Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn tỉnh có lúc phải lao đao.
Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ chủ động mở rộng thị trường mới để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Quay lại thị trường nội địa, tìm thị trường xuất khẩu mới đang là hướng đi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Quá phụ thuộc vào một thị trườngTừ đầu năm 2015 đến nay, một số cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ để xuất khẩu sang Trung Quốc phải hoạt động cầm chừng do nhu cầu nhập khẩu gỗ thành phẩm của thị trường này ngưng trệ. Tại làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) hiện chỉ còn vài xưởng gỗ hoạt động. Ông Vũ Văn Hay, chủ một cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của làng cho biết hơn 1 năm nay hàng làm ra nhưng không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Hiện nay, trong kho của cơ sở còn tồn hàng chục bộ bàn ghế và sập gụ, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. “Nếu như trước đây, mỗi bộ bàn ghế xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc chúng tôi có thể thu lãi từ 20-40 triệu đồng thì thời điểm này doanh nghiệp đành phải chấp nhận bán rẻ cho người tiêu dùng trong nước để thu hồi vốn”, ông Hay nói.
Trước đây, xưởng gỗ của gia đình anh Vũ Văn Điệp cũng ở làng nghề mộc Đông Giao chỉ sản xuất phục vụ khách Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây khách Trung Quốc đến mua hàng thưa dần. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Hàng xuất khẩu đi Trung Quốc sụt giảm đến hơn 70% so với trước đây. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của cơ sở anh Điệp hiện chỉ được hơn 300 triệu đồng/tháng. "Những sản phẩm làm theo kiểu hàng Tàu cũng khó có thể chuyển sang bán ở thị trường nội địa, bởi người tiêu dùng trong nước không chuộng mẫu mã đồ gỗ của Trung Quốc. Nhiều người trong làng nghề chúng tôi đã nhận ra bài học đắt giá khi quá phụ thuộc vào một thị trường, nhất là Trung Quốc vốn thiếu ổn định", anh Vũ Văn Điệp cho biết.
Chủ một số cơ sở sản xuất mộc mỹ nghề ở làng nghề mộc Đức Minh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng cho biết từ đầu năm đến nay do thị trường Trung Quốc bị thu hẹp nên các đơn đặt hàng của thương nhân nước này giảm mạnh. Theo anh Nguyễn Văn Hoàn, chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc ở đây: “Nếu cơ sở nào ký được đơn hàng với thương nhân Trung Quốc thì họ cũng kỳ kèo thêm bớt chứ không thoáng như trước”.
Trước thực trạng trên, tìm kiếm cơ hội từ những thị trường xuất khẩu khác có độ an toàn cao hơn thị trường Trung Quốc và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa đang trở thành yêu cầu cấp thiết của nhiều cơ sở.
Tìm thị trường thay thếTheo ông Vũ Đình Tuyên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Mạnh Tuyên ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) thì chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc quan tâm khai thác thị trường nội địa là cách để các doanh nghiệp gỗ thoát khỏi khó khăn trong giai đoạn này. Xác định rõ điều này nên từ năm 2013, doanh nghiệp gỗ Mạnh Tuyên chuyển sang cung ứng vật liệu sản xuất bàn ghế, ván sàn ngoài trời cho Công ty CP VIHA Thống Nhất (Hà Nội). "Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở rộng sản xuất gỗ thanh ván sàn sang các nước EU. Để từng bước tiếp cận thị trường này hiện nay chúng tôi liên kết đơn vị trung gian chuyên kinh doanh sản phẩm nội thất cao cấp Ikea (Thụy Điển) để bán sản phẩm", ông Tuyên nói. Ngoài ra, để phát triển sản xuất, doanh nghiệp Mạnh Tuyên đã thuê thêm 2 ha đất liền kề, thuộc cụm công nghiệp Tân Hồng để mở rộng nhà máy số 2 với tổng số vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Nhà máy sẽ được lắp đặt 4 dây chuyền hiện đại để vừa sản xuất gỗ thanh và vừa ghép vỉ ván sàn xuất khẩu. Dự kiến, nhà máy sẽ vào hoạt động trong năm 2017, thu hút khoảng 300 lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang tìm hướng xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo đại diện của một số cơ quan chức năng, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới trong nước còn nhiều… Đây là cơ hội lớn của các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường nội địa, các doanh nghiệp của tỉnh phải tích cực nghiên cứu thay đổi mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, mẫu mã đa dạng, hiện đại nhưng giá cả phải chăng ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp gỗ cũng cần phải tính toán chi phí sản xuất, hạ giá bán sản phẩm để cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu từ Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Đồng ý với nhận xét trên, ông Vũ Văn Điệp ở làng nghề mộc Đông Giao khẳng định: "Cơ sở sản xuất gỗ của gia đình sẽ tiếp tục duy trì và tìm hướng tốt nhất để tạo ra sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn nhằm góp phần cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ quen thuộc, cơ sở sẽ tăng cường sản xuất đồ mộc dân dụng như bàn ghế, tủ, giường để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Chúng tôi sẽ thay đổi để tồn tại và phát triển".
Trước những khó khăn trên, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp gỗ đầu tư sản xuất. Từ nguồn kinh phí khuyến công, tỉnh cần tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gỗ đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường xúc tiến thương mại để phát triển. Toàn tỉnh hiện có 12 làng nghề sản xuất các sản phẩm gỗ, chiếm 18,46% số làng nghề trong tỉnh. Các làng nghề mộc hiện đang tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Do đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến ngành nghề sản xuất này. Trong quy hoạch làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, trong đó có nghề mộc. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp sản xuất gỗ của các làng nghề tìm hướng phát triển mới, mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường.
PV