thưa thớt. Mỗi lần gặp chỉ loáng thoáng thăm hỏi, không dám để cho đồng đội biết, vậy mà như ngầm ước hẹn, cả hai người đều dốc sức cho công việc, cho chiến đấu. Đầu năm 1975, ông bà mới chính thức nên vợ nên chồng. Đơn vị ông đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi trẻ. Tiệc cưới đơn sơ chỉ trà nước, bánh kẹo mà gắn kết ông bà đến suốt đời.

Ngày xuân nhớ lại chuyện xưa
Ba Nang, Hướng Hóa bây giờ còn in...
Việc riêng xen lẫn việc chung
Tình yêu nảy nở giữa rừng Trường Sơn...


Những vần thơ này là của ông Lê Hữu Toàn (khu 18, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) viết tặng vợ - người đồng đội năm xưa. Là bộ đội thông tin, phục vụ ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, cuối năm 1973, ông Toàn (quê ở Thái Bình) quen với bà Mai Thủy Chiến là nữ cán bộ Trạm Sốt rét (Ty Y tế Quảng Trị) được tăng cường từ tỉnh Thái Bình vào. Thấy bà Chiến và các nữ đồng đội gồng mình chiến đấu với những cơn sốt rét, gầy gò và thiếu thốn trăm bề nhưng hễ nhận nhiệm vụ lại băng rừng, lội suối đi khám chữa bệnh cho nhân dân ở các làng bản xa xôi càng thấy thương nhau vô cùng. Tình yêu, tình thương kéo họ lại gần nhau. Do đơn vị cách xa nhau, thư tay cũng thi thoảng mới nhờ gửi được nên họ chỉ có thể chăm chút, động viên nhau bằng những lá thư, bằng chút sắn, khoai gửi cho nhau bù vào bữa ăn thiếu chất. Chỉ vậy thôi mà trở thành động lực lớn lao cho cả hai người như trong thơ gửi người yêu, ông Toàn đã viết: "Cuộc đời phải có niềm tin/Đến ngày thống nhất sẽ tìm được nhau".

Không có điều kiện tổ chức đám cưới, cuối năm 1974, ông bà được đơn vị tuyên bố nên vợ nên chồng. Sau đó, cả hai lại trở về đơn vị. Dù ngày thống nhất đất nước đã đến gần, chiến trường đã lặng tiếng đạn bom, nhưng những công việc sau cuộc chiến trở nên bộn bề. Vợ chồng lại bằn bặt xa nhau cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Rời quân ngũ, trở về công tác, sinh sống ở Hải Dương, giờ đã nghỉ hưu nhưng ông bà vẫn chăm chút cho bữa ăn của nhau hằng ngày bằng củ khoai, củ sắn như giữ gìn minh chứng cho mối tình son sắt.

Sợi dây bền chặt 

Như nhiều cặp vợ chồng nên duyên từ chiến trường, tuy kinh tế không khá giả nhưng ông Phạm Đức Lâm và bà Nguyễn Thị Diễm ở xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ) luôn hài lòng vì được ở bên nhau vui vẻ, quây quần cùng con cháu. Vốn lớn lên ở cùng quê, đến khi ra trận, ông Lâm nhập ngũ và vào thẳng chiến trường miền Nam chiến đấu. Chưa ước hẹn nhưng với lý tưởng cống hiến cao đẹp, bà Diễm cũng xung phong đi tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Họ bặt tin nhau cho đến giữa năm 1974, khi ông viết thư về nhà và có gửi lời hỏi thăm bà. Gia đình đã chuyển lá thư đó cùng địa chỉ đơn vị ông đang chiến đấu vào Quảng Trị, nơi bà đang công tác. Từ đó, những lá thư dù không thể đều đặn nhưng đã đem lời động viên của bà đến với người lính đang chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Nhớ lại, ông cười bảo rằng đấy chính là động lực giúp ông vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, vất vả để có ngày trở về. Hòa bình, cuối năm 1975, ông và bà đều nghỉ phép để về quê. Và lễ cưới được tổ chức trong những ngày phép ngắn ngủi. Cuối năm 1976, bà mới chuyển công tác ra Bắc và sinh con trai đầu lòng.

Đơm hoa từ chiến trường, nhiều mối tình thủy chung gồm cả tình yêu, tình bạn, tình đồng chí vẫn gắn bó bền chặt với thời gian. Vì cùng tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Hải Dương, cùng đi chiến trường, ở cùng một đơn vị rồi đều lấy chồng là bộ đội, vợ chồng bà Nguyễn Thị Anh Sơn và vợ chồng ông Lâm, bà Diễm trở thành những người bạn chí cốt với nhau đến tận bây giờ. Thậm chí dù tuổi đã cao, không còn thường xuyên được gặp nhau nhưng nếu gọi điện, chỉ cần cất tiếng là họ nhận ra nhau ngay. Hằng năm, họ hẹn gặp nhau một ngày trước dịp 30.4 để hàn huyên chuyện cũ. Bao nhung nhớ lại trào về xen với những giọt nước mắt buồn vui của những người đồng đội, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hòa bình.

TRUNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình yêu nơi chiến trận