Tìm nguyên nhân hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “chưa hoàn thành"

05/08/2023 12:18

Năm học 2022-2023, cả nước có 105.734 học sinh Tiểu học chưa hoàn thành chương trình, trong đó, riêng lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành.

Giờ học Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 đối với Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra con số thống kê hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại "chưa hoàn thành."

Một số ý kiến cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc đánh giá học sinh đã đi vào thực chất, tránh được hiện tượng “ngồi nhầm lớp.”

Cũng có những ý kiến lo ngại chương trình, sách giáo khoa mới nặng về kiến thức, tạo áp lực cho học sinh.

Năm học 2022-2023, cả nước có 105.734 học sinh Tiểu học chưa hoàn thành chương trình, chiếm 1,14% trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh Tiểu học.

Trong số đó, riêng lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành, chiếm 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.

Cụ thể, môn Tiếng Việt dẫn đầu các môn với 49.702 em bị đánh giá chưa hoàn thành; tiếp theo là môn Toán có 39.022 em bị xếp loại tương tự.

Những con số này dẫn đến băn khoăn trong dư luận về việc dạy và học của học sinh lớp 1 khi triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông Mới 2018.

Đánh giá đúng thực chất

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), con số đánh giá này không khác biệt nhiều so với các năm.

Cụ thể, học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất, sau đó đến lớp 2, 3, 4, 5 giảm dần.

Lý do đánh giá học sinh lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất vì đây là năm đầu tiên của bậc học với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh học các năm tiếp theo.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ.

Bên cạnh đó, trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non; chủ yếu là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và có cả phần ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh.

Không được học mẫu giáo, vào lớp 1, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Không được học mẫu giáo, vào lớp 1, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Con số hơn 50.000 em xếp loại thấp ở lớp 1 năm qua tương đương với 2% trẻ chưa được ra lớp mẫu giáo.

2022-2023 cũng là năm học đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch COVID-19, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng nói chung.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định việc học sinh được đánh giá, xếp loại "chưa hoàn thành" cuối năm học không xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa.

Bởi, khi thiết kế, xây dựng Chương trình Giáo dục Phổ thông Mới, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục rất quan tâm tới đối tượng học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp.

Ví dụ, môn tiếng Việt đã được điều chỉnh tăng từ 350 tiết/năm học lên thành 420 tiết/năm học nhưng nội dung kiến thức không tăng.

Nghĩa là vẫn chừng đó chữ cái, âm vần nhưng tăng thời gian thực hành để học sinh thuận lợi hơn khi nắm được kiến thức.

Đối với học sinh "chưa hoàn thành," các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù những phần kiến thức, nội dung các em chưa hoàn thành để học sinh đạt được các mục tiêu cần đạt. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, tránh trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp."

Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh các địa phương cần tạo điều kiện để tất cả học sinh 5-6 tuổi, nhất là trẻ vùng sâu, vùng xa tiếp cận được chương trình mầm non.

Học sinh Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ Lai Châu trong giờ nghe, viết môn tiếng Việt

Hiện nay, khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non là rất khó khăn cho các em khi vào lớp 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Theo đó, sẽ có những nội dung bù đắp kiến thức, kết nối chương trình giáo dục mầm non với bậc tiểu học, nhiệm vụ này được các trường tiểu học thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Hướng tới mô hình giáo dục cá nhân hóa

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng ngành giáo dục đã có lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng vẫn cần phải làm rõ hơn bản chất vấn đề, để từ đó có những quyết sách, giải pháp hiệu quả, lâu dài.

Việc đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 27, gồm 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Kết quả cuối năm học 2022-2023, cả nước có hơn 105.700 học sinh Tiểu học bị đánh giá ở mức “chưa hoàn thành” và có thể bị ở lại lớp trong năm tới nếu không vượt qua được kỳ thi bổ túc trong dịp Hè này, chiếm gần 1,2% tổng số. Trong đó, gần 52.500 em là học sinh lớp 1.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam phân tích: Nếu cho rằng con số học sinh “chưa hoàn thành” lớp 1 năm nay lớn vì có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non, cần đối sánh với tỷ lệ của các năm trước xem tương quan giữa tỷ lệ trẻ chưa được đi học mầm non và tỷ lệ “Chưa hoàn thành” lớp 1 các năm trước xem có tương đương hay không.

Vì cơ bản các năm trước, tỷ lệ trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non vẫn duy trì ở mức tương tự.

Cùng với đó, nếu phân tích tỷ lệ học sinh “Chưa hoàn thành” lớp 1 chủ yếu là trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật, liệu rằng yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt của lớp 1 đang chưa mang tính đại diện, chưa phản ánh đặc thù các vùng miền.

Hay cần phải có những chính sách hỗ trợ thêm để hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cần chính sách hỗ trợ và đánh giá khác như thế nào với học sinh khuyết tật học tập?

Ở khía cạnh khác, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, nếu cho rằng việc đánh giá lớp 1 năm nay thực chất không vị thành tích, đảm bảo quyền lợi của học sinh đạt mục tiêu đọc thông viết thạo để tiếp tục học hiệu quả các lớp trên, tránh trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp" vậy các năm trước đã thực hiện ra sao, với các tiêu chí đảm bảo tính công bằng, đáp ứng yêu cầu cần đạt thế nào?

Với chương trình mới, giáo viên được giao quyền linh hoạt trong dạy học để đảm bảo được mục tiêu cần đạt của học sinh cuối kỳ, cuối năm. Vậy khi học sinh không đạt chuẩn, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Giáo viên phải bồi dưỡng thêm cho học sinh đảm bảo đạt chuẩn hay học sinh sẽ phải chịu trách nhiệm lưu ban một năm học lại?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam cho rằng nhiều học sinh chỉ chưa đạt ở một trong số các nội dung và hoạt động bắt buộc khác nhau, nếu không thể được bù đắp trong Hè, các em sẽ phải ở lại lớp 1.

Chính sách này đã phù hợp với tiếp cận “đa dạng trí thông minh,” để phát huy tối đa điểm mạnh, tiềm năng của học sinh hay chưa?

Xét ở góc độ phí tổn xã hội, các em gặp khó khăn trong việc học một môn sẽ phải ở lại cả năm và học lại cả các môn đã đạt chuẩn có tối ưu về kinh tế, thời gian tiêu tốn của cá nhân và gia đình.

Với những em bị chứng khó đọc, khó toán hoặc khó chính tả, liệu các em sẽ phải ở lại 2-3 năm một lớp chỉ vì không đạt chuẩn 1 môn học, hoạt động các em gặp khó khăn trong khi các năng lực khác của các em đã vượt chuẩn từ lâu.

Dường như chúng ta đã không quan tâm đến khía cạnh tâm bệnh học của rối loạn học tập và dạy học cá nhân hóa khi ban hành chính sách này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam đưa ra một giải pháp có thể nghiên cứu hiện nay là mô hình giáo dục linh hoạt mang tính cá nhân hóa.

Ví dụ, các em sẽ vẫn lên lớp học với các bạn khác tất cả các môn đã đạt chuẩn và chỉ xuống học bổ sung thêm ở môn học, hoạt động “chưa hoàn thành” theo đánh giá của các thầy cô.

Mô hình này sẽ rất phù hợp với việc giáo dục học sinh tài năng. Những em thần đồng toán học có thể lên học với anh chị lớp trên ở môn Toán nhưng vẫn về lớp với bạn bè đồng trang lứa để học tập những kỹ năng sống tương ứng với độ tuổi và không bị đánh cắp mất tuổi thơ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nguyên nhân hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “chưa hoàn thành"