LTS: Những năm qua, mô hình kinh tế tập thể ở Hải Dương đã có những đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Mỗi năm HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc) cung cấp ra thị trường từ 5.000 - 7.000 tấn cá thương phẩm
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mô hình HTX cũng còn những khó khăn cả về nhân lực, vốn, công nghệ... Loạt bài này phân tích những bất cập nhằm tìm ra lời giải để phát triển mô hình kinh tế tập thể trong giai đoạn tiếp theo.
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, một số HTX tại Hải Dương đã có chuyển biến, bứt phá rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh, song không ít đơn vị vẫn đang giậm chân tại chỗ, thậm chí hoạt động cầm cự.
Đã có "bình mới"
Luật HTX 2012 được kỳ vọng tạo ra đột phá cho kinh tế tập thể với những đổi mới về cả chất và lượng. Khi đi vào cuộc sống luật sẽ trở thành cú huých quan trọng thôi thúc các HTX nhìn nhận, đánh giá thực chất, những mặt còn tồn tại, hạn chế để có định hướng phát triển hiệu quả. Từ "làn gió" mới này, các HTX trong tỉnh bắt tay vào công cuộc chuyển đổi từ bộ máy quản lý đến cách thức hoạt động. Nhờ vậy mà không ít HTX kiểu cũ đã thay đổi, tạo dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế tập thể.
Nắm bắt được nhu cầu và định hướng phát triển của kinh tế tập thể, anh Lê Văn Việt ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) đã thành lập HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt vào năm 2011. Vì mới thành lập, không chịu ràng buộc bởi các quy định cũ lại hoạt động trong khuôn khổ của Luật HTX 2012 và đội ngũ lãnh đạo có tư duy mới, năng lực tốt nên ngay từ đầu, HTX đã đi vào nền nếp khi sản xuất, kinh doanh bài bản, khoa học. Với mô hình nuôi cá "sông trong ao" theo công nghệ Israel, HTX thu về lợi nhuận "khủng". Vốn điều lệ của HTX từ 100 triệu đồng tăng lên 300 tỷ đồng. Ngoài 28 thành viên HTX có thu nhập ổn định, HTX còn tạo việc làm cho 200 lao động địa phương với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Phải khẳng định rằng, sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, năng lực nội tại của các HTX trong tỉnh đã từng bước được nâng cao. Nhiều HTX đã chú trọng đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, mở thêm nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ cho lợi ích kinh tế của các thành viên và cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 518 HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đạt tỷ lệ 100%. Hầu hết các HTX đều đã kiện toàn bộ máy quản lý và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể... Năm 2021, doanh thu bình quân của các HTX đạt 750 triệu đồng/năm, tăng 580 triệu đồng so với năm 2013; thu nhập bình quân của thành viên HTX là 46 triệu đồng/năm, tăng 28 triệu đồng. Tổng vốn hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX ước đạt 7.516 tỷ đồng, tăng trên 800 tỷ đồng...
Nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh vẫn duy trì một số dịch vụ đơn thuần, thiếu tính cạnh tranh
Có nơi còn "rượu cũ"
Luật HTX năm 2012 ra đời đã định nghĩa rõ hơn về bản chất của HTX. Trong đó, khẳng định HTX được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau. Các thành viên HTX vừa là chủ, vừa là khách hàng của HTX thông qua quy định góp vốn, sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, việc tổ chức, hoạt động của HTX không còn bị giới hạn trong địa giới hành chính xã, phường mà có thể liên kết tùy theo yêu cầu và năng lực thực tế... Mặc dù vậy, nhiều HTX trong tỉnh vẫn hoạt động èo uột.
Ông Nguyễn Văn Thượng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tứ Cường (Thanh Miện) cho biết sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, tổ chức bộ máy chuyển từ Ban Chủ nhiệm thành Hội đồng quản trị. Trong đó thành công nhất của HTX sau chuyển đổi là đã định lượng được số lượng thành viên và số vốn góp của họ. Thay vì hàng nghìn xã viên như trước thì giờ đây mỗi hộ trong xã chỉ cử một người tham gia HTX... Mặc dù có nhiều chuyển biến về bộ máy quản lý nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX chưa thật sự bứt phá. HTX Dịch vụ nông nghiệp Tứ Cường vẫn chỉ duy trì cung cấp một số dịch vụ sản xuất nông nghiệp đơn thuần cho các thành viên như làm đất, dịch vụ thủy nông, cung cấp vật tư, diệt chuột, hướng dẫn kỹ thuật… Trong khi đó các dịch vụ này đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường, nhất là dịch vụ cung cấp vật tư, làm đất. Quan trọng hơn là việc bao tiêu nông sản cho các thành viên đến nay HTX vẫn chưa làm được. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều HTX Dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh.
Lúa rươi hữu cơ là sản phẩm trong quá trình đổi mới mô hình của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh (Tứ Kỳ)
Theo Liên minh HTX tỉnh, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể trong tỉnh hiện nay vẫn thiếu tính gắn kết, các hoạt động liên doanh, liên kết còn manh mún, lạc hậu. Mặc dù số lượng thành viên HTX đông nhưng vẫn còn tư tưởng mạnh ai nấy làm, thiếu tính đoàn kết. Tỷ lệ góp vốn còn thấp dẫn đến không có nguồn để đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất hay xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ. Dịch vụ HTX vẫn khá đơn điệu, thiếu tính cạnh tranh, thậm chí còn lạc hậu. Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên và giữa các HTX còn hạn chế, thể hiện rõ ở khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX chưa có trụ sở làm việc, chưa rõ ràng về tài sản sở hữu nên khó huy động vốn... "Thời gian qua, công tác tuyên truyền của các HTX có nhiều sáng kiến song chưa được vận dụng triệt để nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, thống nhất... dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát sao. Công tác quản lý về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm... Đây cũng là những nguyên nhân khiến nhiều HTX tuy "thay da" nhưng "chưa đổi thịt", Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
ĐỖ QUYẾT