Khoảng thời gian từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.2020 được dự đoán là đợt khuyến mãi mua sắm online lớn nhất cả năm khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau dịch Covid-19.
Một mã giảm giá có nội dung mâu thuẫn, khó hiểu
Xu hướng mua sắm online tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ vài năm trở lại đây, khi các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được ra mắt và hoạt động thành công như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… Theo báo cáo nghiên cứu thị trường TMĐT Việt Nam quý I năm 2019 của cổng thông tin TMĐT iPrice, Tiki, Sendo và Thegioididong góp mặt trong top 10 sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á, cho thấy nhu cầu mua sắm online khổng lồ của người tiêu dùng Việt.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, các sàn TMĐT tại Việt Nam học hỏi một số mô hình tổ chức chương trình khuyến mãi từ các sàn TMĐT quốc tế như Taobao của Trung Quốc với các đợt sale (giảm giá) 11.11, 12.12, và đợt sale Black Friday như tại Mỹ, bên cạnh đó sáng tạo thêm các chương trình như Sale Sinh Nhật, Flash Sale…
Thông qua các các chương trình giảm giá được các nền tảng TMĐT trên tổ chức, các chủ cửa hàng đã đăng ký bán hàng phát đi các mã giảm giá, phiếu quà tặng hay còn gọi là voucher đến người tiêu dùng bằng những thông tin hấp dẫn, ví dụ: mua 1 tặng 1, miễn phí vận chuyển, đơn 0 đồng…
Khi có được các mã giảm giá này, người dùng nghĩ mình sẽ mua được các món hàng trên mạng với giá hời nên dành rất nhiều thời gian tìm mã giảm giá trước khi mua sắm. Nhưng có không ít người mua bị nhầm lẫn và bực mình khi bắt đầu sử dụng voucher để tiến hành thanh toán. Lý do là nhiều voucher đưa ra các thông tin khuyến mãi rất thu hút nhưng điều kiện sử dụng nhập nhằng, nếu người dùng không chú ý tìm đọc chi tiết khuyến mãi thì sẽ không sử dụng được.
Một voucher trên Shopee có các dòng thông tin hấp dẫn “Miễn phí vận chuyển”, “Đơn hàng bất kỳ chỉ từ 0 đ” khiến người mua cảm thấy háo hức vì nghĩ sẽ không mất phí vận chuyển. Nhưng khi đọc điều kiện sử dụng, người mua mới hiểu là voucher chỉ giảm tối đa 15.000 đồng phí vận chuyển/đơn hàng và chỉ được áp dụng khi người mua chọn 1 trong 9 đơn vị vận chuyển mà mã liệt kê.
Tương tự Shopee, Lazada cũng tung ra nhiều voucher với các thông tin hấp dẫn “Miễn phí vận chuyển”, “FreeshipMax” nhưng để sử dụng được các voucher này, người mua phải đạt giá trị đơn hàng tối thiểu nhất định và các cụm từ “miễn phí”, “freeship” (miễn phí vận chuyển) cũng không được hiểu đúng theo nghĩa của chúng vì voucher chỉ giảm 20.000 đồng hoặc 40.000 đồng phí vận chuyển/đơn hàng.
Bên cạnh việc đưa các tiêu đề không nhất quán lên voucher, một số cửa hàng trên Shopee cũng mở những mã giảm giá có sự mâu thuẫn trong nội dung thông tin, khiến người mua bối rối. Thoạt nhìn, người tiêu dùng sẽ nghĩ mình được giảm 99% giá trị đơn hàng nếu mua đơn tối thiểu trị giá 199.000 đồng tức tiết kiệm được 197.010 đồng. Nhưng khi kiểm tra kỹ chính sách ưu đãi, số tiền được giảm tối đa chỉ là 3.000 đồng, một con số chênh lệch quá nhiều so với thông tin mà chủ cửa hàng dùng để thu hút sự chú ý của người mua.
Các phiếu quà tặng, mã giảm giá hàng hóa có nội dung mâu thuẫn đang phổ biến trên các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong các dịp sale lớn cuối năm. Mặc dù quyết định mua hàng ở người tiêu dùng, nhưng với các nội dung quảng bá khuyến mãi lập lờ, khó hiểu đang diễn ra tràn lan và chưa có dấu hiệu điều chỉnh từ cơ quan chức năng, khách hàng cần tỉnh táo và tìm hiểu kỹ các chính sách cũng như điều kiện mua hàng để tránh hiểu nhầm, mua được món hàng lại rước bực vào người.
KHÁNH LINH