Bị mù lòa từ khi còn ấu thơ, ông Trần Đức Chinh năm nay 75 tuổi, ở làng Hàm Hy, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) đã có những năm tháng nỗ lực không ngừng để vươn lên trong cuộc sống.
Cây đàn nhị đã gắn bó với ông Trần Đức Chinh từ thời thơ ấu đến nay
Vươn lên từ tiếng hát, cây đàn
Ông Chinh sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có 7 anh em, 5 trai, 2 gái, nhưng cha mẹ vẫn cho các con ăn học. Ông Chinh không may bị mù lòa từ nhỏ, người cha đau xót vô cùng. Ban đầu cha ông đã tính cho con học nghề thầy bói để sau này có chỗ độ thân. Nhưng nghĩ lại, nghề ấy tuy kiếm được tiền nhưng đen bạc, rủi ro lại bị thiên hạ cười chê. Khi ông vừa 8 tuổi, người cha đưa con xin học nghề đánh đàn.
Ngày ấy, trong xã có anh Ngô Xuân Tiến, thường gọi là kép Tiến đang chơi nhị trong một gánh hát rong. Kép Tiến nhận lời chỉ vì thương cậu bé mù chứ không tin tưởng lắm vào khả năng của cậu. Thầy Tiến dạy trò cách ngồi, cách cầm nhị, kéo thành tiếng. Thầy giao bài cho về nhà tập, rồi hôm sau đến trả bài. Ngày ấy cậu Chinh được học các làn điệu tuồng cổ. Ai ngờ chỉ một tháng, cậu chơi được câu “nói lối” khá hay. Thầy Tiến mừng lắm, nghĩ bụng: Người mù còn sáng dạ hơn cả người lành.
Ông trời đã lấy đi ánh sáng nhưng lại ban cho ông Chinh một năng khiếu tuyệt vời. Chỉ 1-2 tháng theo học thầy Tiến mà ông chơi được khá nhiều điệu tuồng cổ như Nam xuân, Nam ai, Phụng hoàng, Ngũ điểm… Năm 1958, thầy Tiến chuyển sang dạy các làn điệu dân ca của 3 miền cho học trò. Đủ cả các điệu hò, điệu lý, hát ống, hát đúm, trống quân, cò lả… ông Chinh đều nhập tâm, chơi thành thạo. Hải Dương là nôi chèo, có phong trào hát chèo nên từ năm1960, thầy Tiến chuyển sang dạy trò các làn điệu chèo Lới lơ, Luyện năm cung, Sử bằng, Sử chuyện...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ lan ra miền Bắc, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” phát triển và loang ra cả nước. Các xã trong tỉnh đều có đội văn nghệ cơ sở phục vụ “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”… Những năm ấy, Ty Văn hoá Hải Dương còn mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hạt nhân cơ sở. Ngắn thì một tháng, dài thì 3 tháng. Các xã cử người về học. Ông Chinh bao giờ cũng được về dự và thành tích học tập luôn dẫn đầu cả lớp.
Ngoài 30 tuổi, ông Chinh lấy vợ. Vợ ông là bà Lê Thị Viết ở thị trấn Tứ Kỳ, kém chồng hơn một giáp. Ngày còn nhỏ, Viết trèo mít tuột tay bị ngã, sai khớp háng. Cảnh nghèo không ai bảo ban đi rút lại khớp nên thành tật. Đôi vợ chồng ấy đã bổ sung cho nhau trên chặng đường mưu sinh để tồn tại. 4 đứa con (2 trai, 2 gái) lần lượt ra đời. Trong làng chẳng thiếu lời thị phi, xa xôi bóng gió: Người lành lặn làm vật vã còn không đủ ăn, huống chi vợ què, chồng mù lại sòn sòn thế kia. Nghe thế, vợ chồng ông nín lặng, âm thầm lao động nuôi con, trong lòng vẫn nuôi dưỡng niềm tin. Họ vẫn lao động trong HTX nông nghiệp, vẫn nhận hàng mẫu ruộng, tảo tần trồng cấy, chăn nuôi, làm tròn nghĩa vụ giao nộp sản phẩm và nuôi con cho đến lúc trưởng thành. Tích cóp tiền mua đất, xây nhà cấp 4, định hướng các con phấn đấu học tập bằng chị bằng em.
Bây giờ người con trai cả Trần Mạnh Hà đang là sĩ quan quân đội, công tác tại Quân khu 3. Con trai út Trần Văn Xâm từ 4-5 tuổi đã được bố truyền cho niềm đam mê âm nhạc. Vừa 7 tuổi, Xâm thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, đỗ liền. Thế là 15 năm thoát ly gia đình, sống tự lập ở Thủ đô, vừa học chữ, vừa học nghề. 22 tuổi tốt nghiệp đại học, anh Xâm được giữ lại làm giảng viên Khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Đam mê truyền nghề
Hầu như những kỳ hội diễn văn nghệ ở huyện, tỉnh, ông Chinh đều có mặt, khi thì với vai trò nhạc công chơi trong dàn nhạc, khi thì với tư cách diễn viên độc tấu nhạc cụ. 4 lần tham gia hội diễn ca múa nhạc toàn quốc do các bộ, ngành trung ương tổ chức, với vai trò diễn viên, ông đoạt 4 giải A.
Từ những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Chinh được Phòng Văn hóa huyện Tứ Kỳ hợp đồng thời vụ, để dạy các lớp bồi dưỡng nhạc công cho cơ sở. Mắt kém, ông có cách riêng để kiểm tra tay nghề, khả năng từng học viên và phân nhóm. Ông chú ý lắng nghe tiếng đàn của từng người rồi uốn nắn, hướng dẫn tỉ mỉ. Ông không chỉ truyền dạy cho họ cách chơi từng làn điệu mà còn biết cách dạo nhạc nền cho những hoạt cảnh chèo. Sau mấy chục năm làm giáo viên truyền nghề, ông có tới mấy trăm lượt học viên biết chơi nhạc cụ dân tộc, nhiều người sau này thành danh, trong đó có con út của ông.
Làm được những công việc như thế là bởi ông Chinh thời trai trẻ chịu khó học chữ nổi Braille. Ông biết soạn giáo án bằng chữ Braille hướng dẫn các học viên. Người nghệ nhân khiếm thị ấy còn có thời gian 11 năm liền (1999 - 2010) làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Tứ Kỳ.
Bây giờ ông Chinh đã vào tuổi 75, tuy gầy gò nhưng da dẻ vẫn đỏ đắn, giọng nói khúc chiết. Ông sống với người vợ tảo tần trong ngôi nhà xây khang trang sạch sẽ. Ông vui, khỏe, thường xuyên sinh hoạt trong Câu lạc bộ Chèo thôn Hàm Hy, đàn hát giữa cộng đồng, thôn xóm và gia đình con cháu.
Thì ra ánh sáng không phải chỉ từ đôi mắt, mà nó có thể tỏa ra, bắt nguồn từ âm thanh. Với ông Chinh, ánh sáng tỏa ra từ âm thanh những nhạc cụ dân tộc.
KHÚC HÀ LINH