Quê hương, ai cũng có một miền riêng để yêu thương, để nhớ.
Với nhà thơ Vân Hạc, ký ức về quê hương là những gì gần gũi bình dị và thân thương nhất. Đọc bài thơ Bát canh tập tàng, phải đọc thật chậm, lắng thật sâu mới cảm nhận hết được những tình cảm mà tác giả gửi gắm ở trong. Chỉ là một bát canh thôi/Mà anh đi tận cuối trời không quên/Vườn quê rau rệu rau dền/Tập tàng ngọt ánh mắt hiền em tôi.
Một bát canh quê đạm bạc mà để lại trong lòng anh dấu ấn không phai mờ, dù có đi cuối đất, cùng trời. Không chỉ nhớ về bát canh đậm chất quê mà gửi gắm trong đó ánh mắt, nụ cười, hình bóng người thương. Nhà thơ thật tinh tế khi biến tính từ ngọt thành danh từ để gọi tên nỗi nhớ niềm mong gửi về miền quê yêu dấu.
Bát canh tập tàng là hình ảnh ẩn dụ nó gợi lên ký ức về những tháng năm vất vả, cơ cực, ở những miền quê một thời ăn độn khoai, sắn thiếu thốn trăm bề, đến những bát canh cũng chỉ từ những ngọn rau tự nhiên dễ kiếm nơi góc vườn, bờ ruộng. Bát canh quê luôn thường trực trong tâm trí nhà thơ và đi theo nhà thơ suốt những chặng đường dài, dù xa quê thì tình cảm với quê hương vẫn vẹn nguyên. Mặn mòi đất mẹ em ơi/Nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên.
Mặn mòi là nỗi vất vả, cơ cực gian khổ của mảnh đất quê hương, là sự tảo tần, chắt chiu một sương hai nắng, là nghĩa tình của những con người chân chất nơi đây được bồi lắng vun đắp bao đời, thế nên: Nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên.
Là người từng trải, từng đi nhiều nơi, phải sống nơi đất khách quê người nên tình cảm của anh dành cho quê luôn da diết và sâu lắng. Mang theo một nắm đất hiền/Và đôi mắt ấy trao duyên thuở nào/Vợi đi nỗi nhớ nao nao/Vợi cơn nắng lửa xối vào lòng tôi. Hành trang anh mang theo suốt bao năm qua, suốt những chặng đường dài, suốt cuộc đời mình là “nắm đất hiền”, nắm đất không còn là vật vô tri vô giác nữa mà nó là hình ảnh quê hương, có linh hồn, có cảm xúc, có vóc dáng, hình hài quê nhà. Nắm đất ấy đã trở thành điểm tựa, chỗ dựa tinh thần, là động lực để anh vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống mưu sinh. Người đọc hình dung mỗi lần nhớ quê là nhà thơ xòe bàn tay ra đã thấy hình ảnh quê hương, đất mẹ hiện lên gọi rưng rưng bao kỷ niệm yêu thương.
Chạm vào nắm đất quê là chạm vào ngọn rau rệu, rau dền, chạm vào bát canh tập tàng, chạm vào những ký ức, kỷ niệm không thể phai nhòa, chạm vào đôi mắt “trao duyên thuở nào”, lãng mạn biết bao, tình tứ biết bao, ánh mắt người yêu thay bao điều muốn nói. “Nắm đất hiền, ánh mắt trao duyên” phải chăng là liều thuốc an thần giúp nhà thơ vơi đi nỗi nhớ, đồng thời cũng giúp nhà thơ Vợi cơn nắng lửa xối vào lòng tôi. Hình ảnh ẩn dụ cơn nắng lửa và động từ xối miêu tả rất mạnh những khát vọng, những tình cảm cháy bỏng, đau đáu một nỗi lòng đối với quê hương cho dù còn nhiều những cam go nghiệt ngã, những thăng trầm mà nhà thơ phải đối mặt trong cuộc sống. Ước ao một bát canh thôi/Xa quê nhớ đất nhớ người tôi yêu. Bát canh là chất men để làm nên nỗi nhớ, nỗi nhớ xuyên suốt bài thơ từ không quên, và rồi đến nhớ nôn nao, nhớ đất, nhớ người, và nỗi nhớ cứ rộng ra, lớn lên, nó trở thành triết lý nhân sinh ở đời. Ai cũng có một quê hương, cũng có nguồn cội; con người ta chỉ trưởng thành khi trong lòng luôn có quê hương, nơi đã nuôi ta lớn lên và dạy ta thành người, dạy ta biết yêu thương giống như nhà văn Nga I-li-a E-ren-bua đã từng nói: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất"... Đó là điều nhà thơ Vân Hạc muốn gửi gắm trong bài thơ của mình.
PHẠM NGA
Bát canh tập tàng Chỉ là một bát canh thôi TRẦN VÂN HẠC |