Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Nga

17/05/2019 15:33

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa thực hiện chuyến thăm tới thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga bên bờ Biển Đen.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Sochi - Ảnh: AFP

Đây là chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ đồng thời được coi là cơ hội tháo gỡ thế đối đầu giữa hai cường quốc thế giới.


Quan điểm của 2 bên về nhiều vấn đề song phương và toàn cầu


Ngày 15.5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có các cuộc hội đàm với người người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và gặp Tổng thống Nga Valdimir Putin tại TP Sochi. Tại cuộc gặp, ngoại trưởng hai nước đã thảo luận về nhiều vấn đề song phương và toàn cầu, bao gồm kiểm soát vũ khí, biến động chính trị ở Venezuela, phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và Iran, cuộc khủng hoảng tại Syria...

Về quan hệ song phương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Tổng thống Donald Trump quyết tâm cải thiện quan hệ với Moskva, đồng thời khẳng định hai nước có thể không đồng thuận về mọi thứ, song vẫn có chỗ cho sự hợp tác, đặc biệt là trong hoạt động chống khủng bố và không phổ biến hạt nhân. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng đã đến lúc Nga và Mỹ bắt đầu hướng hợp tác mới mang tính xây dựng.

Về vấn đề Triều Tiên, hai bên đã thống nhất về mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên và sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này. Phía Mỹ cho biết sẽ duy trì triển khai đầy đủ các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn và được kiểm chứng. Còn phía Nga thì bày tỏ sẵn sàng ủng hộ đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Lâu nay Mỹ và Nga vẫn có quan điểm khác biệt về cách thức nhằm đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi Mỹ nhấn mạnh việc duy trì sức ép, thì Nga chủ trương nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc để đổi lấy những bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Do đó, trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ lần này,  hai bên vẫn chưa thể thống nhất về phạm vi, nội hàm của “phi hạt nhân hóa”, nguyên tắc đàm phán cũng như cách thức để đạt được mục tiêu trên.

Trong vấn đề Iran, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington về cơ bản không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng kêu gọi duy trì sức ép với Tehran. Ông Pompeo nhấn mạnh nếu lợi ích của Mỹ bị tổn hại thì Washingotn chắc chắn sẽ phản ứng phù hợp.

Đối với vấn đề Venezuela, Mỹ tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, còn Nga lại đề nghị Washington đối thoại với chính quyền đương nhiệm hợp pháp tại Caracas.

Trong vấn đề Syria, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết hai bên đã nhất trí về một tiến trình chính trị gắn liền với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trước mắt là việc thành lập một Ủy ban soạn thảo hiến pháp thời kỳ hậu xung đột cho Syria. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong cuộc khủng hoảng tại Syria là số phận của Tổng thống hợp pháp Syria Bashar al-Assad thì lại không được bàn tới trong chuyến thăm lần này của ông Pompeo.

Về vấn đề Afghanistan, hiện hai bên vẫn chưa tìm ra được những điểm đồng thuận cần thiết để có thể sớm nối lại hợp tác.

Tuy nhiên, có một điểm cộng trong chuyến thăm lần này là hai bên nhất trí về khả năng tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, các vấn đề an ninh-chiến lược, có thể diễn ra trong những tuần tới.

Ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo còn có cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm lần này. Hai bên đã thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cũng như những diễn biến có thể xảy ra liên quan tình hình Iran, tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, cuộc xung đột ở Afghanistan, vấn đề kiểm soát vũ khí cũng như những việc mà hai bên có thể cùng hợp tác thực hiện trong những lĩnh vực cùng quan tâm.

Nhìn chung đánh giá về kết quả chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, các nhà phân tích nhận định, hai bên bước đầu đạt được sự đồng thuận “mang tính định hướng” trong 3 vấn đề là Triều Tiên, Syria và kiểm soát vũ khí. Trong khi những vấn đề luôn gây căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ thời gian gần đây như Iran hay Venezuela, thì chuyến thăm lần này mới chỉ được coi là dịp để hai bên trình bày quan điểm, chứ chưa thể đưa ra những giải pháp hay biện pháp nào khả thi.

Nhiều kỳ vọng   

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Nga lần này diễn ra trong bối cảnh thời gian vừa qua, mối quan hệ giữa hai nước đã bị phủ bóng đen bởi những vấn đề như Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong khuôn khổ loạt biện pháp gây sức ép của phương Tây liên quan việc nước này sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, hay những lùm xùm liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Ngoài ra, hàng loạt những khác biệt liên quan đến chính sách đối ngoại cũng khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ liên tục trong tình trạng căng thẳng. Hầu hết các vấn đề “nóng” của quốc tế hiện nay như tình hình tại Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Venezuela, và Iran đều đang chứng kiến sự “đối đầu” của hai cường quốc thế giới Mỹ và Nga. Mỹ gần đây đã cáo buộc Nga ủng hộ “quá mức” Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trong khi Nga cáo buộc Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này khi cố gắng tìm cách lật đổ một chính quyền hợp hiến. Trong khi đó, Nga cũng liên tục cáo buộc Mỹ áp dụng các chính sách đơn phương, cho các vấn đề quốc tế, như thỏa thuận hạt nhân Iran hay tiến trình hòa bình Trung Đông…

Tuy nhiên, thật bất ngờ khi giữa lúc quan hệ Nga và Mỹ đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng thì trong những ngày đầu tháng 5 này lại xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3.5 tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm do phía Mỹ đề nghị kéo dài hơn một giờ và được Tổng thống Donald Trump đánh giá “rất tích cực". Tiếp đó, chỉ 3 ngày sau, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc hội đàm kéo dài gần một giờ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp Bộ trưởng Hội đồng Bắc cực ở TP Rovaniemi, Phần Lan. Hai Ngoại trưởng đã có cuộc hội đàm được xem là “tích cực và mang tính xây dựng”. Và chuyến thăm Nga ngày 15.5 lần này của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tiếp tục là minh chứng cho thấy tinh thần “xây dựng” đó.

Các nhà phân tích cho rằng có lẽ hiện là thời điểm thuận lợi nhất để Mỹ cải thiện quan hệ với Nga. Đặc biệt đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller công bố gần đây cho thấy không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với giới chức Nga, đã được coi như giải thoát cho ông Trump khỏi tình trạng bị “trói chân, trói tay”, không thể có những hành động cải thiện quan hệ với Nga vì có thể rơi vào tình huống “tình ngay lý gian”. Phía Nga từ lâu đã cho rằng những cáo buộc vô căn cứ từ phía Mỹ là nguyên nhân chính khiến quan hệ Nga-Mỹ lao dốc. Do đó, kết luận điều tra trên có thể được Tổng thống Putin xem là một trong những điều kiện thuận lợi để bắt đầu tìm kiếm sự đối thoại tin cậy giữa hai nước.

Tuy nhiên, cho dù cả Nga và Mỹ đã tỏ ra thiện chí, song các nhà phân tích cũng cho rằng với một mối quan hệ vốn đã chứa đựng quá nhiều bất đồng như trên, thì điều mà dư luận hy vọng trước mắt chỉ có thể là khả năng hai nước sẽ ngừng việc tiếp tục làm xấu đi quan hệ song phương, bắt đầu tiến trình xây dựng lòng tin và khôi phục hợp tác trên một số lĩnh vực “có chọn lọc”, chứ chưa thể lạc quan về một triển vọng sớm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai cường quốc thế giới.

Và dù chuyến thăm đầu tiên của ông Pompeo trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ tới Nga lần này chưa thực sự đạt được đột phá, song nó vẫn được xem là một động thái thể hiện thiện chí cho thấy hai nước sẵn sàng ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc về các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm. Hơn nữa, chuyến thăm lần này còn được xem có thể là một bước đi chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ vào cuối tháng 6 tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nhật Bản.            

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Nga