Tín dụng chính sách - Gần 20 năm tận tâm, đồng hành, phục vụ
Là cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, sau 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.
Đồng hành cùng người dân
Năm 2003, thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ/CP ngày 4.10.2002 về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH tỉnh bắt đầu thực hiện 2 chương trình tín dụng gồm chương trình cho hộ nghèo vay, nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước.
Sau gần 20 năm hoạt động, nhiều đối tượng người dân, nhiều chương trình tín dụng chính sách đã được Chính phủ bổ sung và giao cho Ngân hàng CSXH nói chung, chi nhánh tỉnh nói riêng triển khai. Đến nay, toàn hệ thống đã, đang thực hiện cho vay 12 chương trình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở đội 4, thôn 2, xã Văn Hội (Ninh Giang) nhiều năm trước là một trong những hộ nghèo của địa phương. Năm 2017, gia đình ông Hùng được vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình cho hộ nghèo vay. Năm 2019, gia đình ông tiếp tục được vay ưu đãi theo chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay để đầu tư vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Từ chỗ chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng khoán, đến nay, gia đình ông Hùng đã thoát nghèo, làm chủ một mô hình chăn nuôi với 4 con bò nái, gần 1.000 con vịt đẻ trứng. Gia đình vừa đầu tư thêm một lò ấp trứng để từng bước phát triển sinh kế. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có lẽ gia đình tôi khó có được cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay”, ông Hùng xúc động nói.
Sau 4 năm thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi ở khu vực bãi Giữa, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh Lê Văn Phương đã lên đến 2,7 ha. Thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kinh Môn, gia đình anh đã vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Trong khu trang trại, khoảng 2.000 m2 được gia đình anh xây dựng làm khu nuôi đà điểu. Phần còn lại là khu vườn trồng thanh long ruột đỏ, bưởi, cam và một khu trồng thử nghiệm thanh long vỏ vàng. Ý chí của một thanh niên dám nghĩ, dám làm cộng với hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp gia đình anh Phương vươn lên trong cuộc sống. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của anh mang lại doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mới đây nhất, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, hệ thống Ngân hàng CSXH toàn tỉnh đã khẩn trương triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn, góp phần giúp người dân có thêm nguồn vốn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid - 19.
Thuộc diện hộ nghèo, đầu năm 2022 gia đình anh Lê Ngô Thạo và chị Nguyễn Thị Kim Chi ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lộc cho vay ưu đãi theo chương trình cho học sinh, sinh viên vay để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến. Được vay vốn ưu đãi, con gái của anh chị là cháu Lê Thị Thơm, học sinh lớp 6A, Trường THCS Hoàng Diệu có thêm công cụ học tập. Cháu Thơm chia sẻ: “Từ khi có chiếc máy tính, việc học tập của cháu thuận lợi hơn rất nhiều. Cháu có thể học thêm tiếng Anh từ nhiều phần mềm hay luyện tập tiếng Anh trực tuyến cũng như tải nhiều bài kiểm tra các môn để tự làm, tự kiểm tra kiến thức của mình”.
Trong gần 20 năm hoạt động, hơn 746.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh đã được vay nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi. Qua đó đã tạo thêm động lực, giúp gần 104.700 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho khoảng 38.000 lao động; xây dựng gần 473.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; gần 117.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 6.600 người lao động có vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi được mở rộng, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, đặc biệt là các chương trình cho nhân dân vay phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid - 19 theo Nghị quyết 11 ngày 30.1.2022 của Thủ tướng Chính Phủ. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân gần 8,1 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho 890 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cầu nối tín dụng chính sách
Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng doanh số cho vay sau gần 20 năm đồng hành cùng người dân đạt trên 14.000 tỷ đồng với hơn 746.000 lượt khách hàng trong diện thụ hưởng được vay vốn.
Nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong toàn tỉnh xuống mức thấp mà đã và đang góp phần tích cực trong bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống, không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó mức thu nhập trung bình của người dân trong huyện được cải thiện, đạt mức 58 triệu đồng/người năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,42%”.
Để có kết quả đáng tự hào từ những số liệu tích cực kể trên không thể thiếu vai trò của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác cũng như các tổ tiết kiệm và vay vốn. Là cánh tay nối dài của hệ thống Ngân hàng CSXH, các tổ chức nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đến từng nhà, rà soát nhu cầu vay vốn của từng hộ dân nhằm chuyển tải kịp thời, đúng đối tượng nguồn vốn chính sách.
Gần 20 năm tận tụy giúp người dân tiếp cận vốn chính sách, bà Nguyễn Thị Quét, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Văn Hội (Ninh Giang) là một trong những cá nhân điển hình. Với vai trò Tổ trưởng, trước khi nhận nguồn vốn ưu đãi, bà Quét cùng nhiều tổ viên đã rà soát các hộ đủ điều kiện vay vốn, phổ biến quy định để người dân hiểu, từ đó sử dụng vốn vay đúng mục đích. “Trước đây nguồn vốn tín dụng còn khó khăn, mỗi hộ dân chỉ được vay tối đa 5 triệu đồng. Đến nay, mỗi hộ dân được vay tối đa đến 100 triệu đồng. Có thêm vốn, người dân khó khăn có điều kiện làm ăn, phấn khởi lắm”, bà Quét chia sẻ.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trải qua những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ từ những ngày đầu thành lập, Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, với tinh thần trách nhiệm cao và mạng lưới hoạt động phủ kín địa bàn. Qua đó bảo đảm năng lực để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Hoạt động với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hệ thống Ngân hàng CSXH toàn tỉnh xác định rõ bản chất của ngân hàng là phục vụ, không vì mục tiêu lợi nhuận và vì mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội.
Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai dân chủ, công khai, với cách thức “giao dịch tại nhà; giải ngân, thu nợ tại xã”, ngoài giao dịch tại trụ sở, hệ thống đã phối hợp với chính quyền địa phương mở và duy trì hoạt động tại 230 điểm giao dịch, trong đó có 4 điểm giao dịch liên phường.
Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, cũng là một đặc thù riêng của Ngân hàng CSXH, giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội phục vụ người dân. Tại các điểm giao dịch xã đã công khai các chương trình vay vốn, các thông tin về chính sách tín dụng, thủ tục hành chính.
Qua gần 20 năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thành công, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Đã có trên 14.000 tỷ đồng được giải ngân cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Dư nợ tín dụng chính sách hiện nay đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần khi mới thành lập. Qua đó góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thiết yếu trong đời sống của hộ nghèo và đối tượng chính sách. Trong điều kiện cán bộ ít, mạng lưới rộng, dư nợ hằng năm tăng trưởng với tốc độ cao song Ngân hàng CSXH tỉnh luôn nỗ lực để bảo đảm chất lượng hoạt động”.
Phát huy những kết quả đạt được, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ, của UBND tỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Phấn đấu phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn; tăng trưởng dư nợ hằng năm từ 5-8%; số tiền lãi phải thu đạt trên 98%; tỷ lệ giao dịch tại xã đạt trên 95%; bảo đảm chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.