Tìm hiểu nội dung văn kiện Đại hội XI của đảng

15/07/2011 06:58

     (Tiếp theo)

3. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường

- Sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo vệ thị trường nội địa, đồng thời tuân thủ những quy định của các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia. Đổi mới, hoàn thiện thể chế về giá, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, về ký kết, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp; không hình sự hoá các tranh chấp dân sự trong hoạt động kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

- Phát triển đa dạng, đồng bộ, ngày càng văn minh, hiện đại các loại thị trường hàng hoá, dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời chú trọng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường trong nước, bảo vệ lợi ích của cả người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là về giá cả, chất lượng hàng hoá, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Từng bước mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và cam kết quốc tế; phát huy vai trò chủ động điều hành chính sách, quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cổ phần hoá và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại; áp dụng các thông lệ và chuẩn mực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển an toàn, bền vững của các ngân hàng trong nước. Hoàn thiện thể chế bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, tăng tính minh bạch của thị trường. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước; thực hiện lộ trình mở cửa thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện đất nước và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đổi mới, hoàn thiện thể chế để quyền sử dụng đất và các quyền về bất động sản được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Quyền sử dụng đất được định giá trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư, kinh doanh. Nhà nước tạo lập, quản lý thị trường bất động sản và chủ động tham gia thị trường với tư cách là chủ sở hữu đất đai và nhiều tài sản trên đất để phát triển và điều tiết thị trường.

- Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có nhiều hình thức thông tin giới thiệu các hoạt động và sản phẩm khoa học, công nghệ; hoàn thiện các định chế về mua bán các sản phẩm khoa học, công nghệ trên thị trường.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chế độ hợp đồng lao động được mở rộng, áp dụng phổ biến cho các đối tượng lao động. Đổi mới tổ chức và hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước; khuyến khích tổ chức các hội chợ việc làm; phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, giới thiệu việc làm đi đôi với tăng cường quản lý của Nhà nước.
4. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để xác định rõ và đầy đủ hơn đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với thực tiễn nước ta, nhất là những nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng; tăng cường, sử dụng hợp lý các tổ chức, cán bộ nghiên cứu để tham mưu cho Đảng trong việc xây dựng, lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước phải thật sự nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý kinh tế thị trường, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ công tác.
- Đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của kinh tế thị trường. Vận dụng và phát huy mặt tích cực; hạn chế, ngăn ngừa mặt trái của cơ chế thị trường; tạo ra những tiền đề để nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa
.
- Nhà nước tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế; đổi mới công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phân định rõ hơn chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước và chức năng của các tổ chức kinh doanh vốn và tài sản nhà nước.

- Nhà nước tiếp tục hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của nhân dân trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện để nhân dân và các tổ chức này tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát việc thực hiện luật pháp, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

 (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

(0) Bình luận
Tìm hiểu nội dung văn kiện Đại hội XI của đảng