Tình già

03/10/2015 08:37




Minh họa: Văn Hà


Đại tá Quyền thất tình.

Hai đêm rồi gần như thức trắng. Hai ngày ăn bữa lưng bữa vực. Nay là ngày thứ ba ông cũng chả thiết nấu nướng gì. Sáng không ăn mà không thấy đói. Đã hơn 11 giờ trưa, ông lấy gói mì tôm dội nước sôi vào úp lại. Với chai rượu thuốc rót một chén, dốc ít lạc rang sẵn ra qua quýt cho xong bữa. Nhấp ngụm rượu. Rượu đắng ngắt. Bỏ vài viên lạc vào miệng nhai. Lạc không còn thơm, bùi mà như nhai phải viên đất khô. Ông ngồi bất động, mắt trân trân nhìn vô định. Trong đầu bao dòng suy nghĩ không sao át được nỗi buồn. Ông phát hiện ra một điều hình như tuổi già thất tình còn đau hơn tuổi trẻ khi tình yêu tan vỡ. Và tuổi già muốn lấy ai còn sợ hơn là tuổi trẻ sợ bố mẹ ngăn cấm. Căn nhà năm gian ba thụt hai thò ông làm cách đây hơn ba chục năm nay đã quá cũ kỹ giờ chỉ có mình ông ở nên thành rộng đến rợn người, càng nhìn càng chán. Ông lấy di động, đeo kính định gọi cho bà ấy nhưng bàn tay ông tự nhiên rã rời. Liệu bà ấy có nghe không. Mới bấm nút nguồn lại thôi. Màn hình sáng lên mấy giây rồi lại tắt. Ông vẫn ngồi như tượng thì cô con gái thứ hai ở cách đó mấy nhà đến:

- Ông ăn cơm chưa? - cô xăm xăm vào bàn mở bát mì tôm - Ăn uống thế này thôi á? Ông cứ nghĩ vớ vẩn, ốm lăn ra đấy lại chỉ khổ con khổ cháu thôi. Đã bảo già rồi, đèo bòng vợ con làm gì nữa cho tội nghiệp mà ông không nghe - cô châm nén hương vừa cắm lên trước ảnh mẹ vừa gào: Ới mẹ ơi...

- Câm mồm, cút.

Ông Quyền đấm xuống bàn mạnh như  quai nhát  búa. Chén rượu đổ. Đĩa lạc nảy lên, hạt lạc bắn ra lăn tứ tung. Chiếc đĩa úp trên bát mì tuột nghiêng xuống bàn. Ông đứng lên. Đôi mắt đỏ sọng. Ông sắp nổi điên. Cô con gái biết tính bố, sợ quá ù té bước ra ngoài đi mất. Ông lấy xe đạp, đóng cửa rồi đi. Cũng chưa biết là đi đâu.

Ông cứ uể oải đạp xe dọc đường như không nhìn thấy ai. Gặp người chào, ông gật theo phản xạ chứ không trả lời. Đầu ông lúc đặc sịt, lúc rỗng không. Ông cảm thấy thế. Buồn, đau, giận, uất ức... có cả. Bỗng có một người đạp xe ngược chiều thấy ông, gào lên: "Bác Quyền à?" rồi nhảy phịch xuống gạt chân chống cho xe đứng, tay giữ lấy ghi đông xe ông, miệng nói không ngớt.

- Trưa rồi, đại tá đi đâu thế này? Cơm cháo gì chưa?

-...

- Ơ kìa, bác làm sao thế?  Ốm à? Thôi vào quán này làm cái gì cho ấm bụng. Lâu rồi anh em mình mới gặp nhau. Em cũng mới đi chơi về đến đây, đã về nhà đâu.

Ông Quyền lặng lẽ theo bạn vào quán như người mộng du. Khi được ấn vào tay vại bia, ông mới bừng tỉnh.

Hai cốc bia chạm nhau. Ông lại đặt xuống.

- Buồn lắm chú ạ.

- Khổ quá, uống đi bác. Có gì em san sẻ với, có tin em không?

Ông Quyền nâng cốc làm một hơi cạn sạch trước sự ngạc nhiên của bạn.

- Tin chú chứ. Chú là người tốt và đứng đắn, anh vẫn quý chú lắm. May gặp chú là người hiểu đời và dễ cảm thông chứ không thì biết nói cùng ai.

Rồi ông kể: Chả là thế này chú ạ! Bà ấy nhà tôi mất được hơn một năm rồi.

- Vâng em biết.

- Ở cái tuổi tôi quả là khó xử. Lấy vợ nữa hay thôi? Nếu là người ốm yếu, hết nhu cầu thì khỏi nói. Đằng này tôi vẫn thấy mình sung mãn lắm. Là thằng đàn ông với nhau, nói thật với chú tôi phải lấy vợ.

- Vâng, em đồng ý với bác.

- Nhưng nếu tôi chờ ba hoặc bốn năm, tắm gội và xây xáo cho bà ấy mồ yên mả đẹp thì tôi sang tuổi 72. Mà tôi nghĩ thế này, đằng nào bà ấy cũng mất rồi. Tôi đã chăm sóc bà ấy chu đáo khi ốm khi đau. Có chờ thêm mấy năm cũng chả được gì nữa mà mình thì già thêm phải không chú?

- Vâng đúng thế bác ạ.

- Cho nên tôi xin phép vong linh bà ấy để tìm người bạn cho tuổi già đỡ đơn côi.

- Bác tính thế là phải, nhưng được chưa?

- Rồi nhưng lại hỏng.

- Sao ạ?

- Nói thật với chú, tôi gặp một cô giáo tiểu học đã vào tuổi 50, chưa lấy chồng lần nào. Người thì không được đẹp. Nếu đẹp họ đã lấy chồng lâu rồi sao còn đến phần mình. Tuy nhiên không có khiếm khuyết gì về mặt hình thức như rỗ mặt, lác mắt, thọt chân chẳng hạn. Người ta đồn rằng cô ấy rất khó tính và nghiêm nghị. Tôi lại không sợ cái đó. Được cái to béo khoẻ mạnh và nói năng dễ nghe. Mấy năm nữa nghỉ hưu, có lương, thế là ổn phải không chú. Mình già rồi, còn nụ cà hoa mướp gì mà đòi cao. Chúng tôi nhanh chóng đi đến thống nhất các thủ tục cho sau này. Cốt nhất là đăng ký kết hôn cho hợp pháp. Sau đó tôi làm mươi mâm mời đại diện trong họ và mấy bạn bè thật thân đến uống rượu để tôi công bố chứ không tổ chức linh đình gì vì nhà tôi mất mới được hơn một năm. Làm rùm beng làng xóm người ta cười cho. Từ ngày ấy, tuần nào tôi cũng xuống nhà một lần và thỉnh thoảng cô ấy cũng lên nhà tôi. Rồi tôi thấy yêu cô ấy thật chú ạ. Yêu lắm. Nhớ lắm. Thì ra con người ta chỉ già tuổi thôi, còn tình yêu hình như không già.

- Em nghĩ có thể là như thế.

- Nhân ngày sinh của cô ấy, tôi có tặng một cái nhẫn vàng một chỉ và miếng vải để may bộ quần áo dài cho ngày cưới. Mình đã vậy còn cô ấy chứ. Đây là lần đầu người ta lấy chồng. Mà lấy đàng hoàng, lấy một ông đại tá hẳn hoi.

Đến ngày giỗ nhà tôi, tôi mời. Cô ấy và người em gái mang hoa lễ lên thắp hương. Cô giáo có khác. Các con tôi về đủ. Chú bác và anh em con cháu họ gần, tôi cũng mời cả. Ăn uống xong, hai chị em cô đang ngồi uống nước cùng mấy bà em tôi ở giường trong nhà thì thằng Vịnh con trai tôi vào, lôi ghế ngồi bên. Nó nói với cô ấy:

- Hôm nay là ngày giỗ mẹ tôi, các chị lên chơi thắp hương cho mẹ tôi, chúng tôi cảm ơn. Tiện đây tôi cũng xin nói thẳng cái việc chị sắp lấy bố tôi thì chúng tôi không bao giờ tán thành...

- Ơ kìa Vịnh. Sao cháu lại ăn nói thế - một bà em gái tôi ngắt lời Vịnh.

- Chị cứ để cho cháu nó nói. Cháu nói xong chưa? - cô ấy nét mặt tái đi nhưng rất bình tĩnh. Cái bình tĩnh của người từng trải - Bây giờ em xin phép các chị. Cháu ạ. Tôi là bạn của bố cháu. Bố cháu mời, tôi mới đến. Tôi đến không phải vì chuyện hôn nhân. Cháu nói thế là không đúng lúc và hỗn.

- Tôi hỗn đấy nhưng không bao giờ cho các chị được vào cái nhà này - nói rồi nó sầm mặt lại và bỏ đi. Cả đám giỗ ngạc nhiên. Ai cũng bực mình.

Ngày hôm sau, vào buổi chiều, tầm bốn giờ, hai chị em cô lại phóng xe lên nhà tôi. Chúng tôi ngồi đối diện hai bên bàn, tôi pha nước, rót mời.

- Anh Quyền ạ. Hôm nay em lên, trước hết là cảm ơn những tình cảm mà anh đã dành cho em. Nhưng số phận không cho chúng ta thành gia thất. Em xin gửi lại anh kỷ niệm anh đã tặng.
Nói rồi cô mở gói giấy báo để lộ ra mảnh vải. Cô đặt cái nhẫn lên và đẩy về phía tôi, như ý muốn bảo "vải đây nhá, nhẫn đây nhá, không thiếu thứ gì". Chú có hình dung mặt tôi lúc ấy thế nào không? Nó dầy ra. Tôi nói với chị em cô ấy:

- Anh thành thật xin lỗi em một lần nữa. Anh quá bất ngờ. Thôi con dại cái mang. Con anh nó dại, anh nhận lỗi. Anh sẽ có cách...

- Anh không có lỗi - cô cướp lời - Con anh không dại. Nó đã là thiếu tá đang ở trong quân ngũ, nó thừa khôn chứ. Nhưng nó thiếu... Thôi, em xin phép. Vĩnh biệt.

Cô đứng lên bước ra khỏi cửa. Chiếc xe nổ máy phun lại mấy vòng khói đen. Tôi đứng như hoá đá bên bàn. Chén nước chè đã nguội, nổi lên xác con ruồi đã chết. Trời vào hoàng hôn.

Ông lặng người đi. Một lát sau ông hỏi:

- Chú bảo thế có đau không? Tôi không chỉ đau vì nó cấm đoán phá vỡ hạnh phúc tuổi già của tôi mà còn vì nó xử sự ngỗ ngược, vô văn hoá với người ta.

- Em thật sự chia buồn với bác. Thật không thể hiểu nổi. Tại sao nó cũng là thiếu tá rồi, cũng ngoài ba chục tuổi rồi mà lại hành động như vậy.

- Chú ơi, tuổi tác, chức vụ không hẳn đồng hành với nhận thức. Còn sự việc thì dễ hiểu mà. Nó sợ người ta về với tôi thì nó mất mảnh đất tôi đang ở. Khổ thế đấy. Muôn đời lòng tham làm mù mắt con người. Mà đất thì tôi đã dọc đôi cái vườn bên cho mỗi thằng một nửa rồi. Mỗi suất trăm linh bốn mét vuông chứ có ít đâu, cũng mặt đường hẳn hoi, thế mà nó vẫn chưa thoả mãn. Cái này mấy chị em nó bàn nhau từ lâu. Tôi biết. Thực lòng với chú tôi cũng định tối hôm giỗ mẹ nó, khi chỉ còn mấy bố con, tôi sẽ đưa sự việc ra cho các con biết rồi xem ý chúng nó thế nào để mình lựa, nhưng chưa kịp thì nó đã đánh vỗ mặt mình. Càng nghĩ càng thấy cay.

Hai người ngồi đã lâu. Ca bia hơi vẫn còn non một nửa. Bát phở bò ông Quyền ăn không hết. Câu chuyện có chiều đi vào bế tắc. Họ chia tay nhau. Người bạn hẹn hôm nào sang chơi ta sẽ bàn thêm. Ông Quyền nắm chặt tay bạn.

- Nhưng tôi đã có cách. Thôi, chú về nhé.

Về đến nhà ông Quyền đóng sầm cửa lại, bật quạt điện mà sao trời oi thế. Ông lăn ra giường. Mọi hôm cứ ăn trưa xong là ông phải ngủ ít nhất một tiếng. Mấy trưa nay không ngủ được. Ông nghĩ đến bao nhiêu biện pháp: thuyết phục nó ư? Nhờ họ hàng nói hộ ư? Hay là lên tận đơn vị nó?... Nhưng rồi ông lại tự bác bỏ. Ông tự trách mình chủ quan, không kín nhẽ. Ông trách con không hiểu tâm lý bố. Ông nghĩ đến ông Bắc ở làng Đoài, bạn vong niên với ông. Sao ông ấy sung sướng thế. Ông Bắc goá vợ lúc 60 tuổi. Ba thằng con trai ông ấy lớn cả rồi. Thằng trưởng cũng là sĩ quan quân đội, vợ con ở tận Gia Lâm (Hà Nội). Thằng thứ hai, thứ ba ở làng đều có gia đình riêng. Ông Bắc không ở với đứa nào. Thường ngày ông nấu một bữa ăn hai. Trước đây ông làm bí thư, làm chủ tịch xã. Giờ nghỉ công tác. Vợ mất. Ông buồn nên suốt ngày làm bạn với cây cảnh và câu cá. Thằng con thứ hai thương bố nên nó bảo bố đừng nấu nướng gì. Chỉ có ăn sáng là bố tự lo còn hai bữa để nó nấu cả rồi mang vào cho nóng sốt. Nhà nó cách chừng hai trăm mét, ngại gì. Thế là từ đấy hầu như bữa nào vợ nó cũng mang cơm vào cho ông. Ý nó là để ông hiểu con dâu ông có hiếu. Cô con dâu cũng là người xinh xắn và tốt nết, lúc nào cũng quý ông như bố đẻ và nói năng sôi nổi làm cho ông cũng đỡ buồn. Một hôm, cô mang cơm đến, để ở bàn và đang lúi húi bày bát đĩa ra. Khi ngẩng lên cô bắt gặp ánh mắt ông đang chăm chú nơi cái cổ áo quá rộng của cô. Cô hiểu ánh mắt ấy. Thoáng một chút bối rối trên gương mặt ông. Cô khéo léo lấy lại vẻ tự nhiên: "Bố xơi cơm đi cho nóng. Bố cố ăn cho khoẻ bố nhé". "Ừ, con để bố xin".

Sau đấy chả biết vợ chồng, anh em nó bàn bạc với nhau thế nào. Một hôm thằng cả về. Cả ba đôi vợ chồng cùng vào với bố. Ông thấy ngạc nhiên. Sau một lúc chuyện trò, thằng cả nói thế này: "Bố ơi! Từ ngày mẹ chúng con mất, chúng con biết bố rất buồn và rất nghĩ ngợi. Chúng con sẵn sàng nuôi bố và chăm lo cho bố nhưng có những cái không con cái nào thay được. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Chúng con nói thế bố đừng bảo chúng con rũ bỏ trách nhiệm mà là chúng con hết sức cảm thông và thương bố. Vả lại bố còn khoẻ, chúng con muốn bố phải lấy vợ. Con tin là nơi suối vàng mẹ con cũng bằng lòng. Bố cứ buồn mãi, mẹ con cũng có sống lại được đâu mà con cháu cũng buồn lây. Trẻ nghe cha, già nghe con, bố đồng ý cho chúng con vui". Ông Bắc ngồi lặng đi. Nước mắt lã chã rơi. Ông đứng lên châm nén hương cắm vào bát hương trước ảnh người vợ quá cố. Cả nhà im phắc. Người con cả lại lên tiếng: "Chúng con chỉ cần bố đồng ý thôi, còn tìm ai, mọi việc như thế nào chúng con lo". Một lúc sau, ông mới nói được: "Thôi thì tuỳ các con".

Thằng cả về đơn vị ngay ngày hôm sau. Cạnh nhà nó có cô công nhân giao thông lỡ thì đã vào tuổi 48, kém ông Bắc một giáp. Hằng ngày vợ chồng nó vẫn sang chơi. Cô có mảnh đất chưa đầy 60 m2 với căn nhà hai gian cấp bốn. Cô đã nghỉ theo chế độ "một cục". Thấy cô tốt tính và khoẻ mạnh, từ khi mẹ nó mất, nó đã có ý định đưa cô về với ông Bắc. Chỉ còn lăn tăn là về hình thức, cô không bằng được ông. Mặc dù vậy nó vẫn sang nhà cô chơi. Nó giới thiệu ông Bắc với cô từ tuổi tác, quá trình công tác đến tính nết. Rồi nó nói hẳn là nó muốn hai ông bà về ở với nhau. Tất cả anh em nó đều thống nhất. "Cháu nói thật một trăm phần trăm. Nếu cô không tin, hôm nào cháu mời cô về nhà cháu chơi để cô ghi nhận lời cháu". Nghe nó nói vậy, cô ấy bảo: "Cứ trông cháu và cách ăn ở của cháu là cô có thể hiểu được bố cháu. Con ai mà chả giống cha".

Thế là tháng sau nó đưa cô ấy về chơi. Hai ông bà gặp nhau, hiểu nhau và giờ đây thành vợ chồng, tuy không còn sinh đẻ nhưng ông bà sống rất hạnh phúc. Các con cháu quý bà kế không kém gì bà trước. Thằng cả còn động viên mẹ kế rằng: "Chúng con đã có nhà, có đất rồi. Chỗ này là của ông bà. Nếu sau này, bố con già có đi trước thì đất này nhà này vẫn là của bà. Bà cứ ở. Chúng con sẽ chăm sóc bà chu đáo. Con thay mặt các em con hứa danh dự với bà như vậy".

Ông Bắc ngày một trẻ ra, và như là khoẻ hơn. Có phải là do tình yêu không nhỉ? Càng nghĩ về gia cảnh ông Bắc, ông Quyền càng buồn cho mình. Tại sao con ông nó không hiểu cho rằng đã là con người còn sống là còn có nhiều nhu cầu: nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, quan hệ, giao tiếp, làm việc, chơi bời... Những nhu cầu tất yếu ấy có gì là xấu đâu. Xấu hay đẹp là ở cách bộc lộ nhu cầu chứ. Tại sao nó cứ nghĩ bố nó già là hết tất cả, là như một cây khô, một xác ướp? Tại sao chúng nó không tự đặt mình vào tuổi già, vào hoàn cảnh của ông để mà đồng cảm?

Trời ơi! Ước gì chúng nó được như con ông Bắc!

Song ước chỉ là một thứ vô hình thôi. Ông phải hành động theo cách mà ông đã nghĩ. Mình không tự lo thì ai lo cho mình?

Truyện ngắn củaVĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình già