Việc tìm hiểu kỹ dự án và các hợp đồng trước khi ký kết các giao dịch liên quan đến dự án bất động sản rất quan trọng nhằm tránh rủi ro cho khách hàng.
Thời gian vừa qua, tôi có vài người quen phản ánh những bất cập và bức xúc khi trót tham gia đầu tư vào một dự án bất động sản trên địa bàn phường Hải Tân (TP Hải Dương). Những bức xúc chủ yếu liên quan đến việc chào bán dự án theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Ngay từ khi dự án chưa hình thành, các nhân viên kinh doanh đã chào mời theo kiểu “tô hồng” dự án này với những lời quảng cáo như khách hàng sẽ được hưởng lợi khi đầu tư vào một dự án với các tiện ích cao cấp mang tầm cỡ quốc tế. Tiến độ đóng tiền linh hoạt, nhiều ưu đãi, mức giá đầu tư “vừa túi tiền”.
Tuy nhiên, sau khi khách hàng quyết định đầu tư vào dự án, từ khi đặt cọc tiền dưới hình thức hợp đồng vay vốn đến khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được bàn giao tài sản thì không ít khách hàng “vỡ mộng” về dự án này. Hợp đồng ký kết giữa hai bên có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng. Thực tế hoạt động của dự án không giống như quảng cáo. Nhiều kiến nghị của khách hàng không được chủ đầu tư giải quyết thấu đáo và không đi đến thống nhất. Khách hàng muốn rút vốn hoặc chấm dứt hợp đồng đều khó khăn do bị ràng buộc vào các điều khoản của hợp đồng. Qua những người quen của mình, tôi được biết có hàng chục khách hàng khác đầu tư vào dự án bất động sản này đều cùng chung nỗi niềm, bức xúc như vậy. Những hợp đồng thoả thuận đều rất dài và khách hàng hầu như không nghiên cứu kỹ các điều khoản.
Thực tế cho thấy, đây không phải là dự án bất động sản đầu tiên trên địa bàn Hải Dương có khách hàng kiến nghị, bức xúc về việc vận hành dự án và các vấn đề liên quan đến các hợp đồng giao dịch mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa chủ đầu tư và khách hàng thì phần lớn người chịu thiệt là khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu do khi quyết định đầu tư, khách hàng có tâm lý “đi tắt đón đầu”, tin vào lời giới thiệu, quảng cáo của nhân viên kinh doanh không tìm hiểu kỹ về dự án đầu tư. Khi ký kết các hợp đồng với chủ đầu tư thường không nghiên cứu kỹ các nội dung, điều khoản. Vì vậy khi đã đặt cọc, nộp tiền theo tiến độ đầu tư thì “đâm lao phải theo lao”. Cùng với đó, trong quá trình khách hàng đóng tiền theo tiến độ, nhà đầu tư luôn có các chính sách “mềm dẻo” theo kiểu “vừa đấm vừa xoa” như nộp tiền đúng hạn hay trước thời gian quy định sẽ được hưởng thêm ưu đãi hấp dẫn, miễn phí sử dụng một số dịch vụ, giảm tiền phạt chậm nộp… Điều này đánh vào tâm lý tiếc của của khách hàng nên càng phải cố gắng xoay xở để nộp tiền. Vì vậy, nếu khách hàng không đủ tiềm lực tài chính sẽ có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”, rơi vào bẫy nợ.
Các chủ đầu tư bất động sản luôn có một đội ngũ tư vấn pháp luật chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án và soạn thảo các hợp đồng giao dịch với khách hàng. Các nội dung của hợp đồng đều bảo đảm quyền lợi chặt chẽ, có lợi nhất cho chủ đầu tư, còn phần rủi ro được đẩy về phía khách hàng. Vì vậy khi khách hàng bức xúc, kiến nghị, khiếu nại về các vấn đề liên quan đến dự án, hợp đồng thì chủ đầu tư thường trả lời đã thực hiện đúng quy định trong hợp đồng và các phụ lục kèm theo. Thực tế, đây là hợp đồng giao dịch dân sự, khi ký vào hợp đồng, đồng nghĩa việc khách hàng đã đọc và chấp nhận các điều khoản, phụ lục trong đó. Nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ sẽ luôn là người “cầm dao đằng lưỡi”, phải chịu thiệt, rủi ro nếu xảy ra tranh chấp.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự công khai, minh bạch của cơ quan chức năng đối với các dự án bất động sản, việc tìm hiểu thông tin về dự án không còn khó khăn. Để tránh rủi ro trong quá trình đầu tư vào các dự án bất động sản, khách hàng cần tỉnh táo trước những chiếc “bánh vẽ” của chủ đầu tư. Tìm hiểu kỹ thông tin dự án và các điều khoản, phụ lục trong hợp đồng do chủ đầu tư soạn thảo trước khi quyết định đầu tư.
PHAN ANH