Tìm nguồn nước sạch cho thủy sản

06/04/2014 04:50

Hiện nay, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đang phải xoay xở tìm nguồn nước sạch cho thủy sản trong điều kiện nguồn nước nội đồng ngày càng ô nhiễm.



Nguồn nước cho ao nuôi cá  giống của nhà ông Nguyên Văn Chí (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) được lấy từ
sông Thái Bình qua hệ thống đường ống  dài 4m

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay các sông ngoài đê (Thái Bình, Luộc, Kinh Thầy, Kinh Môn...) có chất lượng nước khá tốt để nuôi thủy sản do sông lớn, dòng chảy mạnh. Tuy nhiên, tại nhiều con sông, kênh trục nội đồng, nguồn nước đã bị ô nhiễm, gây khó khăn cho nuôi thủy sản. Nguyên nhân chính là do lưu lượng nhỏ, lại chịu tác động bởi nhiều nguồn ô nhiễm như: chất thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt.

Ngày 19-3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn cảnh báo về chất lượng nguồn nước ở nhiều con sông, kênh trục nội đồng bị ô nhiễm, có thể ảnh hưởng xấu cho nuôi thủy sản, tưới dưỡng cây trồng. Trước đó, đầu tháng 3-2014, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã quan trắc nguồn nước tại 14 tuyến sông, kênh trục nội đồng, gồm: Cẩm Đông - Phí Xá, Đò Cậy - Tiên Kiều (Cẩm Giàng), Cầu Sộp - Phủ, Cậy - Phủ (Bình Giang), Hồng Đức (Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang), Đại Phú Giang (Thanh Miện, Ninh Giang), Thạch Khôi - Đoàn Thượng (Gia Lộc), Chùa So - Quảng Giang (Gia Lộc, Tứ Kỳ), Bá Liễu - Trại Vực (TP Hải Dương, Tứ Kỳ), Nguyễn Văn Bé (Kim Thành), Trung Thủy Nông Hoành Sơn (Kinh Môn), T6 Vạn Thắng (Chí Linh), KT Đò Hàn (Nam Sách), sông Hương (Thanh Hà, Nam Sách). Kết quả cho thấy, tất cả 14 con sông, kênh trục này đều có hàm lượng NH4+-N, NO2-N vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuyến kênh T6 Vạn Thắng có hàm lượng PO43--P, F-, BOD5, COD, sông Nguyễn Văn Bé có hàm lượng PO43--P vượt quy chuẩn cho phép.

Trong nhiều năm qua, tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khu nuôi thủy sản tập trung thôn Nội (xã Toàn Thắng, Gia Lộc) có 10 hộ nuôi thủy sản với diện tích 3 ha, lấy nước trực tiếp từ kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng. Việc nguồn nước bị ô nhiễm khiến các hộ dân rất bức xúc. Ông Phan Văn Hẹn, một người dân nuôi cá ở đây cho biết: “Có đợt, một số hộ dân dùng nước từ kênh này để bơm vào ao khiến cá bị chết hàng loạt”.

Dùng nước ngầm

Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, các địa phương đã dùng nhiều cách để khắc phục nhằm tìm ra nguồn nước sạch để nuôi thủy sản. Tại thôn Nội, xã Toàn Thắng, các hộ dân ở vùng nuôi thủy sản tập trung phải hạn chế số lần lấy nước từ kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng vào trong ao. Người dân thường đợi khi trời có mưa to, nước kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng dồi dào, mức độ ô nhiễm giảm thấp mới tính toán để lấy nước vào ao. Trước khi cho vào ao nuôi, nguồn nước kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng được để lắng đọng một thời gian ở một con mương nội đồng. Con mương này có nhiều bèo tây nên có thể giúp giảm bớt ô nhiễm chất hữu cơ. Sau khi nguồn nước trải qua các công đoạn này thì người dân mới dám cho vào ao. Tất cả các hộ dân ở đây đều dùng máy bơm lấy nước ngầm để bổ sung nước cho ao nuôi, đồng thời là biện pháp thay thế dụng cụ sục khí, tạo ô-xi trong nước. Chị Lê Thị Duân có 3 ao nuôi cá với diện tích gần 2 mẫu. Từ năm 2013 trở về trước, nhà chị Duân vẫn phải lấy nước từ kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng. “Nguồn nước này ô nhiễm lắm. Khi bơm nước vào ao, cá bị chết nhiều. Từ hơn 1 năm nay, tôi không lấy nguồn nước này nữa. Ở mỗi ao, tôi khoan một giếng để lấy nước ngầm, sử dụng máy bơm cung cấp cho ao nuôi. Sau khi thu hoạch cá, tôi bơm hết nước trong ao ra ngoài ruộng, rồi lấy khoảng 1 nửa lượng nước từ ao nuôi bên cạnh, còn một nửa lượng nước lấy từ nước ngầm. Từ ngày áp dụng cách này, nguồn nước ao nuôi sạch sẽ hơn, cá ít bị chết hơn”. Nhiều nông dân nuôi cá trong tỉnh cũng sử dụng một phần nguồn nước ngầm để bổ sung cho ao nuôi cá. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều nguồn nước ngầm mà chính nguồn nước này cũng bị ô nhiễm thì có thể sẽ phản tác dụng.

Tìm ra sông lớn


Nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung gần các con sông lớn. Nhìn chung, nước ở các con sông ngoài đê hoặc sông lớn trong nội đồng còn khá tốt cho nuôi thủy sản, ít bị ô nhiễm hơn các sông, kênh trục nhỏ. Hiện nay, tỉnh ta có 5 vùng nuôi thủy sản tập trung đang hoạt động, gồm: Đoàn Kết (Thanh Miện), An Đức (Ninh Giang), Tiên Động (Tứ Kỳ), Minh Hòa (Kinh Môn), Đại Đức - Tam Kỳ (Kim Thành). Các vùng này đều ở sát sông nội đồng lớn hoặc sông ngoài đê. Toàn tỉnh hiện có nhiều hộ dân tận dụng nguồn nước ở sông Kinh Thầy, sông Luộc... để nuôi cá lồng.

Vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tiên Động (Tứ Kỳ) được quy hoạch với diện tích 50 ha, hiện nay đã khai thác được gần 40 ha. 50 hộ dân nuôi thủy sản tại đây. Vùng này lấy nước ở sông Tứ Kỳ. Mỗi khi mở cống An Thổ, nguồn nước từ sông Luộc cũng tràn về đây. Về cơ sở hạ tầng, vùng được đầu tư hệ thống cấp, thoát nước riêng. Mỗi khi cần lấy nước vào ao, trạm bơm sẽ cung cấp nước vào từng ao qua hệ thống kênh được kiên cố hóa. Khi muốn tháo nước ra ngoài, các hộ dân tháo qua một con kênh chung. Bà Bùi Thị Liên, Chủ nhiệm HTX thủy sản Tiên Động cho biết: “Trước đây, nhiều hộ nuôi cá ở trong làng nên cá hay bị chết do nguồn nước ô nhiễm. Khi ra đây, nguồn nước dồi dào, chất lượng nước khá tốt nên chúng tôi có thể chủ động thay nước cho ao, giúp cá lớn nhanh hơn, ít bị dịch bệnh. Việc cấp, thoát nước qua hệ thống riêng cũng ngăn ngừa tình trạng nước ô nhiễm, dịch bệnh lây lan từ ao này sang ao khác”. Tương tự, vùng nuôi thủy sản tập trung Đại Đức - Tam Kỳ (Kim Thành) ở ngay bãi sông Văn Úc. Nguồn nước dồi dào, chất lượng nước bảo đảm ở con sông này giúp nhiều hộ dân nuôi thủy sản được thuận lợi.

Trước đây, ông Nguyễn Văn Chí (Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Đức Chí) ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) phải sử dụng nguồn nước ở kênh Bá Liễu - Trại Vực để nuôi cá giống. Tuy nhiên, không ít lần cá trong ao bị chết hàng loạt do lấy phải nguồn nước ô nhiễm. 3 năm trở lại đây, ông Chí không lấy nước từ kênh Bá Liễu - Trại Vực nữa. Ông đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cùng với HTX Dịch vụ nước sạch Kỳ Sơn để lắp đặt 4 km đường ống nước lấy nước trực tiếp từ sông Thái Bình, cung cấp cho ao nuôi. Mỗi năm, ông Chí chi hơn 100 triệu đồng để được cung cấp nguồn nước này. “Có nguồn nước sạch từ sông Thái Bình giúp cá lớn nhanh hơn, ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, chất lượng nước bảo đảm giúp tôi có thể tăng mật độ nuôi con giống gấp 1,5-2 lần so với trước kia”, ông Chí cho biết.

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, một biện pháp để tạo ra nguồn nước sạch cho nuôi thủy sản ở vùng tập trung là bố trí một ao cấp nước chung với diện tích chiếm khoảng 10% tổng diện tích khu vực nuôi tập trung. Nguồn nước ở ao nuôi chung này sẽ được xử lý đạt chất lượng, sau đó mới cấp cho các ao nuôi riêng lẻ. Tuy nhiên, ở tỉnh ta vẫn chưa áp dụng biện pháp này do chưa bố trí được quỹ đất dành cho ao nuôi tập trung. Theo chúng tôi, bên cạnh sử dụng nước từ các sông lớn, giải pháp căn cơ nhất để có nguồn nước sạch cho thủy sản chính là ngăn chặn, hạn chế các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nguồn nước sạch cho thủy sản