Tôi thích ngắm nụ cười của những người lao động nơi mình sống, khi họ kết thúc một ngày làm việc cực nhọc. Họ thường trở về nhà bằng bộ quần áo dính đầy vôi vữa, dầu mỡ hoặc thấm đẫm mồ hôi. Họ thường tạt qua quán nước đầu ngõ gọi một cốc trà đá. Họ chuyện trò, tranh luận hăng say về một trận bóng đá đêm qua, về cây cầu mới xây, về con đường họ vừa mới chung tay rải đá. Thỉnh thoảng họ thảnh thơi cất tiếng hát nghêu ngao sau một ngày lao động hết mình.
Họ trở về căn phòng trọ chật chội nơi có người vợ đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Nơi có những đứa con thơ chỉ chờ nghe thấy tiếng bước chân quen là chạy ùa ra sà vào lòng bố. Để được bố nhấc bổng lên bằng đôi tay rắn chắc, xoay vòng, ngả nghiêng cười.
Xóm trọ bỗng trở nên đông đúc. Mọi người ùa ra sân vui đùa. Trẻ con chạy chơi, những ông bố ngồi chữa quạt điện, đồ chơi cho con, nhặt rau giúp vợ. Những người đàn bà vừa trở về từ khu công nghiệp đã kịp luồn qua chợ cóc chọn những mớ rau xanh, những con cá tươi sống về nấu bữa cơm chiều.
Nụ cười của những người lao động bao giờ cũng đẹp nhất. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười người thợ mỏ khi chui ra khỏi lò, rạng rỡ giữa bụi than đen đúa. Cũng như mấy anh thợ máy cơ thể không mấy khi được sạch sẽ thơm tho. Những bữa cơm trưa ăn vội tại xưởng, đầu tóc, tay chân còn dính đầy dầu mỡ. Miếng cơm nuốt vào miệng cũng có mùi dầu. Mấy chị vợ than: “Trong nhà toàn dấu chân dầu mỡ. Mỗi ngày đều phải cọ nhà tắm hết hơi. Quần áo lao động của mấy ông ấy thì máy nào giặt sạch nổi, cứ phải vò đến mỏi nhừ tay”. Họ cười bảo vợ: “Hết dầu mỡ là hết tiền tiêu. Ráo mồ hôi là thành người thất nghiệp”. Họ không than thở cực nhọc hay nhem nhuốc. Họ rất yêu công việc của mình và tận tụy từ ngày này sang ngày khác. Họ mang ơn công việc vì đã mang đến cho họ miếng cơm manh áo. Trên dây phơi xóm trọ luôn có những bộ quần áo lao động đã sờn vai, bạc thếch màu năm tháng…
Thỉnh thoảng vào những dịp lễ được nghỉ dài ngày họ thấy buồn bực tay chân. Với họ, đi làm không chỉ vì đồng tiền mà họ coi công việc như niềm vui vậy. Xa công việc là thấy buồn thấy nhớ. Người thợ may nhớ đường kim mũi chỉ. Anh thợ xây nhớ công trình xây dựng sắp hoàn thành. Chị lao công nhớ tiếng kẻng đổ rác. Anh thợ điện nhớ bầu trời. Thợ lau cửa kính nhớ những ngôi nhà cao tầng trong thành phố. Những người bắt cáy, bắt còng nhớ biển mênh mông… Làm sao có thể nhớ nghề như thế nếu như không nặng lòng gắn bó với nghề? Lại có những người lao động họ không có cơ hội xa nghề để nhớ nghề. Vì họ làm việc quanh năm suốt tháng không ngày nghỉ. Nên họ phải cố gắng chăm chỉ hoàn thành công việc trong ngày một cách tốt nhất. Để họ có những giây phút bình yên nghỉ ngơi bên gia đình mà không phải vướng bận âu lo. Để chiều đến, vắt áo lao động trên vai họ có thể cất lên lời hát…
Tối đến những người lao động quây quần trong căn phòng nhỏ. Họ cùng xem ti vi, cùng chuyện trò, đọc sách. Có người thợ may nhận thêm việc về nhà làm, chờ các con vào phòng học là lặng lẽ ngồi bên từng đường kim mũi chỉ. Tiếng ai đó dạy con bảng cửu chương, sửa lỗi câu trong bài văn miêu tả. Tôi nghe thấy người mẹ trẻ và đứa con gái nhỏ trò chuyện với nhau:
- Sau này lớn lên con muốn làm nghề gì?
- Con muốn làm cô giáo hoặc luật sư mẹ ạ.
Người mẹ xoa đầu con thủ thỉ:
- Con làm gì mẹ cũng đều ủng hộ. Miễn là con yêu nghề và sống cùng nghề.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG