Tình đồng chí

08/03/2017 12:30

Trước khi cuộc họp chi bộ bắt đầu, một số đảng viên cao tuổi ngồi đàm đạo về tự phê bình và phê bình. Có đồng chí nói:


- Các đồng chí được tặng Huy hiệu Đảng đều nói tự phê bình và phê bình thì kỳ sinh hoạt nào cũng có, chứ không đợi đến mỗi lần học tập nghị quyết…

- Đúng đấy, tôi có được xem quyển sổ nghị quyết của một chi bộ từ thời chống Pháp bày trong tủ nhà truyền thống xã. Ngoài chương trình công tác của chi bộ, phiên họp nào cũng có mục “phê bình- chất vấn”. Chứng tỏ tự phê bình và phê bình từ khi có Đảng đã trở thành nền nếp, vũ khí chiến đấu để không ngừng vững mạnh và phát triển…

- Thế nên người sáng lập Đảng - Bác Hồ mới nói việc tự phê bình và phê bình cần như “rửa mặt hằng ngày”. Ngẫm nghĩ kỹ việc làm đó không chỉ là nền nếp, là vũ khí, mà cao hơn là đạo đức. Vì mục đích cuối cùng của việc làm đó để “trị bệnh cứu người”.

- Kiểm điểm góp ý cho nhau phải tạo ra được không khí dân chủ, đoàn kết và tin cậy. Dân chủ cần có ở người chủ trì hội nghị, người được phê bình và người phê bình. Có dân chủ thì mới đoàn kết được. Đoàn kết rồi thì gây được lòng tin lẫn nhau. Đạo đức là phải như thế.

- Vâng, nên trong Di chúc, Bác đã viết: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh việc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Song, Bác cũng nhắc “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phê bình mà không xuất phát từ động cơ trong sáng, chân thành, trung thực, thấy cái gì tốt của đồng chí thì phải học, thấy cái gì sai thì phân tích, giúp đỡ để tránh cho người và cũng là tránh cho mình không đi vào “vết xe đổ”…

- Nếu nắm vững mục đích, phương châm tự phê bình và phê bình như thế sẽ không lo gì chuyện “đấu tranh thì tránh đâu”, nhất là đối với phê bình tổ chức cũng như cá nhân cấp trên. Cái khó là nếu còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, đề cao cái tôi quá thì không nhìn ra hoặc cố tình không nhìn ra sự thật, nhất là ở những đơn vị tình hình phức tạp. Song, lại cần có phương pháp tư tưởng đúng, kiên trì, tháo gỡ từng bước để người được phê bình tâm phục, khẩu phục…

- Lại còn chuyện “hậu phê bình”, khi thấy đồng chí có khuyết điểm thì xa lánh, không gần gũi để giúp đỡ người ấy sửa chữa tiến bộ thì thật là sai lầm. Cần phân biệt giữa con người và sự việc chứ không nên đồng nhất để có thái độ đúng. Thế là “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” đấy.

ĐỒNG CHÍ

(0) Bình luận
Tình đồng chí