Mẹ thường dịu dàng, gần gũi, còn bố tôi lại luôn nghiêm khắc. Dù tôi là con út nhưng hễ nhìn thấy mẹ cưng nựng hay nuông chiều tôi một chút là bố không hài lòng.
Mẹ thường dịu dàng, gần gũi, còn bố tôi lại luôn nghiêm khắc. Dù tôi là con út nhưng hễ nhìn thấy mẹ cưng nựng hay nuông chiều tôi một chút là bố không hài lòng. Bố làm nghề lái xe đường dài nên rất hiếm khi gia đình tôi được đoàn tụ đông đủ. Những lúc bố tranh thủ tạt qua nhà thì chị em tôi lại bận đi học. Khi chị em tôi đi học về, bố đã vội vã lên đường. Lâu dần, tôi cũng quen với sự vắng mặt của bố trong gia đình.
Bố tôi là người đàn ông sớm tự lập, phải bươn chải kiếm sống từ sớm do hoàn cảnh khó khăn. Ông bà nội tôi đông con nên tuổi thơ của bố là những bữa cơm độn khoai, độn sắn, thiếu thốn đủ thứ. Chính vì vậy bố tôi luôn cố gắng để lo cho chúng tôi có cuộc sống tốt nhất có thể. Sự vất vả, lam lũ khiến bố có phần khô khan. Điều này vô tình khiến mối quan hệ giữa bố và tôi thêm xa cách.
Có lúc tôi thầm so sánh bố tôi với bố cái Lan, bố cái Huệ. Chúng nó được bố gọi là “công chúa nhỏ của bố”, “con gái rượu của bố”... Chúng nó được bố nói những lời yêu thương. Còn tôi, mỗi khi nhớ bố, gọi điện cho bố chỉ nghe bên kia: “A lô! Bố đang bận lái xe. Thế nhé!”. Tôi chưng hửng... Tôi nghĩ rằng có lẽ do tôi mắc lỗi nên bố không yêu thương tôi. Tôi không học giỏi nhất lớp. Thi thoảng tôi cũng bị ghi vào sổ đầu bài vì cái lỗi ngủ gật trong giờ học, bị cô chủ nhiệm nhắn tin vào điện thoại của bố. Hay tại tôi là “con vịt giời” chứ không phải là một thằng con trai “cúng cơm” như khao khát, mong mỏi của bố? Nhưng tất cả cũng chỉ là do tôi tự tưởng tượng ra. Nhiều khi tôi chán ăn nhưng mẹ làm công ty cả ngày nên không biết việc đó.
Đêm hôm ấy, tôi đau bụng dữ dội. Chưa bao giờ tôi đau như thế, thật là khủng khiếp. Mẹ cuống lên, gọi taxi đưa tôi vào bệnh viện. Khám xong, bác sĩ viết ngay giấy giới thiệu để chuyển tôi lên bệnh viện tỉnh. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ kết luận tôi bị xuất huyết dạ dày, thiếu máu trầm trọng. Bác sĩ trao đổi với mẹ tôi rằng phải truyền máu gấp. Mẹ xin bác sĩ lấy máu của mẹ để truyền cho tôi nhưng bác sĩ sợ không đủ. Đắn đo một hồi, mẹ quyết định gọi điện cho bố về gấp.
Nằm trên giường bệnh, tôi thiếp đi từ lúc nào chẳng biết. Lúc tỉnh giấc, người đầu tiên tôi nhìn thấy là bố. Bố tôi ngồi bên cạnh, nắm bàn tay tôi, ánh mắt lo âu. Tôi không tin vào mắt mình, không lẽ đêm qua bố chạy xe suốt đêm để kịp vào viện truyền máu cho tôi. Môi tôi mấp máy: “Bố!”. Bố ra hiệu cho tôi nằm im. Nhìn gương mặt bố tiều tụy, làn da cháy nắng, bộ râu chưa cạo, trong tôi trào lên cảm xúc yêu thương và biết lỗi. Mắt tôi nhòe đi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến dáng vẻ đó của bố. Tôi nhắm mắt lại để mặc dòng nước mắt rơi xuống má. Bố vội lấy bàn tay chai sần lau nước mắt cho tôi: “Nín đi con gái! Đừng khóc nữa. Mọi việc ổn rồi. Có bố ở đây, con không phải sợ gì hết”. Tôi cố kìm nén những tiếng nấc trong cổ họng, tự trách bản thân mình không biết giữ gìn sức khỏe, tự nhịn ăn để dạ dày bị tổn thương, làm cho mẹ phải lo lắng, làm cho bố phải chạy xe hàng trăm cây số trong đêm để kịp về truyền máu cho tôi.
Kết quả xét nghiệm máu của bố tôi không truyền được, tôi phải truyền máu của bệnh viện. Bố thất thần ngồi hàng ghế chờ nhìn tôi, hai bàn tay đan vào nhau lộ rõ vẻ lo lắng trên gương mặt. Trong lòng thấp thỏm lo âu, cứ chốc lát bố lại đứng lên nhìn tôi qua khung cửa sổ. Ngày hôm sau, tôi được truyền máu xong. Bố liên tục hỏi bác sĩ tình hình của tôi. Nhìn tôi mỉm cười, bố mới an lòng.
Tôi hồi phục khá nhanh nên được xuất viện về nhà uống thuốc và ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi tưởng bố sẽ mắng tôi một trận vì tôi ăn uống thất thường, vì tôi làm cả nhà hốt hoảng. Nhưng không, bố hỏi tôi: "Con thấy đỡ chưa? Nghỉ Tết dương lịch một ngày không bõ nên bố quyết định xin nghỉ phép hẳn một tuần để ở nhà chăm sóc gái út của bố". Tôi vui quá, muốn ôm lấy cổ bố như hồi còn bé xíu. Đúng là không có bố mẹ nào không thương con, chỉ là cách thể hiện của mỗi người khác nhau mà thôi. Vậy mà có lúc tôi đã hiểu lầm bố, hờn trách bố.
VŨ THỊ QUỲNH (Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)