Hải Dương là điểm đến, sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ ngoại quốc trong hành trình thiện nguyện, sẻ chia niềm vui với mọi người...
Các tình nguyện viên hăng say làm việc dưới trời nắng nóng
Nhiệt tìnhChúng tôi về thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) vào một ngày đầu tháng 7. Giữa cái nắng mùa hè bỏng rát, nhưng từng nhóm tình nguyện viên người Anh vẫn miệt mài hoàn thành những phần việc cuối cùng trong đợt tình nguyện xây bếp ăn tập thể cho nhà trẻ tại đây. Mấy hôm trước do trời mưa, các bạn phải lần lượt thay nhau, vất vả xúc từng xẻng cát ẩm đổ vào tấm lưới để sàng. Cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên mầm non ở đây cho biết: “Các bạn tình nguyện viên nhiệt tình lắm. Từ hôm đến đây, ngày nào cũng làm việc, mưa cũng làm, nắng cũng làm. Ai bảo nghỉ cũng đều từ chối. Hỏi thì các bạn ấy bảo đến đây chỉ có ít ngày nên muốn tận dụng mọi thời gian có thể để làm việc. Họ từ xa đến, chắc chưa làm những việc này bao giờ nên lúc đầu nhìn họ khuân gạch, trộn vữa, gánh đất hay sàng cát... còn ngượng lắm, ai cũng buồn cười. Nhưng chính sự nhiệt tình lại làm mọi người thán phục”.
Cách đó không xa, mấy bạn tình nguyện viên khác đang chăm chút vẽ hình những con vật lên trên bức tường của dãy nhà chính dùng làm phòng học cho các em nhỏ. Dưới những bàn tay khéo léo, bức họa về bảy chú lùn ngộ nghĩnh đang trêu đùa cùng nàng Bạch Tuyết đáng yêu lần lượt hiện lên.
Tại một lớp học gần đó, các cháu bé đang nô đùa cùng với các bạn tình nguyện viên. Hôm nay, các anh chị người nước ngoài cùng các bé chơi trò kéo co, bịt mắt bắt dê và cùng nhau múa hát. Được biết, ngày nào các bạn cũng phân công nhau đến chơi với trẻ nhỏ. Ngoài tham gia chơi các trò chơi dân gian, các bạn còn tự phô-tô tranh, sau đó hướng dẫn các em tập tô màu; dạy học tiếng Anh thông qua các bài hát, đếm chữ cái... Sự hiếu động của trẻ con cộng với lòng nhiệt tình của người lớn làm cho không khí lớp học lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện, không có khoảng cách về ngôn ngữ, quốc tịch, màu da...
Trước đó, đoàn tình nguyện viên cũng đã tham gia một buổi giao lưu với các bạn đoàn viên thanh niên của xã Cẩm Hoàng. Các thành viên trong đoàn đã chia sẻ niềm vui bằng những bài hát tiếng Anh, một số kỹ năng có được trong hành trình đến với Việt Nam. Đồng thời, các bạn được tìm hiểu về những tập quán sinh hoạt, văn hóa của người dân địa phương...
Sẽ trở lạiTrên đây là những hoạt động của đội tình nguyện viên gồm 13 người là giáo viên và các học sinh quốc tịch Anh thông qua sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững - chi nhánh Đông Bắc và tổ chức phi chính phủ Volunteers For Peace Viet Nam (Tổ chức Tình nguyện vì hòa bình Việt Nam - VPV). Ngoài những hoạt động trên, VPV còn tài trợ xây dựng bếp nấu ăn, mua sắm một số đồ dùng cho Trường Mầm non thôn Quý Khê với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Khi được hỏi về ấn tượng đến tình nguyện tại Việt Nam, các bạn Samatha Evars và Andy Mather, thành viên trong đoàn hồ hởi: “Trước khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến tình nguyện, chúng tôi chỉ biết rằng đất nước các bạn là một quốc gia đang phát triển. Nhưng khi đến đây, thấy người Việt Nam rất thân thiện. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam, quay lại nơi này”.
Ngày 4-7, sau 2 tuần tình nguyện, đoàn chia tay Quý Khê trở về Anh quốc. Niềm vui đong đầy trên gương mặt cả người đi và người ở lại. Chắc chắn niềm vui còn được nhân lên, bởi theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 8, VPV sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững - chi nhánh Đông Bắc đưa các đoàn tình nguyện viên ngoại quốc về một số huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ và thị xã Chí Linh. Các đoàn sẽ tham gia tu sửa trường mầm non trên địa bàn với các phần việc như dọn cỏ, trồng hoa, quét vôi, vẽ tranh lên tường, tặng dụng cụ học tập; tham gia một số công việc bảo vệ môi trường và giao lưu với người dân địa phương...
THANH NGA