Nhiều ý kiến về chủ đề "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"

06/12/2021 18:49

Chiều 6.12, tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh có 33 lượt ý kiến đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2022 là "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá".

>>> Khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII


Đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đề nghị tiếp tục quan tâm tổ chức hoạt động quảng bá các sản phẩm. Ảnh: Nhân Chính

Chuẩn bị sinh phẩm dự phòng cho y tế tuyến cơ sở

Nhiều ý kiến thảo luận đều đánh giá Hải Dương đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và bày tỏ đồng tình với chủ đề năm 2022 là "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá".

Đồng chí Nguyễn Đình Tranh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát diện rộng cho các đối tượng nguy cơ cao như công nhân ở những doanh nghiệp đông người, lái xe đường dài... "Để thực hiện thành công mục tiêu "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá", tỉnh cũng cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính", đồng chí Nguyễn Đình Tranh đề nghị.       

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Lê Tuyết Minh, viên chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh nêu ý kiến tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phủ nhanh, phủ rộng vaccine phòng Covid-19; có kế hoạch dự phòng thuốc điều trị cho F0 tại nhà; chuẩn bị các sinh phẩm dự phòng cho y tế tuyến cơ sở. Quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở có đủ khả năng điều trị F0 tại nhà và có chế độ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Giàng đề nghị cần quan tâm đánh giá đúng những chỉ tiêu không đạt trong năm 2021 để có những giải pháp khắc phục trong năm 2022. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc triển khai, thực hiện các công trình, dự án còn chậm. Các địa phương cần đổi mới, sáng tạo, chủ động hơn để vượt qua khó khăn dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đồng chí Đoàn Đình Tuyến kiến nghị: "Đối với vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tỉnh cần xem xét, quy định mức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tương đương với các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên; bố trí kinh phí để các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng".

Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đề nghị cần có những giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng để phấn đấu đạt chỉ tiêu đô thị hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Hiến kế để phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của tỉnh để người nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. 

Khắc phục "trên nóng, dưới lạnh" trong giải quyết thủ tục hành chính

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang, bất chấp dịch bệnh, lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh mẽ do có những hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có vải thiều. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số hạn chế, nhất là tiến độ đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Đồng chí Nam đề nghị tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp linh hoạt trong điều hành, quản lý để thực hiện mục tiêu “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”; tiếp tục quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư  Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ phát biểu thảo luận tại tổ 3 

Đánh giá Chỉ số PCI của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố, đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề xuất, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh cần rà soát tổng thể các doanh nghiệp chậm triển khai trong thời gian qua vì những dự án chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà còn gây mất quỹ đất khi thu hút các dự án khác vào hoạt động.

Cho rằng năm 2021 kết quả phát triển kinh tế của tỉnh nổi lên nhờ thế mạnh của doanh nghiệp, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đề nghị thời gian tới tỉnh cần tính toán căn cơ để có tốc độ tăng trưởng bền vững. Có cơ chế thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển. "Tỉnh cần khẩn trương thực hiện thống kê để quản lý chặt chẽ đất đai giúp việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng thuận lợi, đúng quy định. Việc điều chỉnh giá thu hồi đất là cần thiết nhưng cần quan tâm tính toán cách giải quyết đối với những dự án đang triển khai", đồng chí Đồng Dũng Mạnh kiến nghị.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ kiến nghị các cơ quan của tỉnh cần ban hành kịp thời các chế độ chính sách liên quan và sát cánh cùng các địa phương để kịp thời tháo gỡ vưỡng mắc, khó khăn. Chế độ, chính sách cần nhất quán ngay từ đầu. Tỉnh có thể để lại cho các địa phương nguồn thu từ đất để có kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp; khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong giải quyết thủ tục hành chính do một số nhân viên các sở, ban, ngành hướng dẫn thực hiện thủ tục còn rườm rà…

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ý kiến về chủ đề "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"