Sau cú sốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêu thụ nông sản của Hải Dương đã phục hồi, ổn định trở lại, thậm chí còn có nhiều cơ hội mới.
Việc tiêu thụ nông sản của Hải Dương đã ổn định trở lại. Trong ảnh: Vận chuyển cà rốt đi tiêu thụ
Vào guồng
Sau khoảng 2 tuần lao đao vì không vận chuyển được lợn sữa ra cảng Hải Phòng xuất khẩu thì hiện nay Công ty CP Hương Quỳnh Đăng (Ninh Giang) đã bắt nhịp lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Đào Văn Viển, Giám đốc công ty, từ ngày 3.3 đến nay doanh nghiệp đã xuất khẩu được gần 200 tấn lợn sữa đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia... giải quyết được hết các đơn hàng tồn đọng. Công ty đang hoạt động hết công suất để trả hàng đúng tiến độ. Việc vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh miền Trung về và chuyển hàng đã sơ chế ra cảng không còn bị kiểm soát gắt gao như trước nên doanh nghiệp "dễ thở" hơn. "Dịch bệnh bất ngờ xảy ra là điều không ai mong muốn, chỉ lo mất uy tín với khách hàng. Bây giờ khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển tiêu thụ được tháo gỡ nên chúng tôi cũng yên tâm hơn", ông Viển nói.
Tại vựa cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), cả người bán, người mua đều bận rộn để khẩn trương thu hoạch, sơ chế, đóng gói và vận chuyển hàng tới nơi tiêu thụ. Anh Hoàng Đức Chung, chủ xưởng sơ chế cà rốt tại địa phương cho biết: "Mọi người đã xác định mất trắng vụ cà rốt năm nay vậy mà càng cuối vụ lại càng trúng. Giờ chúng tôi chỉ sợ không có đủ cà rốt để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Giá bán cà rốt thì tăng từng ngày nên ai nấy phấn khởi". Thời điểm này, cà rốt là nông sản chủ lực của tỉnh cần tiêu thụ ngay nhưng sản lượng còn lại không nhiều. Dự kiến đến cuối tháng 3, nông dân thu hoạch xong cà rốt.
Là tâm dịch nên việc tiêu thụ nông sản của Hải Dương bị ngưng trệ, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân và doanh nghiệp. Song cũng chính trong hoàn cảnh này mà tỉnh đã tạo được những liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm OCOP Hải Dương đã xuất hiện trên các trang mạng uy tín là voso.vn, sendo.vn. Dù số lượng hàng bán ra qua kênh này chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu tích cực để các cấp, ngành có thêm định hướng giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi trong thời gian tới. Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà chia sẻ: “Trước đây đã có một số cá nhân trong huyện tạo những gian hàng trên mạng để phân phối, tiêu thụ nông sản. Còn hiện tại, huyện đang xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản cách làm này, từ đó đưa ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả”.
Công nhân Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) đóng gói nông sản
Không chủ quan
Trải qua hơn 1 tháng khó khăn trong tiêu thụ nông sản do dịch bệnh, nhất là thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, đến nay việc vận chuyển, phân phối, tiêu thụ nông sản đã thuận lợi hơn, lượng nông sản còn tồn không nhiều. Mặc dù tiêu thụ đã bình thường trở lại song người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn không được chủ quan mà phải lường trước mọi tình huống để tránh bị động.
Theo đánh giá, gà đồi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi có số lượng lớn và đội thêm chi phí thức ăn chăn nuôi trong thời gian chờ tiêu thụ. Tuy vậy, đến nay lượng gà quá lứa đã tiêu thụ hết, người dân đang chuẩn bị xuất bán lứa gà kế tiếp và tính toán tái đàn. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gà đồi Chí Linh nhận định người nuôi gà đang e ngại tái đàn nhưng không nên vì dịch mà bỏ chuồng. Bởi như vậy sẽ càng làm bất ổn cung, cầu trong thời gian tới. Vì thế, người dân nên nghe ngóng tín hiệu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch chăn nuôi phù hợp.
Thời gian tới, để chủ động tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp có năng lực thu mua lớn, đàm phán ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Ngành nông nghiệp xây dựng kịch bản sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiêu thụ nông sản hiện đã trở lại quỹ đạo, sản xuất, tiêu thụ cũng thuận lợi và ổn định. Dù vậy, ngành nông nghiệp không chủ quan mà sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
PV