Ngữ cuộn cái chiếu bụi ra giũ ngoài sân rồi vào giường trải lại. So dịch mãi mà chiếu vẫn chưa chịu phẳng cho. Kệ, cứ ngả lưng xuống đây để bớt căng thẳng tàu xe đã, rồi đâu có đó. Anh bạn hàng xóm sắp là thông gia nhắn mình về chắc lại có chuyện liên quan tới cưới hỏi cho thằng Hoàn nhà mình với con gái nhà ấy chứ gì…
Nhìn lên hàng xà gồ vuông vắn đều đặn, ngói chiếu trắng mờ quen thuộc một lúc mắt anh đã nhòa đi.
Hoàn kéo Thu vào nhà, thấy bố đang ngủ say ra hiệu cho Thu im lặng. Nhưng Thu đã lay lay bố người yêu.
- Bác ơi, bác cứu chúng con với.
- Cái gì.
- Không hiểu sao bà nội con từ Tây Nguyên về lại bảo hoãn đám cưới đã. Bố con không biết ý bà, đang băn khoăn lắm. Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi.
Ngữ ngơ ngác nhìn con Thu khóc mếu, nó níu chặt lấy thằng Hoàn, giằng gịật như chính chồng sắp cưới của nó là thủ phạm.
- Con không biết đâu, bác cứu chúng con.
- Bình tĩnh đã Thu, để bác hỏi bố Tụy con… Bà về sao không báo trước để bác đến chào bà?
Ngữ chỉnh lại áo quần, dặn dò các con rồi đi thẳng ra ngõ. Nhà Tụy ở ngay giữa xóm. Ngày còn bé, Ngữ thích sang chơi bên Tụy vì anh em nhà ấy cùng lứa với Ngữ lại, hợp tính hợp nết. Thỉnh thoảng Ngữ phải theo cô đi tỉnh, ở hẳn trên ấy ít ngày. Xa quê Ngữ nhớ nhà mình thì ít nhớ nhà Tụy thì nhiều. Trẻ con nào chả thế, đánh khăng đánh đáo với nhau, cào cào châu chấu với nhau, đêm mải chơi ngủ quên gác giò lên nhau, chí chóe. Chỉ có điều hơi lạ là bác Gái, mẹ Tụy, hay có quà chia cho bọn trẻ. Một lần bác gọi các con và Ngữ vào nhà cho mỗi đứa một bắp ngô luộc, chẳng cần để ý cũng thấy bắp của Ngữ to hơn và non hơn. Lần khác bác bảo năm nay tát được ao cá, có tiền, bác may cho mỗi đứa bộ quần áo, vải phin thô nhuộm bùn thôi. Ngữ lắc đầu lùi ra không mặc thử. Bác dỗ dành việc gạn ao Ngữ có công tát nước đắp bờ, không phải ngại. Ngữ mang quần áo về khoe với cô Ngân bị cô mắng, bắt mang trả ngay. "Cháu không mồ côi, bố cháu là liệt sĩ, từ giờ cháu không được sang đấy nữa". Trong tâm trí non nớt của Ngữ thêm một lần thắc mắc, bác Gái quý mình vì mình chơi thân với con bác ấy, cô mình ghét bác Gái vì cái nỗi gì? Cô nói cũng mặc, vắng cô Ngữ thỉnh thoảng vẫn sang chơi nhà bác.
Một hôm, tại nhà bác Gái, Ngữ thấy cô Ngân to tiếng: "Chị còn bênh cái con phản chồng, phản tổ chức, bỏ con theo giai à? Thằng Thế nói với cả làng rằng Xuân đồng ý là vợ nó, tha hồ ăn trắng mặc trơn, rằng thế nào Xuân cũng đón con đi. May mà tôi đưa thằng Ngữ nhà tôi đi biệt...". "Ngân ơi, Xuân không phải là người như thế...". Bàng hoàng không biết tin cô Ngân hay tin bác Gái, Ngữ ôm mặt chạy một mạch ra đồng. Cánh đồng mênh mang đầy nước.
Hòa bình trên miền Bắc đã lâu mà mẹ Ngữ không về. Ngày ấy cả nước ghét Ngô Đình Diệm, cả làng ghét bố con nhà Thủ, mẹ có đáng cho người ta ghét không? Hỏi những người thân, trừ bà Gái, ai cũng thở dài buông một câu: "Mẹ mày, lạ thật đấy". Hồ sơ các loại của mình mà Ngữ biết, dòng về mẹ chỉ vỏn vẹn một câu: Mất tích thời kháng chiến. Trong một câu chuyện rất riêng tư, Ngữ thổ lộ với bạn rằng mình đã có cô ruột nuôi, nhưng mình vẫn cần mẹ, dù tốt dù xấu mẹ cứ quay về thì hơn. Bà Gái nghe thấy câu này ruột đau như gai móc, tấm tức khóc mấy ngày. Mặc thôi.
Hôm nay bà Gái ở Tây Nguyên ra, Ngữ phải sang chào. Còn việc muốn hoãn đám cưới của cháu nội bà với con trai mình thực hư ra sao còn phải hỏi chứ.
Mới tới ngang ngõ thì gặp Tụy đi ra
- Cụ về hở ông, cụ khỏe không, tình hình có gì mới.
- Cụ em lạ lắm, mới về hôm qua mà sáng nay cứ bắt thằng cháu lớn đưa bà đi, chẳng biết đi đâu. Nét mặt cụ vừa căng thẳng vừa lặng lẽ, em không dám hỏi nhiều. Cụ còn bảo em là việc cưới xin của chúng nó hẵng để từ từ đã... Em nghĩ chẳng có chuyện gì nghiêm trọng... Bác ơi, bây giờ em phải lên bệnh viện có ca hội chẩn, tối về em trao đổi với bác nhé.
Tụy đi, Ngữ đứng bần thần dưới gốc cây xoan một lúc rồi quay vào nhà. Ngữ không muốn đến nhà ai, nhỡ người ta hỏi chuyện cưới con thì nói thế nào. Anh cũng chưa sang thắp hương cho cô. Ngày cô còn sống bao giờ về quê việc thăm cô cũng là đầu tiên, quan trọng nhất. Cô mất anh cũng chăm chỉ thắp hương. Lời nói của cô, việc làm của cô giờ đây đang hiển hiện chua cay trong tâm tư của Ngữ. Vì cho rằng mẹ Ngữ phản bội, cô không nhận chị dâu. Cô ghét bà Gái, người bênh vực bạn lấy được và khinh bỉ luôn họ hàng bên ngoại nhà cháu. Cô quyết tâm nuôi đứa con bé bỏng của anh trai liệt sĩ, quyết tâm giữ đất giữ nhà cho cháu. Ôi ngôi nhà mái rạ, phên tre giậu mốc từ thời ông bà để lại, qua mấy lần cơi nới, dỡ ra chêm vào, đào lên lấp đi mới được hẳn hoi. Và mỗi lần như thế tiền bạc của cô, công sức của mình đổ vào không thể cân đong. Có lần mình hỏi: "Cô chú, các em đã có nhà rộng, con không mấy khi về, xây dựng làm gì cho mệt?" Cô mắng: "Anh vô tình lắm, sống chết cũng phải giữ miếng đất này, nâng cấp ngôi nhà này để thờ cúng. Ông bà và bố anh mới có chỗ mà về. Thỉnh thoảng tôi sang thắp hương, nhóm bếp, nhà có đỏ lửa, có ấm áp thì lộc mới vào. Phải trồng thêm cây, có màu xanh con cái nhà anh mới mát mẻ...". Cô là cha là mẹ, nuôi anh từ tấm bé, cô lại sâu sắc chân tình, mình phải nghe cô chứ. Cô chăm cho cháu như thế, dì cậu đừng hòng khe vào, bà Gái cũng đừng hòng thò ngó. Thằng bé sẽ lớn lên trong sạch.
Nhá nhem tối con Thu sang, nó bảo bác ở nhà, bà con sang chơi. Sao bà lại phải sang chơi không đợi bác sang thăm bà, tình hình chắc có vấn đề thật, con mời bà hộ bác nhé. Bao nhiêu là phỏng đoán, bao nhiêu là đối sách đặt ra.
Đèn bật sáng thì bà sang thật. Theo bà có vợ chồng nhà Tụy. Dưới sáng đèn rộng rãi bà nhỏ bé và lập bập. Ngần ấy năm, cao nguyên gồ ghề phần nào thay đổi được dáng hình của bà, còn giọng nói miệng cười và nhất là ánh mắt vẫn hồn hậu như xưa. Ngữ nắm tay bà. Bà đặt tay lên vai anh như muốn ghì anh xuống, như muốn thì thầm:
- Tôi sắp cạn hơi rồi…Cái gì còn lại là của các anh.
- Bà còn khỏe ạ, ra với chúng con thế này là mừng, con và Tụy đã rủ nhau xong việc của các cháu sẽ vào với các cụ.
Thăm hỏi người trong nhà, việc ngoài làng đã đủ, bà cụ Gái đặt chén nước xuống khay, nhìn khắp lượt mọi người rồi đận đà lấy giọng:
- Tôi có chuyện này muốn nói anh Ngữ ạ, chuyện ngày xưa, chuyện buồn đau cho chúng ta lâu nay. Vì thế tôi muốn mọi người cùng nghe, nghe thấy không xuôi thì bỏ qua cho bà già lẩn thẩn.
Hôm qua hai bà cháu tôi đi quanh vùng mà ngày ấy Pháp nó đóng bốt Khê, rồi lại men dọc bờ sông Rặng. Vừa đi vừa lầm rầm khấn vái. Tôi khấn trời khấn Phật, tôi khấn mẹ anh, khấn bạn tôi, ân nhân mà tôi mắc nợ một đời… Vào khoảng trước năm Ất Dậu, tôi và Xuân cỡ tuổi mười lăm mười sáu. Nhà tôi đói mòn đói mỏi. Muốn có miếng ăn phải đi ở cho hết chủ này sang chủ khác. Chủ nào cũng bắt làm việc từ tinh mơ tới tối mịt, cho ăn thì như chó như mèo. Nhà vệ Thủ nhiều ruộng nhiều trâu nhưng hay bày trò quỵt công của con ở. Một hôm, nắng đã nhàn nhạt cuối chiều. Vệ Thủ chỉ tôi: "Tao muốn ăn canh cua, mày đi bắt đầy giỏ cua về cho tao. Không được cãi, liệu đấy!...". Tôi đội nón mê đứng khóc giữa đồng. Thấy tôi khóc, anh Tại đang cày gần đấy hỏi han. Tôi mếu máo: "Công tháng này chắc em lại bị quỵt như mấy tháng trước mất thôi!". Anh Tại bặm môi: "Giống gian tham. Thôi để yên anh giúp". Rồi anh buộc giỏ vào ngang lưng. Cứ mỗi hòn đất cày lật lên có cua anh lại nhặt bỏ giỏ. Tôi cũng lần quanh bờ móc lỗ, may sao mỗi bờ cũng được vài con. Đầy giỏ. Mừng quá, tôi khóc tầm khóc tã mang giỏ cua về. Anh Tại là bố Ngữ sau này đấy. Năm bốn nhăm nhiều người chết quá, tôi tưởng không qua. Có một người bạn cứu tôi, bạn ấy là mẹ anh, bà Xuân. Xin cho tôi được gọi bà Xuân bằng tên trống không nhá. Bố mẹ Xuân mổ lợn bán. Thương bạn giấu giếm cho nhau miếng lòng miếng tiết, thỉnh thoảng dúi cho củ sắn củ khoai. Tôi bảo bạn: "Mày cho tao thế này tao biết lấy gì trả ơn". Xuân bảo: "Sao phải trả ơn, mày cứ sống được đi đã…". Nhà vệ Thủ có thằng con trai đểu lắm, lừa lừa nó trêu ghẹo tôi, tôi mắng nó. Một hôm nó bảo tôi: "Đêm nay mày rủ được con Xuân ra đầu làng cho tao, tao sẽ cho tiền, không thì tao sẽ đuổi mày không cho làm nữa". Tôi bỏ nhà nó luôn. Xuân không đói nên có da có thịt, xinh tươi. Thằng Thế sau này đi lính cho Pháp, nó không quên đeo đuổi Xuân…Anh chị Tại Xuân là ân nhân của tôi, các anh các chị biết rồi đấy.
Tôi lấy chồng, sinh nhiều, còn lại bốn anh chị. Về con, tôi thỏa lòng bao nhiêu thì lại đau cho bạn bấy nhiêu. Xuân lấy anh Tại, có đứa con gái đầu lòng nó lại chết mất, mà chỉ vì ỉa lỏng có một đêm, ngày ấy có thuốc đâu, chỉ lá lảu xì xằng. Anh Tại đi bộ đội tận Bắc Ninh, về nhà một hai bận thì được anh này (bà Gái chỉ vào Ngữ) rồi hy sinh. Mẹ anh như điên. Một hôm Xuân bảo tôi, tao phải vào du kích. Tôi bảo đừng, phải nuôi con cho anh ấy. Xuân bảo: "Đã gửi các dì, còn cô nó, mày qua lại giúp tao". Xuân theo du kích đánh đồn này đồn khác, ai cũng biết. Thế mà…
Một hôm Tây lùa cả làng ra chợ Vạng. Nó bảo sẽ xử tội con Xuân và thằng Thụ. Những người con gái như tôi lẽ ra phải trốn khỏi làng, nhưng tôi biết thế này là Xuân sẽ chết. Không trốn. Lấy nhọ nồi bùn đất bôi lên mặt, cố đắp vào mấy cái mụn đo đỏ. Tôi bế con của Xuân, tức là cu Ngữ ra sân chợ Vạng. Thằng Tây lấy mũi súng gẩy nón tôi lên, nó xì xồ rồi bỏ sang lật mặt người khác. Tôi thoát, không bị hiếp vì chúng thấy tôi áo quần đùm đụp mặt lại có mụn chắc đang mang bệnh đàn bà.
Lúc sau tụi lính theo lệnh quan Tây kéo ra hai người, anh Thụ và Xuân. Mỗi người bị trói vào một cây cột cổng chợ. Mặt hai người sưng tím, áo quần tơi tả. Thằng thông ngôn hỏi anh Thụ: "Mày có muốn sống không?". "Muốn". "Ai chỉ huy mày?". "Tao". "Mày có biết con này không?". "Không". Rồi anh ngẩng đầu: "Đả đảo giặc Pháp cướp làng. Đả đảo giặc Pháp cướp nước. Đả đảo, đả đảo, đả đảo". Đoàng, đoàng, đoàng. "Đả đảo…". Tên Pháp đã bắn chết anh Thụ. Cả sân chợ lao xao kêu khóc. Tên Pháp phải bắn chỉ thiên mấy lần mới dẹp được yên… Tên thông ngôn lại chỉ Xuân: "Mày là du kích phải không?". "Không". "Mày có nhớ con mày không?" "Có chứ". "Mày có muốn bị bắn như thằng này không?" "Không". "Tốt". Thằng Tây hất súng. Mấy tên lính người Việt cởi trói kéo Xuân đi. Cả sân người ngơ ngác. Lựa lúc lộn xộn tôi bế thằng bé len lên. Thấy tôi Xuân nhìn chăm chắm rồi gào lên: "Con ơi!..." Xuân vẫn ngẩng mặt, chân bước hiên ngang.
Một thời gian rất dài trong làng đồn thổi những chuyện khác nhau. Người thì bảo vì thương con mà Xuân không muốn chết, đầu hàng. Người thì bảo thằng Thế con vệ Thủ dỗ dành xin quan Tây tha cho, đã đồng ý làm vợ hai nó. Người khác lại bảo thằng Thế ve vãn dọa dẫm không được đã xui quan Tây bắn chết rồi vứt xác xuống dòng sông Rặng…
Bà Gái ngừng kể để lấy hơi. Một tiếng sụt sịt dè dặt giữa không gian lạnh lùng của quá khứ đau thương vọng lại. Ngữ víu lấy thành ghế nghẹn ngào:
- Sao mẹ lại khổ thế mẹ ơi ! Sao chẳng ai nói với tôi đầy đủ, ai cũng vùi sự việc vào câu “mất tích” …
- Thằng Thế theo giặc vào Nam rồi chạy đi nước ngoài. Chính phủ không có cách nào làm rõ… Khổ thân bạn tôi mấy chục năm nay.
Bà Gái đứng lên với mấy nén hương. Cháu Hoàn vội tìm bật lửa. Không khí tang ma theo khói hương ngờm ngợp cả mấy gian nhà. Ngữ muốn chạy ra vạch một cái gì, đập một cái gì, giằng xé một cái gì, nhưng ngồi xuống lại đứng lên, hai tay bưng mặt:
- Chẳng lẽ chịu mãi thế này ư?
- Giải oan cho người đã mất mấy chục năm rồi khó lắm-bà Gái lắc đầu nói tiếp. Giời có lúc cũng chả công bằng. Tôi đi cầu cúng đền nọ miếu kia, gọi hồn gọi vía cũng không được. Nhưng tôi biết những người ngồi đây cũng như tôi tin rằng bà Xuân không phải là người phản bội, bà ấy còn muốn sống để đánh nhau với chúng nó, còn muốn tìm cách giết chúng nó để trở về với con. Anh Ngữ ơi, tôi nói điều này không phải tôi lấy lòng anh, không phải vì tôi chịu ơn anh chị Tại Xuân đã cứu sống tôi mà vì tôi hiểu con người chị ấy.
- Cảm ơn bà! Chúng con ơn bà nhiều lắm.
- Ấy không. Anh Ngữ, cho tôi nói thêm câu nữa có chết tôi mới yên lòng được.
- Dạ, có điều gì bà cứ dạy, chúng con xin nghe.
Bà cụ lại đứng lên đốt thêm một nén hương, cầm nén hương giơ lên đầu, hạ xuống, nhìn lên ban thờ, nhìn khắp lượt mọi người rồi lấy hơi thật sâu:
- Ở sân chợ Vạng tôi nhận được ánh mắt của Xuân nhìn con, nhìn tôi, trước khi đi. Xuân đã giao con cho tôi trong ánh mắt ấy. Tôi biết tôi phải có bổn phận với anh… Nhưng Xuân đã chết thật chưa? Có lần tôi liều lĩnh giấu mọi người địu Ngữ đến gần bốt Khê, dò hỏi những người hay ra vào bốt bán hàng cho lính. Không ai biết. Trên đường về, nghỉ chân bên bờ sông Rặng, tôi bảo Ngữ chắp tay, Ngữ biết gì đâu cũng chắp, cùng tôi vái xuống dòng sông. Tôi thề nguyền với trời với Phật với vong hồn Xuân trên sông nước nhận Ngữ làm con nuôi… Tưởng rằng sẽ nuôi Ngữ nhớn nhao, nhưng mấy hôm sau cô của Ngữ đến đón Ngữ đi. Và cấm.
Bây giờ thì Ngữ hiểu những năm chiến tranh con trai lớn của bà, con trai bé của bà lần lượt ra trận, bà lặng lẽ tiễn đưa. Khi tôi về chào gia đình để nhập ngũ bà sửng sốt giật lấy tay tôi: "Không. Không được đi. Không phải đi, nhà con một, con liệt sĩ…Trời ơi, con còn thì may ra mới gỡ được sự oan cho mẹ". Ngữ chỉ cười, Ngữ xin mãi cô mới cho đi, xin mãi xã mới cho đi, như thế là xã tin Ngữ lắm, không thể phụ lòng tin. Hòa bình thống nhất, anh con trai lớn bà nằm lại Tây Nguyên không về. Anh con trai bé nài nỉ đưa bố mẹ và em gái vào Tây Nguyên vì trong đó đất rộng, mà anh thì mới chuyển ra công tác, lấy vợ ở đó. Bà nói với tôi: "Bác vào trong ấy cho gần thằng cả, khổ thân nó mồ mả chẳng biết ở đâu. Anh và Tụy ở nhà phải quấn túm lấy nhau bác mới đành lòng được".
Bà Gái giơ hai tay với với lên ban thờ rồi ấp tay vào ngực.
- Thế là mấy chục năm tao không làm được gì Xuân ơi!...
Ngữ thần người suy nghĩ: Chỉ có nhận bà Gái làm mẹ anh mới không mất mẹ Xuân, anh mới không là đứa con bất hiếu và với bà Gái, trong anh vẫn có một tình cảm gì đặc biệt.
- Mẹ! Con xin làm con của mẹ.
Ngữ ôm lấy bà Gái, mẹ con ôm nhau nghẹn ngào tức tưởi.
Cả không gian lặng đi, chỉ có vợ chồng Tụy bàng hoàng ngơ ngác rồi lặng lẽ nhìn con gái, họ lặng lẽ rút lui. Cái Thu chạy vụt đi, thằng Hoàn bám theo nó. Tụy biết đây sẽ là thử thách gay go của cả gia đình. Nhưng Tụy không dám nói gì lúc này, anh giục vợ đi tìm con gái. Lần trong ký ức Tụy thấy quả thật mẹ mình có quý anh Ngữ như con đẻ, quả thật mẹ mình có những việc làm như lẩn thẩn nhưng hé ra những ẩn ý sâu xa. Họ nhận nhau mới phải, họ là những người biết trân trọng quá khứ thiêng liêng... Nhưng còn hôn nhân của con gái mình với con anh Ngữ thì sao, có phải hy sinh không? Có trái ý mẹ được không? Giá mẹ nói trước thì không xảy ra sự việc oái oăm này.
Trong nhà, bà Gái cùng người con nhận nói bao nhiêu chuyện, chuyện mình chuyện người, chuyện gần chuyện xa. Tiếng sụt sùi xen lẫn tiếng cười bao dung độ lượng. Ngoài sân trong ánh điện nhập nhòa vợ chồng Tụy cùng Hoàn, Thu lắng nghe và thì thầm bàn luận. Con Thu nhõng nhẽo và cương quyết:
- Ứ, con không chịu đâu.
Và con Thu không chịu thật, nó xông vào nhà:
- Bà ơi thế còn chuyện của chúng con?
Bà Gái sựng người, không phải bà vô tâm, khi được nghe bà hài lòng về chuyện tình duyên của chúng nó, nếu Ngữ không nhận bà làm mẹ thì mặc hai cháu lấy nhau. Nhưng việc đó phải được bàn định sau, chuyện bà đã thề nguyền nhận Ngữ làm con phải được đưa ra trước. Đó là việc bà đau đáu suốt dọc đường về quê. Bây giờ Ngữ đã là ruột thịt, bây giờ bà tạ lỗi được với trời Phật, tạ lỗi được với ân nhân. Việc hai cháu trở thành vợ chồng kể cũng hơi sai sái. Nhưng suy cho cùng thằng Hoàn là cháu nội hay cháu rể thì có ai thiệt gì đâu, làng xóm chắc cũng dễ cảm thông, bà Xuân chắc sống chết cũng vì chúng nó.
- Cái này để bác Ngữ quyết định con ạ. Nhưng không được hỗn láo đấy.
Ngữ bình tâm một lúc rồi quay ra tủm tỉm:
- Bà đã cho phép rồi mà…
Con Thu nhẩy lên reo hò ôm lấy cổ Hoàn: "Cám ơn bà , hoan hô bà!"
Hình như đã quá nửa đêm. Ánh điện và sao trời đều sáng. Ngữ không có ý định đi ngủ, ngủ sao được sau một ngày đầy ngập buồn vui của mấy chục năm dồn lại. Anh dự định sáng ra bố con anh sẽ đi chợ sửa mấy mâm cơm, thắp hương, mời họ hàng cùng chia sẻ.
Truyện ngắn củaPHẠM RÀM