Người ta thường nói mùa xuân, mùa của tình yêu, của những rạo rực yêu đương với những tứ thơ lay động trái tim biết bao người. Bằng bài thơ bốn câu "Cảm khúc xuân" nhà thơ đã vẽ lên được khung cảnh mùa xuân tưng bừng đầy khát khao của sự sống, tình yêu! Bài thơ càng đọc càng có sự gợi cảm, lan tỏa, sâu đằm. Hình tượng người con gái mười tám tuổi đã là xuân rồi, thế mà người con gái ấy lại "Gánh xuân vào phố" thì quả là mùa xuân đẹp biết bao nhiêu! Chữ "gánh" hàm chứa một sự vận động của con người - giữa tạo hóa và con người hòa quyện vào nhau, mà con người làm nên tất cả. Em gánh xuân về, nên cùng với em nắng xuân ngời lên, cái nắng vàng óng như tơ, như lụa nõn nà, vầng nắng ấy cứ ngời lên lung linh trong gánh xuân để có đào thắm, mai vàng rực rỡ sắc xuân:
Cảm khúc xuân
Em mười tám gánh xuân vào phố Nắng ngời lên, đào thắm, mai vàng Gió lúng túng làm rối thêm làn tóc Anh tan hòa trong chồi biếc xuân sang...
HÀ CỪ
|
|
"Em mười tám gánh xuân vào phố
Nắng ngời lên đào thắm, mai vàng"Và rồi gió xuân cũng lúng túng làm rối thêm làn tóc. Tóc rối ở đây là sự lương vương đẹp, có hồn, tâm trạng phơi phới gió xuân. Tôi tự hỏi "tóc rối" hay tâm trạng nhà thơ bối rối trước cảnh đẹp của người con gái mười tám xuân đang "gánh xuân vào phố".
Đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Ba tiêu" của cụ Nguyễn Trãi, có câu:
"Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
...
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem"Thi hào vĩ đại ấy sống cách đây hơn sáu trăm năm dùng gió "gượng mở xem" để tả tình. Nhưng ở đây nhà thơ Hà Cừ thì "gió lúng túng". Cái lúng túng của gió (vô tư) để làm tóc em rối thêm. Có thể là gió nói thay tâm trạng của nhà thơ:
"Gió lúng túng" làm rối thêm làn tóc
Anh tan hòa trong chồi biếc xuân sang"Sự tan hòa ở đây là sự kết nối giao duyên - Tình xuân trong một khúc cảm để ươm mầm cho chồi biếc mùa xuân. Lời thơ dừng, ý thơ chưa dứt.
VŨ HOÀNG LUYẾN