Tình quê thành trì chở che

24/10/2021 14:56

“Đoản khúc hồi hương” của tác giả Đinh Hạ đã ghi lại thời khắc những người dân các tỉnh từ Sài Gòn hoa lệ tìm cách trở lại quê nhà trong những ngày đại dịch Covid-19.

Đoản khúc hồi hương

Khó khăn thì cứ về thôi
Cổng làng vẫn mở tình người bao dung
Dẫu không tay bắt mặt mừng
Tình làng nghĩa xóm rưng rưng nghẹn lòng

Quê nghèo đất chật người đông
Phải đành rời bỏ ruộng đồng tha phương
Ai ngờ đại dịch tai ương
Mưu sinh khốn khó về nương quê nhà

Gian nan rồi cũng sẽ qua
Người dưng thương được huống là người quê
Buồn vui vẫn một lối về
Bóng làng vẫn mát chở che phận người

Có quê thì cứ về thôi
Trở về nơi thuở khóc cười ta đi
Sum vầy sau những cách ly
Tình quê bỗng hóa thành trì chở che.

ĐINH HẠ

Bài thơ nhẹ nhàng, lắng sâu như một tiếng thở dài. Âm điệu lục bát cất lên thật tự nhiên, vừa dịu êm lại vừa như một nỗi niềm buồn thương khắc khoải. “Đoản khúc hồi hương” của tác giả Đinh Hạ đã ghi lại thời khắc những người dân các tỉnh từ Sài Gòn hoa lệ tìm cách trở lại quê nhà trong những ngày đại dịch Covid-19. Nhờ vậy, thi phẩm đã tác động sâu sắc vào cõi lòng người đọc, tạo được hiệu ứng đồng cảm, sẻ chia trước những gian khổ và thiếu thốn trăm bề. Hai tiếng quê hương chưa bao giờ lại thiêng liêng và thiết tha đến thế, cứ rưng rưng nghẹn ngào, cứ bàng hoàng xa xót đến khôn nguôi.

“Đất lành chim đậu”, âu cũng là lẽ thường ở đời. Nơi nào sung túc, dễ làm ăn, cuộc sống có nhiều điều kiện vươn lên thì dân cư sẽ tụ về đông đúc. Vùng đất phương Nam thuộc dải đất hình chữ S của chúng ta trù phú, tốt tươi, trong đó Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” từ trước ngày nước nhà thống nhất. Bao nhiêu cuộc đời cơ cực, nghèo khổ khắp miền Trung, miền Bắc vào đây lập nghiệp, xây đắp tương lai cũng nhờ chính mảnh đất này. Thế mà trong mấy tháng đã qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh liên tục giãn cách xã hội, nhiều người dân mất việc, khổ sở trăm bề. Khi dịch dã tạm ổn, người dân các tỉnh tìm cách hồi hương. Trong hành trình xa xôi tìm lại chốn quê nhà, nhiều bài thơ cảm động đã ra đời như một nỗi niềm cảm thông, sẻ chia trong hoàn cảnh đặc biệt như thế.

“Đoản khúc hồi hương” có bốn khổ lục bát giản dị, lời thơ chân thành, mộc mạc qua cái tôi trữ tình nhập vai của tác giả khi biết đặt mình vào hoàn cảnh của những người dân trở lại quê nhà trong những ngày dịch bệnh. Một hành trình xa xôi, gian truân nhưng cũng thật ấm lòng khi về được chốn quê: “Khó khăn thì cứ về thôi/Cổng làng vẫn mở tình người bao dung/Dẫu không tay bắt mặt mừng/Tình làng nghĩa xóm rưng rưng nghẹn lòng”.

“Khó khăn thì cứ về thôi”, câu thơ nhẹ tênh nhưng nặng sâu một hàm ơn, một niềm tin về tình làng nghĩa xóm biết yêu thương, san sẻ với mình trong lúc gian nan, khốn khó. Tâm trạng nhân vật trữ tình của bài thơ nhờ đó mang tính khái quát sâu rộng cho số phận của một lớp người trong xã hội. May quá, cổng làng vẫn rộng mở, tình người vẫn bao dung, che chở lúc trở về. Biết là không thể “tay bắt mặt mừng”, nhưng tất cả vẫn ấm lòng, cảm động đến rưng rưng.

Sau hiện thực vất vả được giãi bày, tác giả Đinh Hạ đã khơi gợi lại nguyên nhân, hoàn cảnh phải rời bỏ quê nhà, tìm chốn tha phương của nhân vật trữ tình trong thi phẩm. Phải đâu lòng không yêu quê, không muốn gắn bó với làng quê sâu nặng, chẳng qua vì hoàn cảnh khó khăn nên đành khăn gói ra đi hầu mong khấm khá mai này có ngày trở lại giúp quê, giúp người. Tác giả dường như chỉ kể chuyện tâm tình, bày giãi, song những câu thơ lại được gói nén cảm xúc, chân thật đến nhức buốt, nhờ đó dễ lay động lòng người: “Quê nhà đất chật người đông/Phải đành rời bỏ ruộng đồng tha phương/Ai ngờ đại dịch tai ương/Mưu sinh khốn khó về nương quê nhà”.

Trong hai khổ đầu, mạch cảm xúc trữ tình chủ yếu là kể, bày giãi về hoàn cảnh trở về, hoàn cảnh tha phương của nhân vật trữ tình được tác giả nhập vai. Đến khổ thơ thứ ba, Đinh Hạ gửi gắm vào đó một niềm tin trong sáng, đồng thời cũng đậm chất triết lý về tình người, tình quê. Qua đó, nhà thơ muốn khẳng định một chân lý bất biến có tính muôn thuở của cõi nhân sinh về cái tình cố hương đối với mỗi con người: “Người dưng thương được huống là người quê”. Chính nhờ ý tưởng triết lý đó, nên đến khổ thơ cuối bài, người đọc bỗng giật mình khi tác giả nâng lên thành một quan niệm sống, một nỗi suy tư sâu sắc về cuộc đời, về mối quan hệ giữa mỗi con người với quê hương bản quán. Quê hương chính là nơi khởi đầu cũng là nơi kết thúc của cuộc đời mỗi con người, không có gì lớn lao và thiết thân hơn chốn quê nhà. Quê hương là tâm hồn, là máu thịt của mỗi chúng ta; là thành trì chở che mỗi khi ta khổ đau, hoạn nạn: “Có quê thì cứ về thôi/Trở về nơi thuở khóc cười ta đi/Sum vầy sau những cách ly/Tình quê bỗng hóa thành trì chở che”.

Nhuần nhuyễn qua thể lục bát, giọng thơ điềm tĩnh, sâu lắng và phảng phất một chút triết lý ở cuối bài, “Đoản khúc hồi hương” của tác giả Đinh Hạ là một thi phẩm chan chứa tình, mang tính khái quát về thân phận con người trong đại dịch Covid-19, nhất là một bộ phận nhân dân lao động phải từ biệt TP Hồ Chí Minh trở lại quê nhà mong tìm chút níu nương cho cuộc sống an bình. Giá trị hiện thực là thế, nhưng thông điệp sâu xa hơn vẫn là lòng yêu thương, tình cảm bao dung muôn thuở của cố hương đối với mỗi người con xa xứ, nhất là khi ta cùng đường không biết về đâu. Quê hương trở thành chốn thanh bình, an yên nhất; là thành trì chở che cho mỗi phận người.

 LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình quê thành trì chở che