Tình cảm lớn trong một bài thơ nhỏ

27/03/2022 07:35

Bài thơ "Đánh thức trầu” in trong tập “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa viết năm 1966, lúc Khoa 7 tuổi, học lớp 1.

Đánh thức trầu

Trẩu trẩu trầu trầu
Mày làm chúa tao
Tao làm chúa mày
Tao không hái ngày
Thì tao hái đêm
(Câu hát của bà em)

Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn xin mấy lá trầu
Tao không phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
Trầu ơi, hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
Tay tao hái rất nhẹ
Không làm mày đau đâu...
Đã dậy chưa hả trầu?
Tao hái vài lá nhé
Cho bà và cho mẹ
Đừng lụi đi trầu ơi!

TRẦN ĐĂNG KHOA

Bài thơ "Đánh thức trầu” in trong tập “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa viết năm 1966, lúc Khoa 7 tuổi, học lớp 1. Trong bài, Trần Đăng Khoa ghi câu hát của bà em và lời thơ của em. Câu hát của bà có 5 dòng, mỗi dòng có 4 từ, Khoa đặt phía trên bài thơ em viết: "Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm".

Về bài thơ của Trần Đăng Khoa, là bài thơ có 17 dòng, mỗi dòng có 5 từ. Đọc toàn văn bài thơ, nhiều người từ sửng sốt đến thán phục cậu bé đang tập viết chữ, có khi còn có lỗi viết sai chính tả cũng nên, mà đã có chất thần đồng trong thơ. Bài thơ này có ý sâu sắc, đầy ắp nghĩa tình, với nghệ thuật biểu hiện ở thể thơ ngũ ngôn, có âm vận mượt mà, đậm đà phong vị, thi pháp truyền thống, dễ đọc, dễ nhớ.

Trong bài thơ, Trần Đăng Khoa chép ra những lời hát của bà, cũng là thể hiện tấm lòng đẹp của em với người bà kính yêu. Đồng thời ở đây, ta thấy tình cảm của người bà với cây trầu không. Cây trầu không, cùng với cau, là món ăn không thể thiếu của bà và là món quà tiếp khách, mời khách thân quý cùng ăn cho thắm tình thắm nghĩa, tình người khăng khít giữa người với người trong họ hàng, làng xóm, cho đúng là cơi trầu làm đầu câu chuyện. Hòa trong tình cảm này, là tình cảm đậm đà, nồng hậu của người bà với cây trầu thân yêu. Trần Đăng Khoa hiểu điều này, nên lấy đó làm tựa đề, làm cảm hứng chủ thể sáng tạo, là nơi khơi dựa tình cảm của bài thơ. Trần Đăng Khoa yêu cây trầu, coi cây trầu là bạn bè thân gần, thắm thiết, luôn cùng nhau chuyện trò thân mật, rất tình cảm. Những tình cảm đó đã biểu hiện qua những câu thơ ấn tượng: "Đã ngủ rồi, hở trầu?/ Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ?".

Xem ra, quả là Trần Đăng Khoa có một tình yêu đằm thắm, chân tình, nồng nàn với sinh vật, với thiên nhiên, cây cối. Qua thơ, người đọc thấy rõ Trần Đăng Khoa rất hiếu nghĩa với bà, với mẹ của em. Bên cạnh đó là tình cảm chân thành, tình bạn với cây trầu. Điều này được thể hiện qua việc đêm về, biết bà thèm trầu, em đã nhanh ra vườn hái. Nhưng trước khi hái, em đánh thức trầu, bởi em rất thương cây trầu, em cho là cây trầu đang ngủ ngon, sợ làm trầu mất giấc nên phải có lời thân tình, nhỏ nhẹ, thủ thỉ, để đánh thức nó, như xin nó, mới nhẹ tay hái. Những câu thơ sau nói rõ điều này: "Trầu ơi, hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào".

Lời thơ thật là thân gần, âu yếm, thật thà, quý mến. Rồi hơn thế nữa, Trần Đăng Khoa nói thân tình với trầu, không coi mình có quyền muốn làm gì thì làm với cây trầu là cây cỏ mềm yếu, không nói được, không kêu được, không có động tác được: "Lá nào muốn cho tao/ Thì mày chìa ra nhé!". Trần Đăng Khoa còn an ủi và hứa với trầu như là bầu bạn thân nhau, rất âu yếm: "Tay tao hái rất nhẹ/ Không làm đau mày đâu!".

Chưa dừng ở sự thân gần, quý trọng, khi lòng em đang chan chứa tình, Trần Đăng Khoa nhỏ nhẹ trìu mến khuyên trầu, nựng trầu và tha thiết mong muốn trầu: "Đừng lụi đi trầu ơi!".

Lời thơ cũng là lòng Trần Đăng Khoa thật thà, rất chan hòa, thiết tha với trầu, coi là bầu bạn, biểu hiện có văn nhân, văn hóa, sáng tỏa tình người, tình đời từ tâm hồn trong sáng của em. Như thế, người đọc đã thấy hết chiều sâu rộng tâm hồn, chiều sâu rộng tình cảm của em bé Trần Đăng Khoa. Đó cũng là tình cảm, chất văn hóa, đức tính rất tốt đẹp và đầy truyền thống nhân văn của con người, dân tộc Việt Nam...     

NGUYỄN TIẾN BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình cảm lớn trong một bài thơ nhỏ