“Mẹ ốm nặng, chị về ngay!”. Tiếng cậu em trai tôi thảng thốt trên máy điện thoại. Rồi em thông báo vắn tắt thêm về tình hình sức khỏe của mẹ tôi và bỏ máy. “Em vội lắm, phải bảo các cháu chúng đi cắt thuốc cho mẹ đây. Chị lên chăm mẹ giúp em mấy ngày nhé”. Tôi đứng ngây người, chân tay thừa thãi. Sau đó sực tỉnh, tôi liền bấm máy tiếp cho con gái: “Bà ngoại ốm nặng, con lên đưa mẹ về thăm bà nhé”.
Chưa đầy nửa tiếng sau, Thảo đã phóng xe máy đến trước cửa nhà tôi. Không kịp tắt máy xe, nó liền hỏi: “Bà ốm hả mẹ?”. Tôi gật đầu. “Có nặng không mẹ?”, Thảo hỏi dồn. “Thì ai nào đã biết. Cậu con điện lên nói thế thì mẹ biết thế. Cậu bảo mẹ xuống chăm bà ít hôm”. Tôi đáp lại. Thảo ngó quanh nhà: “Vợ chồng cậu mợ và các cháu đâu hết rồi hả mẹ?”. “Đi làm cơ quan. Có con Hòa đang học ôn trên tầng ấy”. Tôi đáp và hướng lên tầng gọi: “Hòa ơi! Xuống trông nhà để bà về thăm cụ nhé. Bố mẹ về có hỏi thì cháu cứ nói là bà xuống chơi với cụ ít ngày. Đừng nói gì nhiều mà bố mẹ cháu lo. Nghe chửa?”. Cái Hòa “vâng ạ!” rõ to rồi chạy xuống tầng chào bác nó. Chuẩn bị vội mấy thứ xong, mẹ con tôi lên đường.
Nhà mẹ đẻ tôi ở cùng xã nhưng khác làng. Từ nhà tôi về nhà mẹ đẻ khoảng dăm cây số. Ngày trước, không tháng nào là tôi không về thăm mẹ. Tôi là con gái cả của mẹ lại lấy chồng gần nhất nên mẹ con “chấy rận” cho nhau là điều bình thường. Sau tôi còn bốn em nữa. Hai cậu em trai được cái đều lấy vợ và ở loanh quanh trong làng. Mẹ ở với vợ chồng cậu cả. Riêng hai đứa em gái tôi thì đều lấy chồng xa thi thoảng mới về quê ngoại được. Vì thế chúng đều nói với tôi rằng mọi việc trông nom mẹ chúng em nhờ cậy cả ở chị. Mẹ thích ăn gì, mua gì chị cứ mua cho mẹ rồi chúng em sẽ có trách nhiệm với chị. Trừ việc gì đột xuất, mỗi năm chúng em cố gắng về thăm mẹ lấy một lần. Tôi bực lắm, ai lại giao giá với chị về mẹ như thế chứ. Định lấy tiền ra để thay việc trông nom mẹ ư? Nhưng nhiều khi nghĩ lại cũng tội cho các em tôi. Xa hàng mấy trăm cây số như thế, đi lại khó khăn như thế thì cũng phải chịu chứ biết làm thế nào. Hơn nữa, gia cảnh hai dì ấy đâu được khá giả. Một dì thanh niên xung phong xong lấy chồng tít tận trong Quảng Bình. Một dì đi công nhân rồi xây dựng gia đình ở mãi ngoài mỏ than Quảng Ninh. Thế rồi, cả hai dì đều bỏ mẹ con tôi mà đi. Một dì bị ung thư, một dì bị nhiễm chất độc da cam, năm chị em giờ còn ba, trong đó duy nhất tôi là gái. Vì thế, tình cảm mẹ con con gái tôi càng thêm sâu nặng. Mẹ dồn tất cả tình thương yêu cho tôi, ngược lại tôi cũng thế, dành trọn tình thương cho mẹ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do có điện thoại, hơn nữa, sức khỏe tôi cũng giảm sút nên thi thoảng tôi mới về thăm mẹ được. Nhiều khi nhớ mẹ lắm nhưng tôi cũng đành chịu. Lực bất tòng tâm mà. Đi đâu tôi đều phải bảo con cháu chúng nó đèo xe máy mới đi được.
Vừa vào đến sân, tôi luống cuống xuống xe và lập cập đi vào nhà. Vừa đi vừa mếu máo: “Đâu, mẹ đâu? Mẹ ốm thế nào mà cậu mợ giờ mới điện cho tôi?”. Vợ chồng cậu Huy ra tận cửa dắt tay tôi: “Chị cứ bình tĩnh nào. Mẹ không sao đâu. Mẹ nằm ở giường đằng kia kìa!”. Mấy đứa con cùng cháu của cậu Huy dắt tôi đến bên mẹ. Mẹ đang nằm bỗng ngồi nhỏm dậy. “Chị Thủy đấy hả? Mẹ không sao đâu. Còn lâu mẹ mới chết nhé. Chẳng qua là mẹ nhớ chị thì cho gọi chị đến thôi”. Tôi hơi ngơ ngác rồi bừng tỉnh: “Thế mà cụ làm con hết cả hồn. Mẹ con con vội phi xe máy nên chẳng mua quà gì cho cụ được...". Mẹ tôi cười móm mém: “Chị đến là tôi mừng rồi. Quà đấy chứ quà đâu. Trông thấy chị khỏe còn hơn là cho tôi quà đấy. Sao bảo hôm nọ chị ốm cơ mà?”. Tôi nghẹn ngào đáp: “Đâu có. Con cảm cúm qua loa thôi”. “Cảm cúm à? Không được chủ quan đâu nhé. Các cụ dạy phòng bệnh hơn chữa bệnh đấy. Tuổi chị dễ cái sảy nảy cái ung lắm”. Chợt con Thảo xen ngang: “Bà thì chỉ được cái lúc nào cũng các cụ dạy. Các cụ dạy thế này, các cụ dạy thế kia, chúng con sốt cả ruột”. “Cha bố cô. Chả thế lại không ư?”. Mẹ tôi cười mắng yêu Thảo. Cậu Huy bấy giờ mới nói: “Sáng nay, mẹ cứ bắt em phải gọi chị về bằng được. Em đành phải bảo là mẹ ốm để chị sốt ruột mà về. Cũng phải thế thôi cụ nhỉ?”. Mẹ tôi cười: “Chả thế lại không ư. Anh em chúng mày phải thi thoảng gặp nhau cho mẹ mừng chứ. Còn sống được ngày nào thì vui ngày ấy”. Mấy mẹ con bà cháu chúng tôi cùng cười. Người tôi lâng lâng trong niềm hạnh phúc khôn tả.
Tôi ngồi nắn nắn bàn tay nhăn nheo của mẹ. Chợt mẹ tôi hỏi: “Thế chị đi xuống đây đã xin phép gia đình nhà chồng chưa?”. Tôi ngơ ngác: “Nhà chồng nào hả cụ?”. “Nhà chồng chị chứ còn nhà chồng nào nữa. Các cụ dạy “thuyền theo lái, gái theo chồng”, đi đâu, làm gì phải xin phép người ta một tiếng”. Tôi cười xót xa: “Bố mẹ chồng con mất lâu rồi. Đến cả chồng con cũng mất rồi cụ ạ!”. “Sao? Mất rồi à? Sao chồng con mất sớm thế?”. “Vâng! Chồng con mất cách đây năm năm, lúc bảy mươi tuổi bằng tuổi con bây giờ này này”. “Thế hả? Thế mà tôi cứ tưởng!”. Mẹ tôi à ờ một hồi lơ đãng. Thế đấy, ở cái tuổi chín mươi này nhớ nhớ quên quên khiến con người ta nhiều lúc cứ như ngớ ngẩn.
Suốt cả tuần tôi luôn ở bên mẹ. Khác với mọi lần, lần này mẹ tôi nói hơi nhiều, thi thoảng có lúc lẫn. Mẹ rủ rỉ nhắc lại thuở mẹ con tôi còn gian khó. Câu cửa miệng của mẹ là “ngày xưa, lúc mà nhà mình còn…”. Rồi mẹ nhắc tới bố tôi, kể cho tôi nghe lúc sinh tôi thế nào. Mẹ thủ thỉ: “Ngày sinh chị, mẹ mới hai chục tuổi đầu. Cả bố và mẹ đều làm thuê ở đợ cho địa chủ. Hôm bố đang buổi cày, mẹ vừa bê nồi cám lợn cho lũ lợn ăn thì bụng đau quặn dữ dội. Mẹ buông tay. Nồi cám lợn rơi xuống đất đổ tung tóe. Mụ vợ địa chủ chạy ra xỉa xói. Mẹ cũng mặc kệ, ôm bụng nhăn nhó. Người toát mồ hôi ướt đẫm. Mọi người chạy đến bế mẹ vào bếp. Được một lúc thì con ra đời ngay bên bệ nấu cám. Ăn uống, làm lụng kham khổ thế nhưng được cái mẹ tròn con vuông. Các cụ dạy “giời sinh voi giời sinh cỏ”. Quả đúng vậy, chẳng sai tẹo nào. Đến cái đận khởi nghĩa năm bốn lăm, lúc đó con năm tuổi thì phải, thằng Huy mới lên ba, mẹ nhớ như in cái cảnh phá kho thóc của Nhật sao mà vui thế, khí thế bừng bừng. Mẹ vừa bế hai đứa chúng bay, vừa cầm thúng cùng bố theo người ta lao vào kho cướp thóc. Kể cũng buồn cười, thóc của mình bằng thật, nó cướp của mình giờ mình lấy lại mà lại bảo cướp của nó thì vô lý quá. Nhưng không sao, tất cả ào lên như nước vỡ bờ. Sau ngày đó, bố mẹ không phải đi làm thuê ở đợ nữa. Một thời gian sau, bố con theo bộ đội đi kháng chiến…”.
Cứ thế, mẹ tôi thả hồn theo dòng suy tưởng. Qua chín năm, đến cải cách ruộng đất, lại thời bao cấp, rồi khi máy bay Mỹ oanh tạc, thời làm công điểm hợp tác… tất tần tật mẹ nhớ lại. Chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện thời cuộc, chuyện đời người, rồi “chả thế lại không ư?”, lúc lại “các cụ dạy phải thế…”, lúc thì xưng “mẹ” gọi con, lúc lại xưng “tôi” gọi chị. Tôi ngồi lặng yên chăm chú nghe và cũng hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa cùng mẹ. Đây có thể là những ngày bình yên nhất bên nhau của mẹ con tôi. Hôm Thảo lên đón tôi về, mẹ tôi bảo: “Thôi, mẹ con chị về đi. Lúc nào mẹ cần thì lại gọi sau. Không phải lo cho tôi”. Khi hai mẹ con tôi ra đến cửa thì mẹ gọi giật lại: “Thế mũ nón đâu mà đi đầu trần thế. Nhỡ nó cảm nóng cảm gió ra thì sao?”. Thảo cười rõ to: “Mẹ con cháu đi xe máy, đội mũ xe máy. Đội nón sao được". Mẹ tôi chép miệng: “Nắng nôi thế này đội cái mũ ấy thì ăn thua gì cơ chứ”.
Vừa bước chân định ngồi lên xe thì mẹ tôi gọi với từ trong nhà. Tôi vội chạy vào: “Mẹ còn điều gì dặn con à?”. Mẹ tôi giơ tay ra nắm lấy tay tôi: “Chị phải chú ý đến lũ trẻ nhé. Thời buổi này chúng dễ bị sa ngã lắm. Các cụ dạy là phải giữ lấy nếp nhà, lành cho sạch rách cho thơm. Đừng mê mải làm giàu mà quên chăm lo đạo lý chị ạ. Còn chị, mùa hè đừng có quạt điện, điều hòa nhiều, dễ bị cảm lắm. Cứ quạt nan mà dùng. Mùa đông nhớ chăn bông, mặc ấm nhé. Tuổi chị là không được chủ quan đâu. Chả thế lại không ư? Nhớ chửa?”. Tôi cười vang: “Con nhớ rồi. Cụ cứ làm như con còn bé lắm ấy”. “Cha bố chị. Chả thế lại không ư?”. Hai mẹ con tôi cùng cười mà hình như trong khóe mắt đều rưng rưng.
Dọc đường, Thảo nói với tôi: “Con chịu cụ thật. Bà bảy mươi tuổi mà cụ vẫn cứ coi như trẻ con”. Tôi nói với Thảo: “Cả chị nữa, hơn bốn mươi tuổi rồi, đi xe máy cho cẩn thận. Đừng có chủ quan... Đàn bà, con gái đi đứng nó phải từ tốn, nghe chửa?”. “Vâng. Con biết rồi! Mẹ không phải nhắc! Đúng là mẹ nào con nấy”. “Cha bố cô. Chả thế lại không ư!”. Tự nhiên tôi lặp lại câu nói của mẹ tôi lúc nào không hay.
Tôi bất ngờ ốm. Người tôi đau mỏi nhừ. Đầu nóng sốt rình rịch. Tôi nằm mê mệt suốt cả ngày chẳng thiết ăn uống gì. Sang ngày thứ tư thì mẹ tôi đến. Chẳng biết ai thông báo cho cụ mà cụ bắt cậu Huy thuê tắc-xi đưa đến. Xuống xe, mấy đứa cháu xúm lại xốc nách đưa cụ vào nhà. Cụ lọ mọ đến bên tôi và nói: “Rõ khổ! Đã bảo các cụ dạy rồi, ở cái tuổi này phải cẩn thận thế mà có chịu nghe cho đâu cơ chứ? Thế bây giờ con thấy trong người nó thế nào?”. Vừa nói mẹ tôi vừa đưa tay sờ nắn khắp người tôi. Sờ vào trán tôi, cụ bảo: “Sốt cao thế này sao không đắp cái khăn ướt lên trán. Con Hòa đâu, lấy cho cụ chiếc khăn mặt ướt. Mẹ Thảo nữa, kiếm ít rau dấp cá giã nhỏ ra đắp cho mẹ mày”. Mẹ tôi vuốt lại tấm chăn, kê lại cái gối cho tôi. Vừa làm mẹ tôi vừa trò chuyện cốt để cho tôi quên đi cái mệt. Đoạn, như sực nhớ ra điều gì, mẹ tôi rọ roạy vào cái túi vải mang theo. Lát sau, mẹ cầm cái bọc giấy báo giơ lên: “Ăn củ khoai nướng này vào cho nó có chất này. Mệt đến mấy cũng cố mà ăn. Ăn mới có sức mà vượt lên được chứ. Mẹ phải bảo con bố Huy nó chạy tìm mua mãi ngoài chợ đấy”. Rồi mẹ bóc giấy báo và vỏ khoai, bẻ ra từng miếng bón cho tôi. Vừa ăn tôi vừa không cầm được nước mắt. Một cụ già tóc bạc phơ đang bón mớm cho bà lão tuổi bảy mươi, dỗ dành bà ăn, coi bà như đứa trẻ. Đây có phải chuyện cổ tích hay không? Mà sao mẹ tôi vẫn nhớ cái món tôi thích nhất cơ chứ. Mấy chục năm rồi, củ khoai nướng ngày thơ bé của tôi vẫn được mẹ tôi nhớ và chiều tôi như thế. Đã từng bao món ngon, của lạ sau này nhưng tôi vẫn không thấy món nào ngon hơn món khoai nướng. Vị ngọt của nó thấm vào từng thớ thịt của tôi cộng với vị mát của lá dấp cá trong chiếc khăn mặt ướt đắp trên trán tôi khiến tôi tỉnh hẳn. Mẹ ở với tôi mấy ngày cho đến khi tôi khỏi ốm thì mẹ về.
Những tưởng mẹ con tôi cứ yên bình sống như thế thì đùng cái, tháng sau mẹ tôi đột ngột ra đi. Mẹ đi thanh thản lắm. Hôm ấy, đang ngồi ngoài hè thì mẹ kêu nhức đầu chóng mặt. Vợ chồng cậu Huy vội đưa mẹ vào giường nằm. Thế rồi cứ thế mẹ tôi thiếp đi đến chiều muộn thì đi hẳn trong tư thế của một người đang ngủ. Con cháu xúm quanh kêu khóc thảm thiết. Tôi vật vã mãi bên mẹ. Bao ký ức về mẹ cứ dồn dập ùa về khiến tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi ôm lấy hai người em cậu là Huy và Hải mà kể lể. Chợt ai đó đến kéo tay tôi đứng lên. “Lúc này, bà phải bình tĩnh cho con cháu chúng có chỗ dựa. Chả gì cụ cũng mất rồi, kêu khóc phỏng có được đâu. Cụ chín mươi tuổi đi thế là mát rồi. Đừng làm kinh động đến giấc của cụ nữa. Các cụ dạy “trẻ làm ma, già làm hội”, bà hãy bảo con cháu tổ chức đám cho cụ cho chu đáo để cụ mát mặt”.
Tôi bừng tỉnh nhìn lên và nhận ra đó là cụ Hội, bạn trong Hội Bảo thọ của tôi. Từ đó trở đi, tôi nuốt nước mắt vào trong cùng hai người em cậu và con cháu lo tổ chức chôn cất mẹ tôi. Dân làng, cơ quan, đoàn thể đến viếng mẹ tôi đông lắm. Các cháu, chắt, chút, chít, khăn trắng, khăn vàng, khăn đỏ mấy chục đứa lít nhít bám sau cỗ quan tài đưa mẹ tôi ra đồng. Chiều ấy, mùa đông gió bấc tràn về rét căm căm. Cả làng tôi đều nghỉ việc để đưa tiễn mẹ tôi. Tôi còng lưng chống gậy bám vào cỗ quan tài của mẹ lê từng bước khó nhọc. Thỉnh thoảng, tôi lại nấc lên cố kìm nén tiếng khóc chỉ chực bung ra khỏi ngực. Cánh thợ kèn chơi bài “thập ân” nghe càng não ruột. Mẹ ơi! Đời người hữu hạn, sống gửi thác về. Mẹ hãy gặp bố con, hai em gái con, gặp tổ tiên ông bà và phù hộ độ trì cho con, cho các cháu chắt được bình an hạnh phúc. Các cụ đã dạy rồi “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, phải không mẹ? Con mãi vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ. Xin mẹ hãy yên giấc ngàn thu, mẹ nhé.
Hằng năm, cứ đến tháng bảy âm lịch, tháng Vu Lan báo hiếu cha mẹ, tôi lại nhắc các con tôi tìm mua bó hoa huệ trắng, sắm sửa vàng mã, đồ cúng thắp hương cho tổ tiên ông bà, cha mẹ tôi. Trong các đồ cúng đó tôi không quên món khoai nướng là món cả mẹ tôi và tôi rất thích. Vừa sửa soạn bàn thờ tôi vừa lẩm nhẩm một mình: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Bây giờ, mẹ tôi đã đi xa còn tôi thì đang khóc. Mẹ ơi!
Truyện ngắn của XUÂN THU