"Lời ru của thầy" của Đoàn Vị Thượng là một trong những bài thơ hay về chủ đề “Thầy cô và mái trường”.
"Lời ru của thầy" của Đoàn Vị Thượng là một trong những bài thơ hay về chủ đề “Thầy cô và mái trường”. Bằng giọng thơ lục bát nhẹ nhàng, đằm thắm, từ ngữ, hình ảnh giản dị, lắng sâu, bài thơ là một khúc ru đầy ắp yêu thương, ru em từ khi cắp sách đến trường. Đó là lời ru xúc động của người thầy suốt đời tận tụy với nghề, với học sinh thân yêu. Thầy ru em:“Bắt đầu cái tuổi lên ba”, lời ru của thầy là hành trang không thể thiếu, tiếp sức cho em trên những chặng đường đời. Đọc bài thơ này, có lẽ không ai không khỏi xúc động và nhất là những người từng làm nghề dạy học thì sự xúc động ấy thật khó có thể diễn tả thành lời.
Xưa nay, người ta thường nói đến lời ru của bà, của mẹ mà ít ai nói đến “Lời ru của thầy”. Cũng dễ hiểu bởi bà và mẹ là “người thầy đầu tiên” ru em ngay khi em còn trong nôi. Từ lời ru ấy, em đã lớn lên. Rời vòng tay mẹ, em đến trường. Từ đây, ngày ngày thầy lại ru tiếp lời ru của mẹ: “Bắt đầu cái tuổi lên ba/ Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em”. Thầy dạy em bài học đầu tiên chính là bài học về tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, yêu từ ngọn cỏ nhành cây đến những trang sử oanh liệt của dân tộc: “Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm/ Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!”. Phải rồi, tình yêu quê hương, đất nước không bao giờ là đủ và không thể đong đếm được. Câu thơ ẩn một triết lý nhẹ nhàng về cái điều tưởng như hiển nhiên nhưng rất quan trọng mà ta rất dễ bỏ qua.
Vẫn biết kiến thức thì mênh mông như biển lớn, mà hiểu biết của mỗi người là hữu hạn. Con chữ dù linh diệu đến đâu cũng không thể diễn tả hết được những đa dạng, éo le của cuộc đời. Vả lại, trí óc ngây thơ, non nớt của em cũng không thể nào thu nhận hết được những cung bậc từ bể đời vô tận. Vậy nên, với tình yêu thương và trách nhiệm nghề nghiệp, thầy đem tất cả sự hiểu biết, lòng mê say của mình, thổi bùng trong tâm hồn em ngọn lửa về tình yêu cuộc sống, yêu con người, thắp lên những ước mơ, khát vọng:“Mong cho trọn ước mơ đầy của em”. Từ mong ước ấy, thầy gửi gắm bao tin yêu, hy vọng vào những kiến thức thầy đã “gieo”, vào yêu thương thầy đã gửi... Thầy trông đợi “Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây”, các em được lớn lên bằng sự yêu thương, chăm chút, từ tình yêu và ánh sáng trí tuệ, sẽ trổ hoa, kết trái dâng đời.
Trong bài thơ "Lời ru của thầy", câu chữ nào cũng chở nặng một tình yêu bất tận. Nhưng có lẽ hay nhất, nặng đầy nhất là khổ thơ: “Mẹ ru em ngủ tròn đêm/ Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày/ Trong em hạt chữ xếp dày/ Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm”. Hai lời ru tràn ngập yêu thương của mẹ và của thầy vừa tiếp nối, vừa bổ sung cho nhau, đều dành cho em những gì tốt đẹp nhất. Đêm đêm, lời ru của mẹ đưa em vào giấc ngủ. Khi mặt trời lên là lúc em cắp sách tới trường, lời ru của thầy nâng bước em đi. Thấu hiểu những nhọc nhằn của mẹ, thầy luôn dạy em về lòng biết ơn: “Trong em hạt chữ xếp dày/ Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm”. Từ “hạt” được lặp lại một cách đầy dụng ý. “Hạt chữ” có vẻ trừu tượng, nhưng “hạt cơm” lại rất cụ thể. Dùng cái trừu tượng để nói cái cụ thể là cách tôn vinh công ơn của mẹ. Hai từ “lo gầy” đặt trước “hạt cơm” phải chăng để nói đến sự vất vả, lam lũ của mẹ nuôi con và lo cho con ăn học bằng người? Nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời ru của thầy theo bước chân em đến trường và đọng lại trong em bao điều mới mẻ, sâu lắng. Đó là hành trang để em vững bước vào đời: “Từ trong vòm mát ngôi trường/ Xin lời ru được dẫn đường em đi”... Đó cũng là hy vọng, là mong ước của thầy. Và từ lời ru đằm thắm yêu tin của thầy, chắc chắn em sẽ đến được những chân trời mơ ước.
Khổ thơ cuối lắng lại như một lời tự sự. Ta hiểu, cuộc đời thầy thật giản dị. Niềm vui của các em chính là niềm vui suốt đời của thầy.
"Lời ru của thầy" là một tình yêu vừa tỉ mỉ, vừa rộng lớn, giản dị mà sâu sắc của thầy đối với trò. Cũng có thể hiểu đó là lời tri ân của các thế hệ học trò đối với thầy cô. Hiểu theo cách nào thì bài thơ cũng là khúc ru, là tình yêu bất tận về cuộc đời, tình người…
NGUYỄN THỊ BÌNH
Lời ru của thầy ĐOÀN VỊ THƯỢNG |