Ngày 30-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Chúng ta cần có ý thức "tốt nghiệp ODA" thì mới sử dụng có hiệu quả
nguồn vốn này, hạn chế vay, dần tránh lệ thuộc vào vốn ODA . Ảnh: TTXVN
Phần lớn ý kiến tại phiên thảo luận cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ nhưng cũng có ý kiến cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Nợ công tăng nhanh, nợ xấu còn cao. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu.
Tăng nguồn lực cho đầu tư, phát triểnĐại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, sự chuyển biến chậm chạp trong một số lĩnh vực mà báo cáo của Chính phủ đã đề cập như phát triển chưa vững chắc, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, tái cơ cấu quá chậm... Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển, tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Đồng tình với mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% như báo cáo nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần tăng tổng vốn đầu tư từ 30% lên 32% GDP. Đại biểu Ngân kiến nghị phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt để vực dậy sản xuất trong nước...
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) băn khoăn về tình trạng sinh viên không tìm được việc làm, gia tăng tội phạm gây bức xúc dư luận, đời sống vật chất và tinh thần một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ sớm xây dựng phương án cải cách tiền lương, quan tâm tổng kết sơ kết chương trình giảm nghèo, cắt bỏ chương trình không hiệu quả để cân đối nguồn vốn cho các chương trình giảm nghèo.
Cần "tốt nghiệp ODA"Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đánh giá, hiện nay nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA không được quản lý tốt, dẫn đến nhiều vi phạm, gây mất uy tín với các đối tác nước ngoài. "Mặc dù chúng ta cũng có cơ quan, ban bệ quản lý các dự án ODA nhưng hầu như các vi phạm chỉ được phát hiện từ phía nước ngoài. Sau đó, chúng ta mới xử lý", đại biểu Nga băn khoăn.
Đại biểu Nga nêu ý kiến: QH, Chính phủ cần đánh giá, coi trọng các hệ quả của vay ODA, đặc biệt khi nước ta bước ra khỏi danh sách các nước kém phát triển thì đã hết được hưởng lãi suất ưu đãi. Đây không phải là khoản vốn được nước ngoài cho không, vay được càng nhiều càng tốt như tư duy của một số lãnh đạo địa phương. Hiện nay, việc vay ODA ở một số nơi, dự án còn gắn với tư duy thành tích, nhiệm kỳ. Do đó, Chính phủ cần công khai, minh bạch toàn bộ số vốn vay ODA, các dự án sử dụng vốn ODA và có cơ chế, chính sách để các đại biểu QH và người dân tham gia có ý kiến và giám sát.
Đại biểu Nga đề xuất theo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, vốn ODA phải được quản lý chặt chẽ; đầu tư có chất lượng tốt, công trình được sử dụng lâu dài chứ không phải vừa xây xong đã sửa. Đại biểu Nga nhấn mạnh: Chúng ta cần có ý thức "tốt nghiệp ODA" thì mới sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, hạn chế vay, dần tránh lệ thuộc vào vốn ODA vì quốc gia nào còn phụ thuộc ODA thì khó phát triển bền vững. Như Hàn Quốc đã "tốt nghiệp ODA" trong vòng 30 năm. Vì vậy, Chính phủ cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ, tránh đầu tư dàn trải và đặc biệt là chống tham nhũng ODA, tránh rơi vào bẫy ODA.
Cùng có ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ không vay ODA cho chi thường xuyên để giảm gánh nặng nợ công.
Nỗi lo nợ xấuBên cạnh vấn đề ODA, nỗi lo chung về nợ công, nợ xấu cũng được các đại biểu đặt ra. Theo đại
Ngày 31-10, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Buổi chiều, QH thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
|
biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), hiện nợ công, nợ xấu của nước ta trong tình trạng đáng lo. Đại biểu Kiêm cho rằng nguyên nhân do tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp còn chậm, năng suất lao động chưa nâng lên, kỷ cương trong quản lý điều hành, lao động còn thấp. "Kinh tế không bền vững, nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng trở lại, chúng ta phải khẳng định nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải", đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) có ý kiến. Theo đại biểu Hùng, công ty mua bán nợ xấu hoạt động thiếu cả 3 vấn đề là quyền, năng lực và nguồn lực. Trong khi chỉ cần thiếu 1 trong 3 vấn đề trên đã làm cho hoạt động không hiệu quả.
Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), còn nhiều vấn đề quan trọng mà báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đầy đủ và phân tích nguyên nhân như: căng thẳng trong cân đối ngân sách dẫn đến chưa thể tăng lương theo lộ trình; nợ công được nhân dân quan tâm nhưng báo cáo không nêu rõ hiện trạng; tình hình chống tham nhũng...
TTXVN-TN
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương):
Cần thực hiện căn cơ các giải pháp phát triển kinh tế
Mặc dù QH, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế nhưng xem ra những "liều thuốc" này vẫn chưa đủ mạnh để đẩy lùi căn nguyên gây bệnh. Nhiều ngành vẫn còn loay hoay chữa triệu chứng, gồng mình lên giải quyết những vấn đề trước mắt. Có những việc sửa sai, khắc phục lỗi quản lý yếu kém thì lại lầm tưởng là thành tích. Ví dụ như việc giảm vài chục phần trăm giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu, giảm giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc việc rút đăng cai ASIAD 18... Tôi mong rằng trong thời gian tới, các bộ, ngành cần đánh giá đúng thực chất vấn đề, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các doanh nghiệp nhà nước thoái nhanh vốn đầu tư ngoài ngành, đẩy nhanh cổ phần hóa; thực hiện ngay các đột phá chiến lược...
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 như trong báo cáo, tôi đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra nhưng đề nghị cần cụ thể hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính phủ cần xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định chính trị xã hội... Tôi đề nghị QH và Chính phủ cấp đủ kinh phí cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nghiên cứu, liên kết sản xuất đủ giống cây trồng, vật nuôi, tránh lệ thuộc nước ngoài. Cần có chính sách hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo, nâng cấp các trạm bơm; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp; hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản... Cần có chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy liên kết "4 nhà" trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
|