Trong chiến đấu gian khổ ác liệt, tình yêu người vợ như tiếp sức mạnh cho chàng trai Hồ Ngọc Sơn anh trên mọi nẻo đường chiến đấu. Bài thơ “Tình em” của anh đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Năm 1960, cưới vợ được 5 ngày thì chàng trai Hồ Ngọc Sơn lên đường nhập ngũ và mãi sau 13 năm (1973), anh mới được ra Bắc. Nhưng trong chiến đấu gian khổ ác liệt, anh luôn hướng về hậu phương và tình yêu người vợ vẫn như tiếp sức mạnh cho anh trên mọi nẻo đường chiến đấu. Bài thơ “Tình em” của Hồ Ngọc Sơn đã ra đời trong hoàn cảnh đó với những dòng rất thắm thiết: “Khi chiếc lá xa cành/Lá không còn màu xanh/Mà sao em xa anh/Đời vẫn xanh rời rợi/Có gì đâu em ơi/Tình yêu là sự sống/Nên nắng ửng trong lòng/Mạch đời căng máu nóng...”.
Bài thơ còn dài, cứ triển khai để “Tình em” theo anh đi suốt các nẻo đường, rồi được đăng lên báo, ngâm trên đài. Năm 1962, khi Hồ Ngọc Sơn, lúc đó đã là Đại đội trưởng pháo cối bộ binh ở B1 (Gia Lai), một lần dừng chân tại trạm kho, gặp anh thương binh có giọng nói Quảng Bình sắp ra Bắc. Anh bóc nhãn một quả đạn viết mấy chữ cho vợ: “Anh vẫn khỏe, rất nhớ em. Hòm thư anh là… Mong nhận được thư em. Hôn em rất nhiều”. Trên một cái nhãn quả đạn khác, anh ghi địa chỉ vợ và nhờ người thương binh kia cho phong bì chuyển đến vợ anh. Người thương binh đã không gửi qua bưu điện mà đến tận nơi vợ anh là Trần Mỹ Hiền, công nhân Nhà máy đường Sông Lam (Nghệ An). Nhưng khi thư đến thì chị đã chuyển ra Bắc học ở Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương. Anh thương binh lại đến địa chỉ mới thì chị vợ Hồ Ngọc Sơn đã chuyển về học Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhận được thư chồng, chị òa khóc, chạy theo người đưa thư nhưng không kịp.
Mấy năm sau, nhạc sĩ Huy Du qua thời gian học ở Trung Quốc trở về rất mong được gặp người vợ của mình, nhưng bà vừa đi học tại Bungari. Được đọc bài thơ “Tình em”, ông thấy hợp cảnh, hợp tình liền phổ nhạc. Chỉ một đêm nhạc sĩ đã hoàn thành ca khúc trữ tình nổi tiếng qua các giọng ca vàng như Trung Kiên, Quý Dương, Vũ Dậu, Tường Vi… và nhiều thế hệ ca sĩ sau này.
TRỌNG NGUYỄN(st)