Để những người kém may mắn có cơ hội sống tiếp phần đời còn lại, cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái như chị Nga, chị Tú, ông Lật...
Hai ông Đoàn Văn Lật (bên trái) và Tô Quang Khuê ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) đều đăng ký hiến giác mạc và nội tạng sau khi qua đời
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” - câu hát ấy của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ ngân lên trong tôi khi gặp những người nguyện hiến một phần hoặc cả thân mình cho người khác được sống. Trái tim họ vô cùng nhân ái, dù ngừng đập nhưng vẫn muốn mang nhịp sống đến cho người khác.
Nhìn cuộc đời cả khi đã mất điCách đây mấy năm, tôi đã có dịp gặp chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Tứ Kỳ. Lúc ấy, căn bệnh u tủy đã phát nặng khiến cơ thể người thiếu nữ ở tuổi đôi mươi gầy guộc, xanh xao. Chị Nga nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến người thân. Tôi hỏi chuyện, chị vẫn rất tỉnh táo và đặc biệt đôi mắt vẫn ngời sáng. Lúc tôi về, chị chìa cánh tay yếu ớt khẽ vẫy vẫy tạm biệt.
Bẵng đi một thời gian, đến cuối năm 2014, tôi nghe tin chị Nga qua đời. Nghẹn ngào thương cho người con gái bạc mệnh nhưng cũng thật xúc động khi biết tin chị Nga đã hiến tặng giác mạc. Chị Nga mất đi nhưng vẫn để lại ánh sáng cho 2 người kém may mắn khác. Điều đáng trân trọng hơn là chị Nga đã có di nguyện không tiết lộ danh tính của mình cho những người nhận giác mạc để tránh những ân tình báo đáp về sau.
Chị Nguyễn Thị Nga là trường hợp đầu tiên của tỉnh ta hiến giác mạc thành công. Tình thương người vô hạn của cô gái bé nhỏ Nguyễn Thị Nga đã lay động mạnh mẽ đến trái tim của biết bao người. Trong ngày Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tôn vinh hành động cao cả của chị Nga vào năm 2014 đã có hàng trăm người đến dự. Chỉ trong một ngày đã có hơn 20 người dân huyện Tứ Kỳ đặt bút ghi tên mình vào lá đơn tình nguyện hiến tặng giác mạc. Trong số những người ký tên hôm ấy có cụ Vũ Huy Quang (sinh năm 1923) ở xã Minh Đức. Cách đây ít lâu, cụ Quang đã qua đời. Di nguyện của cụ cũng đã được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 người đăng ký hiến tặng giác mạc thông qua Hội Chữ thập đỏ các cấp. Ngoài ra, còn nhiều người trực tiếp đăng ký tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Phong trào này phát triển mạnh mẽ nhất ở huyện Tứ Kỳ. Theo Hội Chữ thập đỏ huyện, đến nay ngoài chị Nga và cụ Quang đã hiến tặng giác mạc thành công, toàn huyện còn có 24 người đăng ký. Khi phong trào lan rộng ra toàn tỉnh, không chỉ người lớn tuổi mà cả những người trẻ tuổi cũng nhiệt tình đăng ký. Điển hình như chị Trần Thị Thành Huế, sinh năm 1975 (thị trấn Tứ Kỳ), Nguyễn Thị Mừng, sinh năm 1980 (TP Hải Dương)...
Sống ý nghĩa vì biết hy sinh"Con người ta ai cũng sinh ra và mất đi. Nhưng nếu sau khi mình chết có thể mang đến sự sống cho người khác thì còn gì ý nghĩa hơn." ÔngĐOÀN VĂN LẬT xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) |
|
Không chỉ dừng lại ở việc hiến tặng giác mạc, đến nay, nhiều người đã tham gia đăng ký hiến tặng toàn bộ nội tạng cơ thể, thậm chí hiến xác cho y khoa.
Ở tuổi 70 nhưng ông Đoàn Văn Lật ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) vẫn rất khoẻ mạnh. Ông chia sẻ bí quyết của mình là sống vui, sống khoẻ, sống tốt cho đời. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha mẫu mực. Gia đình ông là một trong số ít gia đình ở địa phương đạt danh hiệu văn hoá trong 5 năm liền. Nhiều việc làm của ông được người dân trong xóm, ngoài làng ngợi khen. Biết tính ông Lật khiêm tốn, ghé vào tai tôi, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã nói nhỏ, có lần nhặt được ví của người đi đường đánh rơi, trong đó có tiền và một số giấy tờ quan trọng, ông Lật đã mang đến giao cho Công an xã nhờ trả lại người đánh mất. Đặc biệt, mới đây ông còn hăng hái nộp đơn xin hiến tặng giác mạc và các cơ quan nội tạng khác cho y khoa sau khi qua đời. Nói về quyết định đậm tình người này, ông bảo: “Con người ta ai cũng sinh ra và mất đi. Nhưng nếu sau khi mình chết có thể mang đến sự sống cho người khác thì còn gì ý nghĩa hơn”. Những người thân trong gia đình khi biết quyết định của ông cũng có ý kiến phản đối. Nhưng sau khi nghe ông phân tích những lý lẽ trên mọi người đều đồng tình ủng hộ.
Tôi thường xuyên gặp chị Nguyễn Lệ Tú ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) tại các điểm hiến máu tình nguyện. Mấy năm nay, mỗi khi có điều kiện chị lại đi hiến máu. Có năm chị hiến 3 lần, cũng có khi là 4 lần. Nhiều khi lên Hà Nội có việc, gặp điểm hiến máu lưu động, chị cũng cố dành thời gian ghé vào. Tính đến nay chị đã có tổng cộng 26 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Chị được ghi nhận là người có số lần hiến máu nhiều nhất tỉnh. Trong năm 2016, chị vinh dự tham gia lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu trong cả nước.
Không chỉ nhiệt tình trong hiến máu, chị Tú còn khiến tôi trân trọng hơn bởi quyết định hiến xác cho y khoa. Hành động đầy tính nhân văn này của chị được lý giải bằng suy nghĩ hết sức bình dị: “Khi còn sống, bố tôi luôn dạy làm người phải biết làm những việc có ích. Bố cũng muốn được hiến xác cho y khoa nhưng vì nhiều lý do gia đình tôi đã không thực hiện được. Những gì bố dạy tôi luôn nhớ. Tôi không giàu về vật chất nhưng tôi sẵn sàng sẻ chia những gì mình có với mọi người”. Suy nghĩ tốt đẹp ấy của chị cũng đã lan toả sang cô con gái nhỏ. Dù còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng em cũng theo mẹ đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh để trình bày nguyện vọng hiến xác của mình.
Bác sĩ Vũ Văn Khoại, Giám đốc Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương cho biết, ở tỉnh ta có rất nhiều trường hợp đến bệnh viện khám được chỉ định phải thay giác mạc. Tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội được thay bởi nguồn giác mạc được hiến tặng rất khan hiếm. Tương tự, trong cả nước luôn có hàng chục nghìn người chờ đợi ghép nội tạng. Nhưng trên thực tế, số người được ghép chiếm một tỷ lệ rất nhỏ bởi “cung không đủ cầu”. Để những người kém may mắn có cơ hội sống tiếp phần đời còn lại, cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái như chị Nga, chị Tú, ông Lật...
THANH NGA