7 nguyên tắc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi

02/12/2021 08:52

Ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể, phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực...

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình tại hội nghị

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023-2025.

Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra 7 nguyên tắc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách.

Đó là bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong hệ thống ngân sách chính quyền địa phương. Ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể, phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương; phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ dự toán ngân sách giai đoạn 2023-2025 trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của thời kỳ 2017-2021. Tiếp tục tăng cường phân cấp nguồn thu gắn liền nhiệm vụ chi và trách nhiệm quản lý của từng cấp chính quyền địa phương.

Ngân sách cấp xã được phân chia nguồn thu từ các khoản: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất.

Thực hiện phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách và số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trên cơ sở bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các huyện, thị xã, thành phố, giữa các xã, phường, thị trấn.

Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách cấp huyện, cấp xã hụt thu so với dự toán do nguyên nhân khách quan, sau khi đã thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi theo quy định và sử dụng các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của ngân sách cùng cấp mà chưa bảo đảm được cân đối ngân sách thì ngân sách cấp trên hỗ trợ ngân sách cấp dưới theo khả năng của ngân sách cấp trên.

Chỉ ngân sách cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách cấp tỉnh chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND tỉnh quyết định.

Tờ trình cũng đưa ra nguyên tắc thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện như sau: Trường hợp ngân sách cấp tỉnh tăng thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp tỉnh trích một phần theo tỷ lệ không quá 20% của số tăng thu còn lại sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành để thưởng cho các địa phương có tăng thu, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định về việc thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương. Căn cứ vào mức thưởng do HĐND tỉnh quyết định, UBND cấp huyện báo cáo HĐND cùng cấp quyết định sử dụng số thưởng vượt thu được hưởng để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thưởng cho ngân sách cấp dưới.

Công bằng, công khai phương án phân bổ ngân sách

Đối với quy định hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải bảo đảm tính công bằng, công khai và minh bạch trong phương án phân bổ ngân sách; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025; bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện hệ thống định mức mới; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội...

Cụ thể, đối với các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp khối tỉnh thực hiện như sau:

Đối với khối quản lý hành chính, hội, đoàn thể: Phân bổ dựa trên tiêu chí từng bậc biên chế được giao bảo đảm chính sách tiền lương và chi công việc có tính chất chung (điện, nước, văn phòng phẩm, công tác phí, hợp đồng lao động....) và các nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị.

Đối với lĩnh vực sự nghiệp: Xây dựng định mức phù hợp với tính chất nhiệm vụ chi từng sự nghiệp và các nhiệm vụ, kế hoạch, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể: Sự nghiệp y tế, khối điều trị tính theo giường bệnh, khối dự phòng tính theo biên chế được giao và dân số. Sự nghiệp giáo dục, định mức bảo đảm đầy đủ nhiệm vụ chi cho con người theo biên chế được giao như lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và chi công việc theo số lượng học sinh THPT, học sinh học bổ túc văn hóa. Sự nghiệp đào tạo, định mức phân bổ dựa trên số sinh viên đào tạo chính quy bảo đảm toàn bộ chế độ chính sách tiền lương và chi công việc đào tạo. Sự nghiệp giao thông, định mức phân bổ dựa trên số km đường giao thông có phân theo bề rộng mặt đường. Các sự nghiệp còn lại thực hiện theo cơ chế nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền ban hành.

Đối với ngân sách các huyện, thành phố, thị xã thực hiện như sau:

Đối với khối quản lý hành chính, hội, đoàn thể: Định mức bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách cho con người theo biên chế được giao và định mức chi công việc theo dân số bảo đảm sự chủ động; tăng quyền hạn và trách nhiệm các huyện, thành phố, thị xã trong quản lý ngân sách nhà nước.

Đối với khối sự nghiệp: Định mức dựa trên biên chế được giao, tiêu chí dân số, diện tích đất nông nghiệp, đất công nghiệp, km đường giao thông, số km chiều dài đê, đơn vị đô thị hành chính cấp huyện và các chế độ chính sách an sinh xã hội bảo đảm đáp ứng được nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với ngân sách xã, phường, thị trấn thực hiện như sau:

Đối với khối quản lý hành chính, hội, đoàn thể: Định mức phân bổ bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp của cán bộ, công chức cấp xã trên cơ sở định biên theo từng loại xã và chi hoạt động chuyên môn theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với khối sự nghiệp: Định mức dựa trên tiêu chí dân số, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã và các chế độ chính sách an sinh xã hội bảo đảm đáp ứng được nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội cấp xã.

PV

(0) Bình luận
7 nguyên tắc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi